Công ty Việt Nam duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được cấp JFS-C

26/09/2023 07:47 GMT+7

Việt Nam vừa có công ty đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được thừa nhận đủ năng lực chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm JFS-C. Nếu đạt JFS-C, sản phẩm thực phẩm Việt cầm chắc "giấy thông hành" tiến sâu vào thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác.

Chiều tối 25.9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố Hiệp hội Quản lý an toàn thực phẩm Nhật Bản (JFSM) thừa nhận Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert là tổ chức đầu tiên của Đông Nam Á chứng nhận được tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm JFS-C.

Có chứng nhận JFS-C, thực phẩm Việt 'rộng đường' vào Nhật - Ảnh 1.

Quang cảnh lễ công bố

ĐT

Ông Masanori Kotani, Phó chủ tịch JFSM, cho biết: JFS-C là bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế do JFSM xây dựng, áp dụng cho ngành sản xuất thực phẩm và ngành sản xuất sản phẩm hóa học. Bộ tiêu chuẩn được Tổ chức Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận phù hợp với các yêu cầu mới nhất về chuẩn mực an toàn thực phẩm.

"JFSM có tầm nhìn phổ cập các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mong muốn đóng góp hơn nữa cho hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới. Việc ký kết hợp tác với VinaCert chính là một những hoạt động cụ thể hóa tầm nhìn của hiệp hội", ông Masanori Kotani nói.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về tác dụng thiết thực khi sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn JFS-C, ông Masanori Kotani thông tin thêm, năm trước cũng đã có các tổ chức đăng ký, được JFSM thừa nhận chứng nhận được tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm JFS-A và JFS-B. Tiêu chuẩn JFS-A và JFS-B chủ yếu chứng nhận dành cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, còn JFS-C là tiêu chuẩn cao hơn.

"Nếu doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn này cũng giống như đã được cấp hộ chiếu, giấy thông hành để hàng hóa dễ dàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cũng như các nước khác. Tôi hy vọng thời gian tới tiêu chuẩn này sẽ được phổ cập, vận hành rộng khắp Việt Nam", ông Masanori Kotani nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert, phân tích hiện có rất nhiều công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản; cùng với văn hóa ẩm thực Á Đông, sản phẩm thực phẩm Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn tham gia thị trường. Giấy chứng nhận sản phẩm thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn của Nhật Bản được coi là "giấy thông hành" vào thị trường "khó tính" này.

Trong khi đó, theo ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), với ngành NN-PTNT, đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đưa vào kế hoạch hàng năm.

Đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. "Hy vọng thời gian tới, không chỉ các đơn vị, tổ chức chứng nhận mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp phát triển bền vững ngành NN-PTNT", ông Phong nói.

Nhận thấy tiềm năng thị trường thực phẩm của Nhật Bản, Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert đã làm việc và đi đến thỏa thuận với JFSM để cung cấp dịch vụ đánh giá chứng nhận JFS-C tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm của Việt Nam có định hướng tiếp cận thị trường Nhật Bản được dễ dàng tiếp cận tiêu chuẩn này thông qua việc trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ Việt Nam và chi phí theo giá Việt Nam.

Việc JFSM chính thức thừa nhận VinaCert có đủ năng lực đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn JFS-C là kết quả sau gần 2 năm triển khai, từ việc tìm hiểu tiêu chuẩn đến việc cử chuyên gia tham gia các khóa đào tạo; trao đổi, đàm phán cấp chuyên gia, cấp phòng, cấp lãnh đạo tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) và tại Hà Nội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.