20 năm Táo quân - Gặp nhau cuối năm: Cô Đẩu có bị 'dìm hàng và kỳ thị'?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/02/2024 06:40 GMT+7

Nhân vật Bắc Đẩu trong Táo quân được xây dựng như thuộc cộng đồng LGBT, có trách nhiệm trong công việc và đôi khi bị kỳ thị.

TỪ TÌNH CỜ…

Nhân vật Bắc Đẩu có tạo hình rất "xã hội đen" trong chương trình Táo quân (Gặp nhau cuối năm) đầu tiên, vào năm 2003. Diễn viên Công Lý khi đó cắt đầu cua cực ngắn, mang kính đen, mặc comple, đeo hoa tai, nói giọng điệu đà. Đặc biệt, Bắc Đẩu cầm giũa móng tay, mài liên tục. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình, nam diễn viên cho biết lúc đó mình bàn với Xuân Bắc tạo cặp cá tính đối lập: người trông ngầu nói năng ỏn ẻn, kẻ thư sinh lại nói lớn nói to… "Từ đó trở đi, hai đạo diễn Khải Hưng và Đỗ Thanh Hải đã phát triển theo hướng này để nhân vật có màu sắc. Kịch bản cũng lái theo hướng đó", Công Lý kể lại.

20 năm Táo quân - Gặp nhau cuối năm: Cô Đẩu có bị 'dìm hàng và kỳ thị'?- Ảnh 1.

Tạo hình hầm hố của Bắc Đẩu nhưng tay cầm giũa móng trong số Gặp nhau cuối năm đầu tiên

TRINH NGUYỄN CHỤP MÀN HÌNH

Trong phiên bản Táo quân năm 2004, ngoại hình của Bắc Đẩu đã thay đổi rõ theo hướng LGBT. Trong đó, Bắc Đẩu nói giọng cao và mỏng, tóc dài màu vàng óng, phía mái có buộc bằng dây óng ánh màu hồng và đỏ. Chiếc giũa móng tay từ bản 2003 vẫn được tiếp tục phát huy, Bắc Đẩu tuy vào chầu Ngọc hoàng, bàn công việc vẫn giũa móng tay không ngại ngần.

Năm 2003 - 2004 cũng là thời kỳ các nhân vật LGBT được đưa vào tác phẩm nghệ thuật để tạo thu hút. Một trong những tác phẩm gây chú ý trong 2 năm này là Gái nhảy 1 (2003), rồi đến Gái nhảy 2 (2004) của đạo diễn Lê Hoàng cũng có nhân vật LGBT với vai trò quan trọng trong tuyến truyện. Hai vai má mì chăn dắt gái điếm này lần lượt được giao cho Minh Nhí và Anh Vũ, đều là những diễn viên hài. Cả hai vai đều xây dựng họ với vẻ ngoài (thêm nốt ruồi, son phấn lòe loẹt), cử chỉ, lời nói được "đẩy" cao về sự lố lăng cũng như hiểm ác, dễ dẫn tới hình ảnh lệch lạc về LGBT.

Mặc dù đặt trên nền như vậy nhưng Bắc Đẩu của Gặp nhau cuối năm từ những số đầu tiên đã không rơi vào trạng thái lệch lạc. Tạo hình cũng có tương đồng như để nhân vật nhuộm tóc vàng, sử dụng những dụng cụ làm đẹp trên sân khấu để nhấn về tính nữ, song Bắc Đẩu vẫn giữ được thăng bằng. Nhân vật không bị dán thêm nốt ruồi xấu hay có những kiểu ăn mặc dị hợm. Trong lời thoại, trong thể hiện, Công Lý không hề khiến khán giả ác cảm với nhân vật, mà chỉ đơn thuần là sự thú vị, thậm chí họ còn thấy Bắc Đẩu đáng yêu.

ĐẾN "BUNG LỤA"

Năm 2006, nhân vật Bắc Đẩu vẫn chưa hoàn toàn "lộ sáng" giới tính. Trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2006, đạo diễn để Táo Xây dựng nói: "Anh Đẩu nói thế còn nghe được". Năm 2007, Bắc Đầu ngồi đan lát, thêu thùa trên sân khấu. Mặc dù vậy, phải chờ tới 2016, Bắc Đẩu mới được chính thức "lộ sáng" là một LGBT.

20 năm Táo quân - Gặp nhau cuối năm: Cô Đẩu có bị 'dìm hàng và kỳ thị'?- Ảnh 2.

Một trang phục chưa đẹp của Bắc Đẩu nhưng không làm nhân vật bị ghét

Đó là khi Nam Tào nói với Bắc Đẩu: "Từ nay giới tính rõ ràng rồi, yên tâm mà công tác nhé". Bắc Đẩu khi đó nói: "Lúc trước chưa thông qua thì còn phải e ấp giấu mình đi, bây giờ đã được thông qua rồi thì tội gì mình không bung lụa". Cùng lúc nhân vật này tung hai dải khăn trong túi ngang hông ra thể hiện sự "bung lụa" của mình.

Trong suốt hành trình cho tới khi được lộ sáng này, cũng có khi Bắc Đẩu bị các nhân vật khác "bắn tỉa" vì nam không ra nam nữ không ra nữ. Trong chương trình năm 2006, thậm chí Nam Tào còn kể chuyện: "Nhà em nuôi một con gà trống, càng lớn nó càng giống gà mái", để Bắc Đẩu phải nhảy lên vì cáu. Sau đó, Nam Tào bồi thêm: "Dạ bẩm Ngọc Hoàng, có một số con gà trống nó chỉ biết cục tác". Những câu như thế này có thể coi là mang dấu hiệu phân biệt đối xử, cách nói "dìm hàng" có yếu tố kỳ thị với LGBT.

Tuy nhiên, về cơ bản, việc là một nhân vật LGBT không khiến Bắc Đẩu bị xây dựng theo cách lệch lạc, làm giảm giá trị cá nhân. Trong suốt những năm công tác phục vụ thiên đình, Bắc Đẩu luôn được xây dựng là một người tận tâm, không khoan nhượng với các thói xấu, những điều chưa được trong công tác của các táo.

Cũng có khi, Bắc Đẩu "sa ngã" theo kiểu nhờ vả để xin việc cho con cháu, tuy nhiên điều này chấm dứt rất nhanh, và cũng không phải tính cách "thâm căn cố đế" của nhân vật. Những "cú vấp" này cũng được xây dựng theo hướng là sa ngã của một con người chứ không phải vì là LGBT mà sa ngã. Điều này cho thấy về cơ bản, hình dung của ê kíp Gặp nhau cuối năm về LGBT là tích cực.

20 năm Táo quân - Gặp nhau cuối năm: Cô Đẩu có bị 'dìm hàng và kỳ thị'?- Ảnh 3.

Bắc Đẩu "bung lụa"

Phân tích trang phục cũng như vai diễn, giọng nói của Bắc Đẩu để nói về câu chuyện giả gái, quan niệm về LGBT trong Táo quân. Lúc đầu để gây cười, sau thì có phải để gây cười nữa không? So sánh với những sáng tạo nhân vật LGBT cùng thời điểm để thấy nhận thức về LGBT trong Táo quân có sự khác biệt. Có thể thấy, vai Bắc Đẩu mang những điểm nhìn tốt về họ như nghiêm túc trong công việc, không bị đẩy sang vai ác hay ngớ ngẩn dù đâu đó, đôi chỗ vẫn mắc lỗi kỳ thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.