Xipo giấy đi đường để 'thông chốt’ bị xử lý thế nào?

Bích Ngân
Bích Ngân
07/09/2021 09:39 GMT+7

Chuyên gia pháp lý cho biết, tùy theo mức độ, việc mua bán, sử dụng giấy đi đường giả, xipo giấy đi đường... để ‘thông chốt’ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các TP lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng tiếp tục giãn cách xã hội, kiểm soát người ra đường. Do đó, người dân muốn ra đường phải có lý do chính đáng và xuất trình giấy đi đường tại các chốt kiểm soát dịch. Tuy nhiên vẫn có một số người mua bán, sử dụng giấy đi đường giả, scan để “thông chốt”. Có một tiếng lóng bắt nguồn từ giới chơi xe thể thao (sport) vì quá đam mê mà tìm mọi cách để sở hữu loại xe thể thao trong khi có những xe không rõ nguồn gốc, giấy tờ theo quy định. Sau đó, "xipo giấy đi đường" được dùng để chỉ loại giấy đi đường không hợp pháp, giấy "mẹ" đẻ ra giấy "con" hay còn gọi là giấy "mẹ bồng con". Chuyên gia pháp lý cho biết, tùy theo mức độ, việc mua bán, sử dụng giấy đi đường không hợp pháp để "thông chốt" có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bản tin Covid-19 ngày 7.9: Cả nước 14.208 ca | Nhiều địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội

Làm giả giấy đi đường để "thông chốt"

Trước đó, Thanh Niên đã từng thông tin về một số trường hợp "xipo giấy đi đường". Cụ thể, khoảng 8 giờ ngày 3.9 tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường số 4, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, T.X.T. (30 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) và T.T.S. (33 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, cùng là nhân viên tại một doanh nghiệp) đến chốt xuất trình giấy đi đường xin qua.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác Công an P.Hiệp Bình Phước phát hiện giấy giả, xipo giấy đi đường nên đưa về trụ sở làm việc.
Qua làm việc, tổ công tác biết 2 giấy đi đường giả này do bà Đ.T.B (35 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, chủ doanh nghiệp) nhờ người làm theo mẫu của Công an TP.HCM cấp.
Cùng ngày, lúc 17 giờ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Nguyễn Văn Thương, đường Điện Biên Phủ (P.25, Q.Bình Thạnh), N.P.T. (27 tuổi, ngụ Q.3) đến xuất trình giấy đi đường giống mẫu của PC08 ký xin qua. Nhưng qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có dấu hiệu nghi vấn tại vị trí dấu mộc trên giấy đi đường của T. nên mời về Công an phường làm rõ.
Liên quan đến vấn đề xipo giấy đi đường và làm giả giấy đi đường để thông chốt, trước đó, tại cuộc họp báo chiều 3.9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo mua bán giấy đi đường. Hiện lực lượng trực chốt đã được hướng dẫn nhận diện giấy đi đường, dễ dàng phát hiện giấy giả mạo. Nếu người dân dùng giấy giả thì sẽ bị xử lý.

Sở Y tế TP.HCM lý giải việc tiêm Pfizer mũi 2 cho người tiêm Moderna mũi 1

Làm giả giấy đi đường có thể bị phạt 7 năm tù giam

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết, cá nhân làm giả, xipo giấy đi đường, scan màu... mua, bán giấy đi đường của cơ quan, tổ chức là hành vi có dấu hiệu phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành vi này bị xử phạt hành chính từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 7 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.
LS Hoàng Tư Lượng (thuộc đoàn LS TP.HCM) đồng tình với ý kiến này của LS Bùi Quốc Tuấn và cho biết thêm, theo Điều 339 Bộ BLHS 2015, trong trường hợp người dân biết giấy đi đường không đúng quy định nhưng vẫn thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm...
Ngoài ra, Điều 359 BLHS năm 2015 quy định, phạt tù từ 1 - 5 năm đối với người có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn... LS Lượng lưu ý.
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) cho biết, việc người dân sử dụng giấy đi đường giả hoặc không đúng mục đích tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do việc lưu thông không được kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch.
Đối với việc xipo giấy đi đường và các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử lý theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời thu hồi giấy đi đường. "Để hạn chế dịch bệnh lây lan, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định của Chính phủ, TPHCM về giãn cách xã hội nhằm chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh",  thượng tá Nguyễn Đình Dương khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.