11 nhà máy thủy điện đề nghị phát vượt công suất là chưa phù hợp

29/07/2023 10:49 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có buổi trao đổi với báo chí, liên quan đến việc 11 chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đề nghị phát vượt công suất.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc EVNCPC, cho hay ngày 28.6 EVNCPC nhận được đơn kiến nghị của 11 nhà máy thủy điện "Về việc đề nghị huy động công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được trên địa bàn tỉnh Kon Tum". Các chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đề nghị cho phép phát vượt công suất của Tổ máy - nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, so với Hợp đồng mua bán điện và Giấy phép hoạt động điện lực, cũng như Giấy khai thác nước mặt; đề nghị thanh toán tiền đối với sản lượng phát vượt công suất… 

11 nhà máy thủy điện đề nghị phát vượt công suất là chưa phù hợp - Ảnh 1.

EVN và EVNCPC trao đổi với báo chí hôm 27.7

ẢNH: HUY ĐẠT

Ngày 30.6, EVNCPC đã có văn bản gửi các chủ đầu tư nhà máy thủy điện phúc đáp các nội dung liên quan nói trên. Phó tổng giám đốc EVNCPC phân tích thêm, tại các quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 5.11.2014 của Bộ Công thương quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, căn cứ Quy trình phối hợp vận hành nhà máy thủy điện được ký kết giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện và đơn vị phân phối điện thì công suất huy động nhà máy thủy điện không vượt quá công suất tối đa của nhà máy được quy định trong hợp đồng mua bán điện đã được ký kết.

Về việc phát vượt công suất, ông Dũng cho rằng, căn cứ Luật Điện lực quy định đơn vị phát điện có quyền, nghĩa vụ "Hoạt động phát điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực", "Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia" và tại Hợp đồng mua bán điện mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18.7.2008, Thông tư số 32/2014/TT-BCT, Thông tư 29/2019/TT-BCT của Bộ Công thương. 

"Việc phát vượt công suất là chưa phù hợp theo quy định của Hợp đồng mua bán điện và Giấy phép hoạt động điện lực. EVNCPC đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện huy động công suất phát vượt này", ông Dũng thông tin.

Cam kết tuân thủ và chấp hành theo hợp đồng

Tại buổi làm việc, ông Dũng cho biết thêm, ngày 27.6, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) có văn bản gửi EVN về việc khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện. 

11 nhà máy thủy điện đề nghị phát vượt công suất là chưa phù hợp - Ảnh 2.

Trung tâm điều khiển hệ thống điện EVN

ẢNH: Đ.X

Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước… tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng ban Thị trường điện - EVN, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ EVNCPC, EVN đã báo cáo Bộ Công thương và Bộ TN-MT, khi có kết luận cụ thể sẽ có hướng giải quyết phù hợp vì hiện nay quy định chưa cho phép nhà máy thủy điện chạy quá công suất theo hợp đồng, chưa có quy định về việc thanh toán mức vượt quá công suất ngoài hợp đồng.

Trước đó, ngày 3.7.2023, Công ty Điện lực Kon Tum (đơn vị trực thuộc EVNCPC) cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi về các kiến nghị trên của các chủ đầu tư các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Tại buổi gặp gỡ, 11 chủ đầu tư tham gia làm việc đều thống nhất: trong khi chờ cấp có thẩm quyền trả lời các nội dung kiến nghị của EVNCPC, các chủ đầu tư cam kết tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các nội dung theo Hợp đồng mua bán điện đã ký, Giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cũng như các quy định về điều độ hệ thống điện và các quy định pháp luật liên quan khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.