Xem người Pháp phá thành xưa dựng phố cũ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/10/2023 06:45 GMT+7

'Thành xưa phố cũ' là triển lãm kể câu chuyện về thành Hà Nội, về đô thị Hà Nội đã biến đổi ra sao dưới thời Pháp thuộc.

Tòa thành bị phá dần

Vết đạn đại bác của người Pháp ở cổng phía bắc của thành Hà Nội giờ vẫn còn. Một cầu thang đã được cấy vào khu vực này để khách tham quan có thể leo lên cao và ngắm từ trong thành ra ngoài. Điều này giúp họ hình dung phần nào việc Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã lên cửa thành trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1873. Vị Tổng đốc sau đó trúng đạn, ông được người Pháp cố cứu chữa để mua chuộc, nhưng ông xé băng, nhịn ăn mà chết. Đó là một phần câu chuyện tại trưng bày Thành xưa phố cũ, khai mạc ngày 6.10 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Trưng bày do đơn vị quản lý Hoàng thành và Trung tâm lưu trữ quốc gia I thực hiện.

Xem người Pháp phá thành xưa dựng phố cũ - Ảnh 1.

Cửa Đông thành Hà Nội nhìn từ phía ngoài, bên phải bức còn nhìn thấy rõ kỳ đài (Cột cờ Hà Nội)

EFEO

Xem người Pháp phá thành xưa dựng phố cũ - Ảnh 2.

Lầu Chính Dương vốn là cửa đi vào điện Long Thiên và trở thành cửa đi vào Trụ sở Pháo binh quân đội Pháp (năm 1888 - 1891)

Tại Thành xưa phố cũ, người xem thấy thành Hà Nội được người Pháp "quy hoạch" lại ra sao. Thoạt tiên, người Pháp đóng quân trong thành, cho bịt kín các cửa thành, trừ cửa Đông để đề phòng bị tấn công. Theo ông André Masson, một lưu trữ viên của Nha Lưu trữ và thư viện Đông Dương, "ở trong thành, giữa những hồ, ruộng và vườn rộng lớn có ba nhóm nhà chính: ở trung tâm là Hoàng cung (điện Kính Thiên) và Tháp canh (Cột cờ). Ở phía tây là các kho, phía đông là nhà ở và nơi làm việc của các quan lại".

Các văn bản, tài liệu cho thấy quá trình "Pháp hóa" tòa thành Hà Nội. Thành từng là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của Tổng trấn Bắc thành, quản lý khu vực Bắc bộ Việt Nam (1802 - 1831), rồi tỉnh Hà Nội (từ năm 1831). Sau can thiệp của người Pháp (1873 và 1882), thành Hà Nội bắt đầu có nhiều công trình xây dựng mới. Nhiều phố mới cũng được mở tại khu vực thành.

Người Pháp cũng quyết định các công trình của người Việt Nam trong khu vực thành sẽ được coi như những công trình cũ và phá bỏ dần dần, đồng thời cần thống nhất rằng các công trình này không được xây dựng lại hoặc cải tạo lớn.

Bản dụ của vua Đồng Khánh năm 1888 đã từ bỏ quyền lợi của mình với Hà Nội, đồng thời trao quyền đó cho người Pháp. Năm 1893, hội đồng thành phố đề nghị phá hủy nốt phần còn lại của thành Hà Nội, chỉ để lại cổng phía bắc. Năm 1896, điện Kính Thiên bị phá dỡ, chỉ còn lại thềm rồng đá. Từ năm 1897, thành Hà Nội chỉ còn lại một phần bao gồm các công trình trên trục trung tâm bắc - nam, gồm: Cửa Bắc, Hậu Lâu, đôi rồng phía trước nền điện Kính Thiên, Đoan Môn và kỳ đài. Phía tây thành, một khu phố Tây mới đã dần được hình thành.

Trưng bày cũng cho thấy sự nuối tiếc kiến trúc thành Hà Nội của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Trong một tư liệu, ông bày tỏ: "Tôi sang quá chậm để giữ lại những chỗ cần thiết. Đặc biệt là các cửa thành đáng được giữ lại vì chúng có những quan hệ mật thiết với lịch sử hào hùng đáng cho ta phải kính nể. Giống như Khải Hoàn môn ở Paris, các cửa đó sẽ làm đẹp cho các khu phố mà không cản trở giao thông…". Sau đó, nhiều cụm di sản trong thành Hà Nội được ông này ký văn bản giữ lại. Trong số đó, có cột cờ Hà Nội, Bắc môn, Đoan môn…

Hà Nội phố

Thành xưa phố cũ cũng trưng bày nhiều văn bản cho thấy Hà Nội đã thay đổi dần dần ra sao. Trong đó, bên cạnh bản đồ TP.Hà Nội năm 1873, còn có nhận định của ông André Masson: "Hà Nội 1873 không phải là một thành phố mà là một điểm cư dân hỗn hợp, trong đó có khu hành chính, khu buôn bán và nhiều làng được đặt bên nhau trong một khu vực kín...". Phố ở Hà Nội khi đó được nhìn nhận là khá hẹp, hai bên đường là những rãnh nước bẩn tù đọng… Cũng theo ông André Masson: "Không thể hiểu hết được sự phát triển của TP.Hà Nội nếu không biết tới nét cổ kính của đô thị An-nam chen lẫn các khu phố Tây…".

Xem người Pháp phá thành xưa dựng phố cũ - Ảnh 3.

Bản đồ TP.Hà Nội năm 1873

BTC

Xem người Pháp phá thành xưa dựng phố cũ - Ảnh 4.

TP.Hà Nội nhìn từ trên cao, đầu thế kỷ 20

EFEO

Trong Thành xưa phố cũ, công chúng được xem Công văn số 248 ngày 28.5.1886 của kỹ sư, Chánh sở Công chính gửi Thống sứ Bắc kỳ về dự án xây trụ sở cho một số cơ quan ở xung quanh hồ Gươm. Cũng có Công văn số 151 về việc thi công đắp đất ở khu nhà gần hồ Gươm để xây dựng quảng trường ở góc phố Paul Bert (phố Tràng Tiền - Hàng Khay) và đại lộ Hồ Nhỏ (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Nghị định ngày 15.2.1890 của Thống sứ Bắc kỳ cho biết cách ấn định chiều dài, rộng và hướng đi của các phố cũ và các phố sẽ mở trong TP.Hà Nội, kèm theo danh sách các phố.

Thành xưa phố cũ cũng giới thiệu một số công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Hà Nội. Đó là Nhà hát Lớn, Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Văn phòng Chính phủ), ga Hà Nội, Trường Albert Sarraut (nay là trụ sở Ban Đối ngoại và Ban Tổ chức T.Ư Đảng)…

Theo ban tổ chức, Thành xưa phố cũ cho thấy sự biến đổi của Hà Nội sau khi người Pháp đánh chiếm. Theo đó: "Trong hơn nửa thế kỷ, Hà Nội được quy hoạch và kiến tạo thành một đô thị kiểu Pháp với những con đường thẳng tắp, những đại lộ rợp bóng cây và những công trình kiến trúc tiêu biểu còn lưu giữ đến ngày hôm nay". 

Đô thị cần được phát triển bền vững

Tối 5.10, tại Đường sách TP.HCM diễn ra buổi tọa đàm Đô thị hiện đại và đô thị bền vững, do Viện Pháp tại VN và NXB Kim Đồng tổ chức, với sự tham gia của tác giả Pháp Julie Lardon, kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa.

Tại tọa tọa đàm, nữ văn sĩ, nhà báo Julie Lardon (tác giả cuốn Nuôi nhân loại, Định cư trên mặt trăng, Những đô thị trong tương lai đã được dịch sang tiếng Việt) cho biết tại châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng khi một công trình mới được cấp phép xây dựng, chính quyền sẽ kiểm soát rất chặt chẽ. Chủ đầu tư không thể muốn làm gì thì làm, thiết kế theo ý thích mà buộc phải theo quy cách chính phủ quy định từ kiến trúc đến vật liệu, màu sơn… Tất cả phải đảm bảo hài hòa giữa không gian chung quanh đang được gìn giữ với nhu cầu phát triển đô thị. "Do đó dễ thấy ở Pháp có sự đan xen giữa những công trình mang giá trị lịch sử với các con phố nhỏ cho người dân sinh sống được thiết kế hài hòa mà không phá vỡ tổng thể chung", cô nhận định.

Kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Đinh Khoa (tác giả quyển Độc hành, Trở về một đứa trẻ, Con kiến xây) có chút tiếc nuối khi TP.HCM đang mất dần những không gian xưa, nhường chỗ cho công cuộc đô thị hóa. Anh và Julie Lardon đều cho rằng áp lực dân số đang đè nặng lên các thành phố lớn, gây ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, hệ thống đường sá, cấp thoát nước bị quá tải… Do vậy làm sao phát triển đô thị xanh, bền vững là mục tiêu mà tất cả các nước đang hướng đến.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.