17/18 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII ứng cử Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/04/2021 08:21 GMT+7

Có 17/18 Ủy viên Bộ Chính trị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, gồm 16 người ứng cử ở T.Ư và 1 người ứng cử ở địa phương (Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng).

Ngày 16.4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VN) tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị T.Ư đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Thông qua danh sách 205 người ứng cử

Sau thảo luận, hội nghị đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV ở T.Ư.
Trong danh sách vừa được thông qua, các cơ quan Đảng có 11 ứng viên; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước 3 ứng viên; các cơ quan của QH, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH, Văn phòng QH (ĐBQH hoạt động chuyên trách ở T.Ư) 130 ứng viên; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) là 15 ứng viên; lực lượng vũ trang 14 ứng viên; TAND tối cao 1 ứng viên; Viện KSND tối cao 1 ứng viên; Kiểm toán Nhà nước 1 ứng viên; Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên là 29 ứng viên.
Trong số 205 người được giới thiệu ứng cử, có 46 nữ (22,43%); 20 ứng viên là người dân tộc thiểu số (9,7%); 4 ứng viên là người ngoài Đảng (1,9%); 100 tái cử (48,78%); 5 người trẻ tuổi (2,43%); 16 GS, PGS (7,8%); 63 TS (30,7%); 94 thạc sĩ (45,85%); 32 ĐH và tương đương (15,6%).
Theo cơ cấu, số lượng ứng viên ĐBQH ở cơ quan Đảng bằng số lượng ĐB ở khóa XIV (11 người) nhưng người ứng cử ĐBQH ở cơ quan Chính phủ giảm 3 ĐB so với khóa XIV (khóa XIV có 18 thành viên Chính phủ là ĐBQH). Ngoài ra, có 17/18 Ủy viên Bộ Chính trị được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, gồm 16 người ứng cử ở T.Ư và 1 người ứng cử ở địa phương (Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng). Một Ủy viên Bộ Chính trị không ứng cử là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

7 trường hợp ở khối Quốc hội “được quan tâm”

Tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Thanh đã báo cáo giải trình về một số trường hợp còn nhiều ý kiến băn khoăn ở khối QH từ Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 (ngày 18.3.2021). Cụ thể là 5 trường hợp phó vụ trưởng và tương đương (không đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB chuyên trách ở T.Ư - PV) cùng 2 trường hợp vụ trưởng, thuộc danh sách 130 người được giới thiệu ứng cử ở khối QH.
Theo bà Thanh, Đảng đoàn QH cũng đã có công văn gửi Ban Tổ chức T.Ư để trao đổi về chủ trương giới thiệu nhân sự ứng cử chuyên trách khóa XV và Ban Tổ chức T.Ư đã có công văn “nhất trí”. Bà Thanh cũng cho biết 5 trường hợp phó vụ trưởng thì có 4 người là thư ký cho các lãnh đạo QH; 1 trường hợp là phó vụ trưởng lâu năm.
Đối với 2 trường hợp vụ trưởng (đủ tiêu chuẩn) nhưng các ĐB “quan tâm” là ông Lò Việt Phương, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện, Văn phòng QH; và bà Lò Thị Việt Hà, Chánh văn phòng Đảng, Đoàn Văn phòng QH, vì là hai anh em ruột. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, cả ông Phương và bà Hà đều là thạc sĩ, có nhiều năm công tác ở các vị trí khác nhau trong các cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương. Bà Thanh khẳng định nếu ông Phương và bà Hà được giới thiệu ứng cử “sẽ có khả năng đóng góp cho hoạt động của QH”.

Hà Nội nhất trí giới thiệu 36 người ứng cử ĐBQH

Chiều 16.4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.Hà Nội đã hiệp thương lần 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV. Theo đó, hội nghị đã nhất trí giới thiệu 36 người ra ứng cử ĐBQH khóa này, để bầu ra 29 ĐB của Hà Nội. Trong số này, có 3 người tự ứng cử, 3 người là ứng viên ngoài Đảng.
Sau hiệp thương lần 2 hôm 17.3, Hà Nội có 72 người ứng cử, trong đó có 30 người tự ứng cử, nhưng đến nay đã có 21 người xin rút ứng cử, 11 vị không đạt tín nhiệm 50% của cử tri nơi cư trú, 1 người bị bắt tạm giam, nên không đưa vào hiệp thương lần 3.
Danh sách đưa ra hiệp thương lần 3 là 39 người, nhưng có 1 người bị loại (vì ý kiến nơi cư trú đạt tín nhiệm trên 50%, nhưng ở nơi công tác chỉ đạt 27%), nên chỉ còn 38. Tất cả đều đạt tỷ lệ đồng ý giới thiệu trên 50%, nhưng lấy từ trên xuống dưới, đã loại ra 2 người.
Trong số các ứng viên tự ứng cử, có ông Lê Trọng Hùng (trú P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội bắt giữ về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Chậm nhất là ngày 28.4, danh sách 36 người này sẽ được niêm yết công khai.
Về trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Huân cho biết Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội cũng đã xem xét (vì Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội đang thu thập thông tin về đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong giai đoạn ông Tuấn làm giám đốc). Tuy nhiên, đến giờ chưa có văn bản của các cơ quan có thẩm quyền về việc khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Vũ Hân

Tỉnh táo trước thông tin xuyên tạc về bầu cử

Sáng 16.4, tại TP.HCM, Bộ TT-TT phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức tập huấn tuyên truyền cuộc bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực phía nam.
Đánh giá cao vai trò của báo chí đến thành công của cuộc bầu cử, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị đẩy mạnh thông tin về công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương và gặp gỡ tiếp xúc cử tri, tạo không khí phấn khởi, làm cho ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.
Bên cạnh đó, ông Bảo khuyến nghị cần tỉnh táo trước các thông tin xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội. “Vào thời điểm khi có nhân sự cụ thể, những nơi mất đoàn kết sẽ lợi dụng gửi đơn thư nặc danh đưa lên mạng xã hội để nói xấu, vu cáo”, ông Bảo đề nghị.
Sỹ Đông 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.