1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Địa phương chậm, ngân hàng chưa mặn mà

23/02/2024 06:16 GMT+7

Nỗ lực triển khai đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đang gặp khó khi nhiều địa phương chậm trễ triển khai, doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay cũng như thủ tục quá phức tạp.

Sáng 22.2, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH). Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết.

1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Địa phương chậm, ngân hàng chưa mặn mà- Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM

ĐÌNH SƠN

Thủ tục đầu tư nhiều hơn nhà ở thương mại

Từ thực tế đang triển khai các dự án NƠXH tại nhiều địa phương với số lượng trên 10.000 căn, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes, cho biết thủ tục đầu tư liên quan đến các dự án NƠXH thậm chí đang nhiều hơn so với nhà ở thương mại và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần đơn giản hóa các thủ tục.

"Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án NƠXH cần được thực hiện nhanh, song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu; các thủ tục khác về xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định số lượng tiền miễn giảm, thủ tục trình sở xây dựng địa phương xét duyệt đối tượng cần được xem xét, rút ngắn", ông Hoa nêu.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân, cho biết công ty ông đang thực hiện khoảng 12 dự án và dự kiến sẽ bàn giao 3.000 căn NƠXH. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này đang gặp vướng mắc với nhà ở công nhân, lý do trên 50% công nhân có nhu cầu thuê hơn là mua NƠXH. Song nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp (KCN) lại không được bán cho các đối tượng thu nhập thấp khác. "Nên có cơ chế mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân, thuộc 10 nhóm đối tượng mua NƠXH, có như vậy mới khuyến khích được các nhà đầu tư, đồng thời không tạo ra những khu nhà ở công nhân nhưng không ai ở", ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản An Hưng, đánh giá hiện thủ tục pháp lý làm NƠXH quá lâu. Điển hình là phần duyệt giá bán quy định 1 tháng nhưng kéo dài 5 tháng mới xong. Do vậy cần rút gọn thủ tục hành chính.

Lãnh đạo Công ty Viglacera cho hay công ty đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ và chuẩn bị quỹ đất sạch cho 9.000 căn hộ trong năm nay. Tuy nhiên trong 8.000 căn hộ mới đưa vào sử dụng chỉ có 5.000 căn ở, tồn kho 3.000 căn. Đây là các dự án nhà ở công nhân KCN, cơ bản đồng bộ hạ tầng, không thua kém nhà ở thương mại, giá hợp lý nhưng hiện vướng quy định về đối tượng mua nên khó bán.

Bên cạnh đó, đại diện các DN cũng cho rằng việc điều chỉnh quy định suất đầu tư với chung cư NƠXH giảm 25% so với nhà ở thương mại rất khó cho DN. Bởi việc đầu tư hạ tầng NƠXH về cơ bản cũng tương đương nhà ở thương mại, chưa kể suất đầu tư với nhà thương mại hiện nay cũng đã thấp hơn so với thực tế.

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng, thì nêu việc tiếp cận vốn vay "rất nan giải" khiến gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng không đi vào cuộc sống. "Tôi đã gặp nhiều ngân hàng (NH), nhưng các NH không mặn mà. Lý do hỗ trợ lãi suất 1,5 - 2%, nhưng khi làm thủ tục trình NH Nhà nước (NHNN) để lấy được hỗ trợ chênh lệch lãi suất lâu lắm. Cho nên giải ngân không đáng bao nhiêu", ông Toàn nói và dẫn chứng DN này đã bán được hơn 700 căn NƠXH, nhưng chỉ hơn 100 căn là vay được vốn.

Ông Toàn cũng đề nghị NHNN tính toán lại, có thể giảm lãi suất cho người mua nhà xuống 5%, chủ đầu tư 10%, "nhưng phải cho vay nhanh". Khi đã là NƠXH có giấy phép đầu tư rồi, đủ điều kiện cho vay thì không nên trình quá nhiều cấp.

Trước phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay gói 120.000 tỉ đồng không phải do NHNN cấp, mà do các NH thương mại quyết định cho vay với thời hạn và lãi suất ưu đãi. "Không có chuyện thủ tục xét duyệt, cấp bù nào từ phía NHNN", ông Hà khẳng định. Đáng chú ý, theo báo cáo của NHNN, tới nay mới có 5 dự án NƠXH tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỉ đồng.

Khởi đầu cho chính sách "nhà ở toàn dân"

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Đơn cử, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9% nhu cầu; TP.HCM 7 dự án với 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%… Thậm chí, một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần xác định 1 triệu căn hộ NƠXH là đề án thí điểm ban đầu, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn. Đối với khó khăn về quỹ đất phát triển NƠXH, Phó thủ tướng cho rằng phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua, như chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua NƠXH, có việc làm thu nhập ổn định… Đồng thời bổ sung các DN trong KCN vào đối tượng được thuê, mua NƠXH làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, DN… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.

"Các khu NƠXH phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn cháy nổ… trong bức tranh chung về quy hoạch đô thị, nông thôn", Phó thủ tướng lưu ý. Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ đất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm NƠXH.

Về kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển NƠXH, Phó thủ tướng cho rằng bên cạnh nguồn lực nhà nước, cần huy động được nguồn lực ngoài nhà nước tham gia. Theo đó, cần nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các NH triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho lĩnh vực NƠXH theo cơ chế thị trường; cho phép DN thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về NƠXH…

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển 130.000 căn NƠXH trong năm 2024. Đây là mục tiêu cao, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án NƠXH. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này. Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại đề án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.