100% trường học sẽ phải có quy tắc về văn hóa ứng xử

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/10/2018 15:47 GMT+7

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” vừa được Thủ tướng ký phê duyệt, trong đó đặt ra yêu cầu giáo dục học sinh từ những việc như biết lễ phép hay văn hóa xếp hàng...

Bộ quy tắc ứng xử phải ngắn gọn, dễ thực hiện
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2018 - 2020 là 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.
Ngoài ra, có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường...
Các mục tiêu này tăng dần với tỷ lệ 95% trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định quy tắc ứng xử trong trường học, trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh...).
Đề án nêu rõ, bộ quy tắc ứng xử trong trường học quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử.
Bộ quy tắc ứng xử phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi, các cấp học và văn hóa đặc trưng của các vùng miền (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, đại học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên).
Giáo dục từ văn hóa xếp hàng đến tuân thủ pháp luật
Nội dung giáo dục ứng xử ở mỗi cấp học lại đặt ra những yêu cầu và mức độ khác nhau. Ví dụ, đối với giáo dục mầm non, đề án đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp).
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thì đặt ra mục tiêu giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung của người học.
Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật...).
Với bậc đại học, đề án đặt yêu cầu phải bổ sung nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào các hoạt động giáo dục, thực hành, thực tập, tình nguyện vì cộng đồng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường, các đoàn thể, địa phương tổ chức.
Đồng thời, nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa, nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; đặc biệt là sự tự trọng bản thân và trách nhiệm đúng mực, nhân ái với người khác của học sinh, sinh viên thông qua việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết phù hợp với cấp học, lứa tuổi, trình độ đào tạo trong các chương trình, hoạt động giáo dục, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.