150 năm Dinh Tổng Lãnh sự Pháp: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên bản của tòa nhà cổ

Lan Chi
Lan Chi
17/09/2022 19:16 GMT+7

Ngày 17.9 - Ngày Di sản châu Âu , công chúng đã có dịp tham quan Dinh Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM - công trình được xây dựng cách đây đúng 150 năm.

Chương trình mở cửa cho công chúng đã được tổ chức lại sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Năm nay, việc tham quan được “số hóa” hoàn toàn, khách đến thăm sẽ không đi theo nhóm và có người hướng dẫn, thuyết minh; thay vào đó, các gian phòng, tác phẩm nghệ thuật… đều có bảng để sẵn mã QR theo 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh) để tra cứu bằng điện thoại thông minh. Như vậy, mỗi người sẽ được chủ động về thời gian, có thể dừng lâu hơn ở những khu vực yêu thích. Với những khách không có phương tiện phù hợp để đọc mã QR, Tổng Lãnh sự quán Pháp có chuẩn bị tập tài liệu ghi chú nội dung các khu vực, các tác phẩm, vật trưng bày bên trong dinh thự để dễ theo dõi.

Tòa dinh thự được xây dựng vào năm 1872

Trả lời Thanh Niên, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM cho biết: “Dinh Tổng Lãnh sự được các kỹ sư của Hải quân Pháp xây dựng vào năm 1872. Như vậy, tòa nhà này được hoàn thành trước hầu hết các tòa nhà mang kiến trúc Pháp khác vào cùng thời kỳ, như Bưu điện Thành phố (xây dựng từ năm 1886 - 1891); Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (từ 1877 - 1880)...”. Trong khu vực phòng khách, nơi hiện nay thường diễn ra các sự kiện do Tổng Lãnh sự quán Pháp tổ chức, có trưng bày một số đồ nội thất thời nhà Nguyễn, các cổ vật và đặc biệt là bức tranh sơn mài "Đám rước trong làng” (1939) của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Đây là dịp để công chúng đến thăm tòa nhà cổ 150 tuổi

Về việc bảo tồn tòa nhà 150 tuổi, bà Pavillon-Grosser cho biết, Dinh Tổng Lãnh sự đã trải qua một đợt trùng tu toàn diện vào năm 2000. Nhờ đó, đã phục hồi được phần trần nhà ở khu đại sảnh, vốn bị che khuất từ rất nhiều năm, và mang lại vẻ đẹp nguyên bản của nội thất tòa nhà. Công trình này được các nhân viên chuyên trách việc bảo quản thường xuyên kiểm tra. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Pháp cũng gởi các chuyên gia sang hỗ trợ công tác này để đảm bảo công trình cổ không bị xuống cấp. Một nhóm chuyên gia vừa đến Dinh Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM cách đây vài tuần, theo bà Pavillon-Grosser. Và sau nhiều cuộc kiểm tra thì đến nay, “sức khỏe” của tòa nhà 150 tuổi vẫn rất ổn định.

Khu vườn rộng hơn 1,5ha trong khuôn viên Dinh Tổng Lãnh sự Pháp

Ngoài công trình cổ, trong khuôn viên Dinh Tổng Lãnh sự Pháp còn có khu vườn rộng hơn 1,5ha. Đây là mảng xanh rất đặc biệt ngay giữa trung tâm TP.HCM, với nhiều loại thực vật khác nhau, trong đó có những cây cổ thụ với tuổi đời ngang ngửa tòa dinh thự. Khu vườn cũng được tu sửa trong đợt trùng tu tổng thể hồi năm 2000, hiện thu hút nhiều loài động vật đến sinh sống, từ các loài lưỡng cư đến chim chóc, thậm chí có cả chồn hương.

Khách tham quan tra cứu mã QR để được cung cấp thông tin về công trình kiến trúc và các vật trưng bày

Nhiều bạn trẻ đến thăm đã hào hứng ghi lại những hình ảnh của Dinh Tổng Lãnh sự Pháp

Việc tham quan được số hóa hoàn toàn với các mã QR

Ngày Di sản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1984, theo ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp. Nhân dịp này, công chúng sẽ được viếng thăm các công trình vốn thường ngày không mở cửa đón khách tham quan vì đây là các tòa nhà hành chính, ngoại giao, kinh tế… Ý tưởng này đã gặt hái nhiều thành công nên từ năm 1985, Hội đồng châu Âu đã quyết định mở rộng ra toàn Liên minh châu Âu và đến năm 2000 thì đổi tên thành “Những Ngày Di sản châu Âu”.

Năm nay là lần thứ 39 Ngày Di sản châu Âu được tổ chức, với sự tôn vinh dành cho di sản bền vững, chủ đề mang tính thời sự trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.