187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo

Trần Cường
Trần Cường
26/02/2024 16:55 GMT+7

Cảnh sát xác định 187 người là cấp dưới, người thân của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, đã giúp ông Quyết lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư nhưng không bị xử lý hình sự vì chỉ là vai trò thứ yếu và không được hưởng lợi.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can ở 4 nhóm tội danh. Trong đó, ông Doãn Văn Phương, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Faros (Công ty Faros) được xác định là đồng phạm với vai trò tổ chức thực hiện, giúp sức tích cực cho ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được hưởng 500.000 cổ phiếu vì giúp chủ tịch chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng

Theo kết luận điều tra, thời gian giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, ông Phương được giao kiêm làm Chủ tịch HĐQT Công ty Faros từ 5.9.2012 đến 15.4.2014 và từ 28.5.2015 đến 9.11.2016.

187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo

187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết

T.N

Từ ngày 28.5.2015 - 9.11.2016, ông Phương đã chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc và các cá nhân thuộc Công ty Faros ban hành các nghị quyết tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỉ đồng vốn điều lệ của Công ty Faros. Từ đó giúp ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

C01 xác định ông Phương được hưởng lợi 500.000 cổ phiếu với giá trị phát hành 5 tỉ đồng. Ngày 29.8.2016, ông Phương đăng ký lưu ký tại tài khoản chứng khoán mang tên mình.

Năm 2017 và 2018, ông Phương được trả cổ tức thêm 160.000 cổ phiếu, cũng được lưu ký vào tài khoản chứng khoán mang tên mình, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 660.000 cổ phiếu.

187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo- Ảnh 2.

Công an khám xét trụ sở Tập đoàn FLC

THÁI SƠN

Trong 2 ngày 6.5.2020 và 11.5.2020, tài khoản mang tên ông Phương bán toàn bộ 660.000 cổ phiếu sở hữu, thu về 2,3 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, ngày 27.3.2022, ông Phương xuất cảnh đi Anh và đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam. Công an đã xác minh ở nhiều nơi nhưng không tìm được ông Phương, do đó C01 đã tách hành vi, tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Phương để điều tra, xử lý sau.

Nhiều người thân của ông Trịnh Văn Quyết không bị xử lý hình sự

Quá trình điều tra bổ sung, C01 xác định 187 người thuộc Công ty Faros, các công ty trong hệ sinh thái FLC và là người thân trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2022, nhóm này đứng tên đại diện pháp luật nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC và các công ty liên quan; người thân, bạn bè của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) đã ký các chứng từ ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền…, để bà Huế dùng làm thủ tục nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền vào - ra khỏi tài khoản của Công ty Faros và nhiều công ty khác nhau, tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản nhằm giúp ông Quyết, bà Huế cùng đồng phạm hạch toán kế toán hợp thức việc thu hồi công nợ, thu hồi các khoản đầu tư cũ, tạo các khoản công nợ, đầu tư tài chính mới nhằm hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết tại Công ty Faros.

Xem nhanh 12h ngày 27.2: Tài xế của tỉ phú Trịnh Văn Quyết thành cổ đông trăm tỉ | Bắt giam đại gia Hậu ‘Pháo'

187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo- Ảnh 3.

Bảo vệ của Tập đoàn FLC đứng chặn trước cổng nhà ông Trịnh Văn Quyết khi công an thực hiện lệnh khám xét

TRẦN CƯỜNG

Hành vi của 187 cá nhân này có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm, song C01 xác định nhóm này không được trao đổi, không biết, không tham gia vào lập hồ sơ góp vốn khống tại Công ty Faros, không biết mục đích ký các chứng từ là nhằm hợp thức, che giấu số vốn góp khống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, C01 xác định nhóm cá nhân này thực hiện hành vi với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, là nhân viên làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên không xem xét xử lý hình sự.

C01 cũng xác định có 23 cá nhân khác có hành vi giúp sức cho bà Huế mượn chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân để bà Huế làm hồ sơ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, sau đó giao bà Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, theo đề nghị của bà Huế, cả 23 cá nhân này đều ký khống sẵn các chứng từ như giấy nộp tiền, giấy rút tiền, ủy nhiệm chi mang tên mình để bà Huế sử dụng thực hiện các giao dịch ngân hàng trong việc thanh toán mua bán cổ phiếu, sử dụng tiền thu lợi bất chính.

C01 xác định hành vi của nhóm 23 người này có dấu hiệu tội thao túng thị trường chứng khoán, song tham gia với vai trò thứ yếu, lệ thuộc và khi thực hiện hành vi không hiểu rõ bản chất, không được hưởng lợi. Do đó, xét tính chất mức độ, C01 không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.