Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 ‘Bản hòa âm đất nước’

Viết một trường ca, tôi bất ngờ gặp một nhân vật

23/02/2024 09:00 GMT+7

Năm 2012, tôi đã mấy lần lên cao nguyên đá Hà Giang. Có lần đi một mình, có lần đi với vợ tôi và vài đứa em. Tôi cứ đi, cứ nghĩ miên man, chưa biết mình sẽ viết thế nào, nhưng từ trong vô thức, tôi vẫn tin mình sẽ viết được một cái gì đó về người Mông, một dân tộc mà tôi rất ngưỡng mộ.

Người ta hay gọi kiểu đi như thế là "đi thực tế", nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi cứ đi, thầm mong mình sẽ gặp một cái gì, một cái cây, một con người, một cao nguyên đá, hay một ý nghĩ bất chợt mọc lên trong đầu. Sau những chuyến đi lên Hà Giang cùng anh Tuấn, một cán bộ người Kinh đã thành người bản địa, anh cực kỳ yêu thương và am hiểu người Mông, khi về Quảng Ngãi, tôi đã gặp được hình ảnh một… đám mây. Đó là 'Đám mây hình người thợ săn và con chó". Tôi rất vui, vì biết đây hình như là đầu đề cho bản trường mình sẽ viết về người Mông. Và tôi bắt đầu viết được vài trăm câu thơ. Có thể nói, đây là bản trường ca đầu tiên của một nhà thơ người Kinh viết về người Mông. Rồi, tôi bất ngờ gặp một con người, một thanh niên người Mông. Tôi đã gặp người ấy trên… Báo Thanh Niên. Đó là anh Vừ Già Pó, một người Mông không hiểu bị dụ dỗ hay tự nhiên lưu lạc sang Tàu. Và bị bắt làm nô lệ.

"có lúc

Vừ Già Pó là tôi

từ Mèo Vạc

không bay

cuốc bộ hơn 7.000 km băng qua sườn dãy Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan)".

Viết một trường ca, tôi bất ngờ gặp một nhân vật 

- Ảnh 1.

Vừ Già Pó vượt qua quãng đường từ Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đến Pakistan dài khoảng 7.000 km - (Ảnh: Amiruddin - Thanh Niên)

Theo một ký sự của Báo Thanh Niên, anh Vừ Già Pó, cư dân khu vực Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, bị cho là mất tích từ hai năm trước. Tuy nhiên, hiện anh đang bị nhà cầm quyền Pakistan giữ sau nhiều tháng điều tra, và người ta chưa có nhiều thông tin về lý do và làm sao anh lưu lạc hơn 5.800 km (sau đó xác định chính xác là hơn 7.000 km) băng qua dải núi Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).

"tôi chẳng biết

vì sao mình đi được

cứ như ai ám quẻ gọi tên

Vừ Già Pó

một con vẹt

thường ăn ngô trên nương Mèo Vạc

bay theo tôi

7.000 km

trong đêm vượt thác cao đèo dốc

chân trần

lướt qua nhiều quốc gia chủng tộc

con vẹt trò chuyện cùng tôi

cứ như mình sinh ra là bạn"

(Vừ Già Pó bị bắt do vượt biên trái phép)

Báo Thanh Niên kể lại rằng: Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, "Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng những thứ này là của tôi".

"'Việt Nam là của tôi!' Vừ Già Pó

'Tôi là của Việt Nam!' xin đừng hỏi

tôi đến từ đâu?"

Anh Vừ Già Pó là người thật, không phải tôi tưởng tượng ra. Chỉ có con vẹt là "nhân vật" tôi thêm vào. Và câu chuyện anh Pó vượt 7.000 km cũng là câu chuyện thật, dù không ai tin nổi, một người Mông bị bắt rồi trốn bên Tàu, đói khát, gặp gì ăn nấy, mà cứ thế đi bộ, đi qua nhiều quốc gia, nhiều chủng tộc, đi từ Trung Quốc vượt bao đèo cao dốc hiểm rừng rậm sông sâu. Con đường anh đi như hình trên bản đồ.

Vì sao người Mông ấy lại đi trong vô thức như thế?

Sau khi đọc phóng sự kỳ lạ này trên Báo Thanh Niên, anh Vừ Già Pó đã lập tức thành nhân vật của tôi. Một cách ngỡ như tình cờ. Thì thơ vẫn hiện lên một cách ngỡ tình cờ như thế mà. Tôi đã hoàn thành trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó chỉ trong vòng vài ba tháng gì đó. Ngồi nghĩ, mình phải gửi bản thảo này cho một nhà văn thật gắn bó với người Mông để xin ý kiến. Bác Tô Hoài thì đã mất rồi, bây giờ, chỉ còn anh Nguyên Ngọc. Tôi gửi lập tức bản thảo lần đầu chưa chỉnh sửa cho anh Nguyên Ngọc, nhờ anh đọc và cho ý kiến. Trong khi anh Nguyên Ngọc đọc, tôi lại tiếp tục chỉnh sửa và gửi bản vừa sửa cho anh. Không ngờ, nhà văn Nguyên Ngọc lại rất có cảm hứng khi đọc bản thảo. Anh nhận viết ngay cho tôi lời giới thiệu. Tôi đã viết trường ca này xong khá nhanh, nhưng anh Nguyên Ngọc viết lời giới thiệu còn nhanh hơn nữa. Thật vui. Có thể coi, đây là lần đầu tiên tôi gặp người Mông, viết hẳn một trường ca về người Mông, mà lại hoàn thành, theo tôi nghĩ, là tốt đẹp như vậy.

Viết một trường ca, tôi bất ngờ gặp một nhân vật 

- Ảnh 2.

Bìa tập trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó

Khi viết lời giới thiệu, anh Nguyên Ngọc đã gửi cho tôi một số đoạn trong tác phẩm của nhà dân tộc học nổi tiếng Savina mà anh đã đọc và ghi lại từ 10 năm trước. Nhà văn Nguyên Ngọc viết:

"Tôi hiện không có cuốn Lịch sử người Mông của F. M. Savina trong tay, nhưng còn giữ được trong máy một số đoạn ghi chép khi đọc sách này mười năm trước. Tôi dịch vội những trang ấy và gửi cho Thanh Thảo. Anh gọi điện cho tôi, bảo anh đã đọc ngay, hết sức thú vị vì những điều Savina viết, càng thú vị vì dường như nhà dân tộc học nổi tiếng ấy nói đúng từng chút một những gì anh đã mường tượng về người Mông khi cầm bút. Nhưng rồi anh lại nói: "Cũng may quá là anh đã dịch và cho tôi đọc Savina sau khi tôi đã viết trường ca. Nếu được đọc trước, chắc tôi đã không thể viết được. Bởi vì viết sau khi đã biết tất cả những điều ấy thì hóa ra tôi sẽ chỉ minh họa lại các ý tưởng đã có sẵn đó. Văn học không phải là minh họa bằng ngôn từ những gì đã biết bằng lý trí. Tôi chỉ có thể viết say sưa được như đã viết khi còn tin rằng tất cả những gì mình trải ra trên trang giấy đó là do mình sáng tạo ra, mình "bịa" ra một hiện thực hoàn toàn mới thêm cho cuộc đời này!…".

Vậy đó, điều vẫn được gọi là văn học phản ánh hiện thực. Bằng tất cả tình yêu say đắm của mình, nhà văn "đoán" về những sự lạ ở đời khiến anh kinh ngạc và da diết cố hiểu, cố nói cho ra. Khi anh có tài thật sự, thì điều anh ước đoán đó có thể trùng hợp, hay đúng hơn, còn thực hơn sự thực nhiều. Như vậy ở đây có đến hai sự lạ, đều thật đẹp: sự lạ của Vừ Già Pó vô thức đi xuyên lục đia châu Á để tìm về cội nguồn thăm thẳm của mình; và sự lạ của nhà thơ Thanh Thảo, cũng bằng vô thức, vô thức nghệ thuật, khám phá ra sự thật tuyệt diệu mà nhà khoa học uyên bác Savina đã tìm được về dân tộc Mông bằng con đường chặt chẽ của lý trí khoa học. Đẹp quá, cả hai.

Tôi là người đã viết nhiều trường ca, và tôi cảm nhận rất rõ, với những trường ca mình ưng ý, yếu tố may mắn bao giờ cũng là thành phần rất quan trọng khiến tác phẩm được viết "thông đồng bén giọt".

Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 "Bản hòa âm đất nước", xin có ít lời tâm sự chân thành như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.