22 năm gieo chữ trên bản làng Cor

27/08/2021 07:00 GMT+7

“Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh, cô rất yêu dòng kênh xanh, uốn quanh cánh đồng thơm mùi lúa mới” - đó là hình ảnh đẹp của một cô giáo trong bài hát Cô giáo em .

Và tôi cũng có một cô giáo tuy không “xinh xinh” ở vẻ bề ngoài nhưng có một tấm lòng đẹp, một tình yêu thương tha thiết dành cho học trò và một tình yêu nghề tận tụy. Và một điều rất đẹp nữa là cô đã dạy dỗ học sinh chúng tôi, gắn bó với buôn làng Cor chúng tôi suốt 22 năm qua.
Đó là câu chuyện về cô giáo Trần Thị Kim Cúc. Cô sinh ra và lớn lên ở Điện Bàn, Quảng Nam và tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 1999. Khi đó, cô có thể xin việc ở vùng đồng bằng hoặc nơi mình sinh sống nhưng cô đã chọn huyện Bắc Trà My là nơi dẫn dắt và đưa nhiều lớp học trò sang sông với bến bờ tri thức. Cô được phân công giảng dạy ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My. Xã Trà Kót là một xã vùng sâu, vùng xa và là nơi sinh sống của đồng bào Cor. Thuở ấy, đây là vùng đặc biệt khó khăn, chưa có đường, chưa có điện. Cô phải đi xe đò tới ngã ba Trà Dương và đi bộ hơn 23 cây số, lội qua bao nhiêu sông suối, bao nhiêu đèo mới tới trường.

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đến lớp

Cuộc sống của người dân nơi đây khốn khó trăm bề nên họ chỉ lo làm lụng kiếm cái ăn, cái mặc hằng ngày chẳng có mấy ai quan tâm đến việc học hành của con cái. Và những cô cậu học sinh cũng chẳng có mấy ai tha thiết với việc đến trường. Chính vì vậy, những cô cậu học sinh thường xuyên nghỉ học rong ruổi nơi nương ngô, nương lúa, con suối để hái rau, bắt ốc phụ giúp cha mẹ. Mỗi khi học trò nghỉ học thì cuối tuần cô phải trèo đèo lội suối cả ngày (vì những ngôi nhà ở làng thường cách xa nhau) đến từng nhà học sinh để vận động các em đến lớp. Nếu không có học sinh và phụ huynh ở nhà thì cô phải tiếp tục cuốc bộ đến nương rẫy của gia đình học sinh. Đi bộ vừa xa, vừa đói vừa mệt nhưng cô không bỏ cuộc, cô vẫn cố gắng gặp được học sinh để khuyên nhủ các em đi học, để nhắc nhở các em rằng phải đi học thì mới mong tương lai sau này tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi cũng là học sinh của cô và cũng từng được cô năm lần bảy lượt đến nhà vận động đi học. Và hình ảnh đầu tóc ướt nhèm, chân mang dép tổ ong dính đầy bùn đất, bàn tay co ro vì lạnh của cô đứng trước nhà tôi vào mùa mưa là hình ảnh mà dù có già đi tôi cũng không bao giờ quên được.

Cô Trần Thị Kim Cúc (trái) và tác giả - học trò của cô và nay cũng là giáo viên

Ảnh: TGCC


Với cô, niềm hạnh phúc nhất là thấy những đứa trẻ nơi buôn làng chúng tôi nắm được kiến thức sau mỗi ngày lên lớp. Thanh xuân của cô được cô gửi lại nơi buôn làng bằng một tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề tha thiết. Cô gửi lại cha mẹ cho anh chị ở quê chăm sóc, còn mình thì chăm sóc lũ học sinh chúng tôi. Cô tâm sự: “Những năm mới lên,  nhớ ba mẹ, nhớ gia đình da diết nhưng đường xa quá, làm sao mà về được, có khi một năm học chỉ về quê được 2 hoặc 3 lần”.
Khi đã trở thành đồng nghiệp của cô, đã có lần tôi hỏi: “Hồi nớ cực sao cô không chuyển về quê?”. Cô chia sẻ: Ngày xưa đi lại khó khăn, nhớ nhà, ba mẹ cô khuyên nên chuyển về nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh mắt ngây ngô, thật thà, hồn nhiên của chúng tôi thì cô không nỡ. Và đặc biệt cô muốn thấy tất cả những đứa trẻ buôn làng chúng tôi đều đi học, đều có kiến thức và có một tương lai xán lạn hơn. Với tôi ngày ấy, cô không chỉ là một cô giáo mà còn là người chị, người bạn. Vì sau những giờ lên lớp,  cô vẫn thường bắt chí, tắp tám cho lũ học sinh chúng tôi. Những ngày cuối tuần, cô còn cùng chúng tôi hái rau, bắt ốc để cải thiện bữa ăn của mình. Và khi tôi đã trở thành đồng nghiệp của cô thì cô cũng luôn giúp đỡ tôi trong công việc như chính cách ngày xưa cô yêu thương tôi vậy.
Rất nhiều đồng nghiệp của cô đã đến buôn làng chúng tôi nhưng cũng đã rời đi sau vài tháng hoặc vài năm công tác, còn cô vẫn ở lại, vẫn đều đặn đến lớp để truyền đạt kiến thức cho lớp lớp học sinh. Cô đã gắn bó với buôn làng chúng tôi hơn 20 năm nay và cũng là người chứng kiến buôn làng chúng tôi thay da đổi thịt từng ngày. Phải có một tình yêu thương tha thiết với lũ trẻ chúng tôi và phải có một tình yêu nghề tận tụy, cao cả thì mới bám trụ được lâu ở vùng đồng bào thiểu số như vậy. Tình yêu thương, tình cảm cô dành cho học sinh và buôn làng chúng tôi là một tình cảm trọn vẹn, cao quý.
Sống đẹp có nghĩa là gặp những trở ngại, thử thách trong cuộc sống, trong công việc ta luôn vui vẻ tìm cách bước qua và không bao giờ bỏ cuộc. Sống đẹp là cống hiến, tận tụy với công việc. Sống đẹp là dành tình yêu thương chân thành đối với học sinh của mình. Sống đẹp là giúp đỡ đồng nghiệp một cách chân thành và không đòi hỏi sự đền đáp. Và cô chính là như vậy.
Bản thân tôi là học sinh của cô và nay cũng là một cô giáo, hơn ai hết tôi hiểu rõ rằng ngày ấy nếu không có cô và những thầy cô thương học trò như cô thì chắc chắn rằng tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Và với tôi, cô chính là một người sống đẹp, luôn lan tỏa những điều tích cực để tôi học hỏi, cố gắng phấn đấu cho hôm nay và cả mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.