0 giờ 31.5.2021 bắt đầu giãn cách toàn thành phố: Những ngày tháng không thể quên!

31/05/2022 14:02 GMT+7

Với mỗi người dân TP.HCM không thể nào quên được ngày này của một năm trước, khi bắt đầu từ 0 giờ ngày 31.5.2021 toàn thành phố phải giãn cách xã hội đợt đầu tiên, từ đó là những tháng ngày căng mình với đại dịch.

Một năm nhìn lại, từ sau ngày TP.HCM bắt đầu đợt giãn cách toàn thành phố đầu tiên, có cả những khó khăn, gian khổ, cũng có cả những đau thương và mất mát khó thể nào xoa dịu được. Nhưng với nhiều người trẻ nói riêng và người dân thành phố nói chung, hôm nay nhìn lại là để trân quý hơn cuộc sống hiện tại, nhớ lại đau thương là để biết ơn và vui vì cuộc sống đã tốt đẹp hơn.

Một năm kể từ 0 giờ ngày 31.5.2021, TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội toàn thành phố và bước vào giai đoạn chống dịch căng thẳng

KHẢ HÒA

Làm sao quên được?

Hôm nay, giữa cái nắng của TP.HCM, cô nàng Nguyễn Thị Hoàng Lan (trọ tại đường Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, TP.Thủ Đức, TP.HCM)) vẫn muốn chạy xe rảo vài vòng quanh các tuyến đường của thành phố. Dẫu có nhiều điểm phải dừng lại hơi lâu dưới cái nắng vì kẹt xe, nhưng Lan cho biết cô nàng không còn cáu ghét hay than trách như trước đây, mà thay vào đó là tự mỉm cười biết ơn.

“Trước đây mình rất sợ cảnh thành phố đông đúc, nhưng từ sau những ngày đại dịch, sự vắng lặng đến tê lòng của thành phố khiến mình thấy sợ hãi. Hôm nay, mình xin đến làm trễ hơn chỉ vì muốn đi một vòng thành phố và cảm nhận nhịp sống hôm nay, mình thấy biết ơn vì sau tất cả cuộc sống đã tốt đẹp hơn. Đau thương và mất mát dẫu còn đó, nhưng chúng ta lấy đó để trân quý hơn những thời khắc được sống trong yên bình như hôm nay, quý trọng hơn sức khỏe của mình và dù dịch có đã đi qua nhưng không lơ là phòng tránh”, Lan bày tỏ.

Vòng xoay Dân Chủ Q.3, TP.HCM những ngày vắng lặng đến tê lòng trong đại dịch

HOA NỮ

Vòng xoay Dân Chủ hôm nay đã trở lại nhịp sống bình thường, nhiều người biết ơn vì cuộc sống đã tốt đẹp hơn, không còn những ngày phải đau thương, phải giãn cách và khó khăn trăm đường

HOA NỮ

Vì làm trong ngành du lịch, nên từ khi dịch Covid-19 bùng phát là Lan đã phải thất nghiệp rồi đi xin việc làm mới không biết bao nhiêu lần, hiện nay Lan đã không còn làm du lịch mà chuyển sang làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở TP.HCM.

Nhìn lại những tháng ngày vừa rất nguy hiểm và khó khăn trong dịch, vừa lao đao vì chuyện công việc cứ bị trầy trật, nhưng Lan bảo cũng nhờ thế mà biết được khả năng thích ứng của mình như thế nào. Lan nói: “Trước giờ mình yêu nghề du lịch lắm, tưởng rằng không làm du lịch sẽ không làm được gì nữa, nhưng từ sau đợt dịch này, mình thấy đúng là không gì là không thể. Dường như khi con người đã trải qua đỉnh điểm của khó khăn và đau khổ, thì sau đó mọi thứ đều không còn là vấn đề quá lớn, họ sẽ có thêm niềm tin, thêm sức mạnh để đương đầu”.

Khi cuộc sống trở lại bình thường, mọi người đều cố gắng hết mình với công việc, yêu thương và trân quý cuộc sống nhiều hơn

HOA NỮ

Hôm nay, Vũ Nguyễn Ngọc Trâm (25 tuổi, chủ nhân của dự án khởi nghiệp Là Nhiên Herbal Tea) cũng bồi hồi cảm xúc khi nhớ lại khoảng thời gian này của năm vừa qua. Trâm cho biết một năm với nhiều nỗi đau và mất mát qua đi, nhìn lại hành trình đó bồi hồi nhớ lại những tin tức ca nhiễm tăng hằng ngày, những chiến binh áo trắng xông pha, bất chấp mọi nguy hiểm cứu lấy bệnh nhân, những tổ chức thiện nguyện hết lòng hỗ trợ người dân lương thực, y tế...

“Hơn ai hết, vì gia đình mình từng là F0 thời điểm đó nên hiểu rất rõ cảm giác sợ hãi và lo lắng từng ngày khi căn bệnh đó ập đến và cả nhà cùng nhau cố gắng, tìm mọi cách chữa bệnh. Và may mắn là gia đình mình đã vượt qua con sóng tử thần đó. Nhìn lại hành trình gian lao mới thấy hết được đồng bào Việt Nam đã đồng lòng chung tay cùng nhau chiến thắng bệnh tật và hạnh phúc luôn ở cuối con đường. Tháng 10 khi giãn cách xóa bỏ, nhịp sống trở lại, chúng ta hạnh phúc và trân quý cuộc sống này hơn nữa, sống và làm việc hết mình vì mình, gia đình và xã hội”, Trâm cảm thấy biết ơn, chia sẻ.

Không để bỏ lỡ những yêu thương

Với Nguyễn Thị Hoài Phương, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, do gia đình mình là nạn nhân trực tiếp của đại dịch vừa qua, Phương đã mất đi người thân vì đại dịch nên ngày hôm nay với Phương là không thể nào quên được.

“Dạo gần đây các dòng trạng thái thông báo giãn cách xã hội được dân mạng bình luận lại nên những thông báo đó lại nổi lên. Nhiều người khi thấy đều giật mình và chắc hẳn ai cũng sợ kể từ sau khoảng thời gian này của năm trước, đặc biệt là em. Tháng 5 chỉ là những đau khổ vừa mới bắt đầu. Hay nói 1 cách ví von một tí là cuộc chơi chỉ vừa mới bắt đầu và cuộc chơi này đầy đau thương”, Phương xúc động tâm sự.

Và rồi Phương nói: “Sau đợt dịch vừa qua, cuộc sống đã dần trở lại nhịp sống bình thường. Thật may mắn và hạnh phúc cho những gia đình vẫn còn đầy đủ các thành viên. Đối với gia đình em, thương đau quá lớn, nỗi đau vẫn nằm đó. Nhưng cả nhà cũng nương tựa nhau vượt qua những khó khăn, trân trọng những giây phút bên nhau thật trọn vẹn. Bản thân em thì luôn cố gắng để sống tốt hơn mỗi ngày, dành thêm thật nhiều thời gian để yêu thương và bên cạnh những người thân của mình”.

Người trẻ càng trân quý những yêu thương xung quanh mình hơn từ sau khi đại dịch đi qua. Và dù như thế nào, cũng không lơ là phòng chống dịch bệnh, để những ngày đau thương ấy không bao giờ quay lại

LÊ THANH

Cả gia đình phải chiến đấu rất khó khăn và nguy hiểm khi bị dương tính giai đoạn đầu lúc chưa được tiêm vắc xin, nên hôm nay với Lê Quang Nam (trọ tại hẻm 122 Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng không thể nào quên được. Nhưng Nam vẫn luôn trân trọng những tháng ngày khó khăn và nguy hiểm đấy: “Đại dịch vừa qua tại TP.HCM nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung rất đau thương và mất mát từ tinh thần đến thể xác. Em nhận thấy con người Việt Nam chúng ta luôn biết gắn bó, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau, cùng chung tay một lòng với đất nước khi cần. Điều em trân quý nhất sau chuỗi ngày thành phố sống với dịch đó là sự thương nhau và chia sẻ với mọi người của các tình nguyện viên như em. Những câu nói em nghĩ trong bụng và khiến em quyết định làm một tình nguyện viên chống dịch đó là “Ai cũng sợ bệnh, ai cũng ở nhà, vậy thì ai đi chống dịch? Tại sao mình không làm? Mình không làm thì đợi ai làm?”. Và thế là em đã có những ngày tháng thanh xuân dù rất nguy hiểm và gian khổ nhưng vô cùng ý nghĩa khi đi chống dịch, làm điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng”.

Với Đức, nhìn lại một năm bên cạnh những đau thương khó thể xoa dịu thì những ngày tháng ấy cũng có rất nhiều hành động thật ấm áp, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau rất đáng trân trọng

HOA NỮ

Chàng trai Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khi nhìn trên màn hình điện thoại thấy ngày 31.5 thì giật mình nhớ lại khoảng thời gian này của năm trước. Đức nói: “Hồi đó, ban đầu em thấy thông báo là giãn cách thì nghĩ chắc vài ngày thôi, đợt dịch trước cũng vậy mà. Ai dè ngờ đâu gần nửa năm. Nên 0 giờ ngày 31.5.2021 là cột mốc không thể nào quên với tất cả người dân TP.HCM như em”.

Nhìn lại 1 năm bên cạnh những đau thương khó có thể xoa dịu thì Đức cho rằng những ngày tháng ấy cũng có rất nhiều hành động thật ấm áp của chính quyền, đội ngũ y bác sĩ, và của cả cộng đồng rất đáng để trân trọng, biết ơn.

“Điều mà em trân quý nhất từ sau đại dịch đó là gia đình. Một năm đầy biến động vừa rồi thì quả thật không ai nói trước được điều đó. Em nghĩ không chỉ riêng cá nhân em mà sẽ nhiều người, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nỗ lực hết mình trong công việc, cuộc sống và không để bỏ lỡ những yêu thương xung quanh mình”, nhớ lại ngày này của năm ngoái khi có lệnh bắt đầu giãn cách toàn thành phố lần đầu tiên, Đức bày tỏ sự biết ơn khi bây giờ cuộc sống đã trở lại bình thường và thêm trân quý hơn nhiều điều trong cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.