Nhớ thương lò bánh tráng quê nhà

02/12/2020 10:00 GMT+7

Bao năm xa quê, có dịp về thăm nhà, tôi càng vui khi thấy ngôi nhà xưa trên thêm cũ, vẫn rực sáng lửa lò bên gốc cây khế xanh lá, trổ hoa, các cháu tôi cần mẫn bên lò tráng bánh...

1. Quảng Ngãi quê tôi, dân xây nhiều lò bánh tráng. Gọi lò bánh có vẻ “hiện đại”, nhưng thực ra có gì đâu: nội và mẹ sắp chồng cao các viên gạch theo vòng tròn, vừa tầm ngồi, nhào đất dẻo, đắp kín những khe trống che lửa, chừa miệng lò và chỗ đặt nồi trải khuôn bánh. Còn khuôn bánh quá đơn giản, hai vuông vải mỏng, may dính vào nhau, kết bốn sợi dây vào bốn góc khuôn, treo mấy viên gạch, để mặt khuôn căng, trải lên miệng nồi tráng bánh, thế là xong lò bánh tráng!
Lò bánh tráng đơn giản vậy mà nội và mẹ làm ra nhiều loại: bánh tráng mè, bánh tráng cơm dừa, nước dừa, bánh tráng bột mì, ngọt, nướng lên thơm phức với nhiều hương vị hấp dẫn. Để có bánh, nội phải vay tiền mua vật liệu tráng bánh, sau mỗi phiên chợ phải trả lãi. Cảnh nghèo gặp phải cái “eo”, ăn trước trả sau là vậy! Đúng là bánh tráng quê nhà “đậm chất quê”! Ấy vậy, mà nhiều người nghèo hành khất thường đến lò xin bánh, nội vẫn cưu mang giúp đỡ, nội nói: “Nhà mình nghèo nhưng còn có những nhà nghèo hơn mình, tứ cố vô phương; nhà mình nát giỏ nhưng còn bờ tre”. Có người vẫn đến mua chịu bánh, nội vẫn vui vẻ. Nội còn nói: “Làm việc nghĩa để lại phúc đức cho con cháu, tích thiện phùng thiện, ở hiền gặp lành!”.
Tiếng lành đồn xa, dân làng thường nói: “Bà Sáu Khế tốt bụng, thương người, bánh tráng bà lại thơm ngon”, nên dân làng “suy tôn” lò bánh tráng Bà Sáu Khế thành “thương hiệu” nhất làng. Lòng tôi lại thấy vui. Còn tên gọi Bà Sáu Khế có nguyên do là: Nội tôi là con thứ sáu của bố, lò bánh tráng xây bên gốc cây khế, nên dân làng gọi chung là lò bánh tráng Bà Sáu Khế.
Nội kể rằng: “Lò bánh tráng này do tổ tiên gầy dựng, song tồn với cây khế đầu nhà, với bao mùa khế trổ hoa”. Lời kể của nội xúc động, làm tôi suy nghĩ miên man, lại có lúc nghĩ “dại”, nếu mưa dầm dề, lửa lò sẽ tắt, nhà sẽ “tắt bữa”, lấy gì cho cuộc sống nay mai? Càng nghĩ tôi càng lo, càng thương nội và mẹ, một nắng hai sương, quần quật dưới nắng hè của “chảo lửa” miền Trung này để giữ cho lửa lò rực sáng theo suốt cuộc đời. Lịch sử lò bánh tráng đã gắn nhập, cưu mang gia đình và cuộc sống đời tôi. Tôi ngàn lần cảm ơn tổ tiên, cảm ơn nội và mẹ, chỉ nguyện cầu sao cho nội và mẹ luôn mạnh khỏe để đón nhận mọi điều an lành, đừng bao giờ lửa lò tắt.
Bươn chải bao năm nơi đất khách quê người, bữa cơm tươi tắn hơn, tôi càng nôn nao nhớ quê nhà, nhớ lò bánh tráng, nhớ những ngày đi học thiếu cơm, vẫn có bánh tráng nội độn cho ăn, trừ bữa qua ngày.
2. Năm 1951 giặc Pháp dội bom napal đốt cháy trụi làng. Nội tôi cũng mất trong trận bom đó, giặc Pháp cướp đi cuộc sống của dân làng! Tôi buồn, khóc nhớ thương nội và lò bánh, thẫn thờ nhìn cây khế cháy đen, nhìn nơi đặt lò bánh, mơ tưởng thấy nội đang ngồi tráng bánh...
Gia đình còn lại mẹ và hai chị em tôi, quyết tâm xây lại lò bánh trên bãi tro tàn. Nằm dưới túp lều tôn che tạm, gió lạnh, đắp chiếu không ngủ được, đếm từng hạt mưa rơi lộp bộp trên mái tôn, thấy đêm dài vô tận, nhìn mẹ vẫn thao thức, nhìn ánh đèn mù u leo lét, chắc mẹ nghĩ nhiều về nội, về tiền nợ, mong lò bánh sớm xây xong. Lại nói về ánh đèn mù u, có vẻ sang, nhưng thực ra tôi nhặt những trái mù u đập vỏ, lấy hạt xắt lát mỏng, lấy cọng tre xâu lại thành chuỗi, đốt cháy khét lẹt, khói đen mù. Hồi ấy nhà nghèo, không có tiền mua dầu để thắp đèn. Rồi tôi lại ngủ, lại mơ thấy lửa lò rực sáng, bay lên những hạt lửa như pháo hoa đẹp mắt, lửa lò lại “cười”, như báo hiệu điềm lành đến với lò bánh tráng nay mai..., rồi tôi lại mơ thấy cây khế trổ hoa, bay, rụng quanh lò bánh và đọng lại trên vai áo nội. Rồi tôi giật mình thức dậy, thấy mẹ và chị hai lom khom bới nhặt những viên gạch cháy đen xây lại lò bánh. Mẹ nói: “Xây lò lần này phải chắc hơn, cao hơn để người ngồi tráng bánh đỡ đau lưng”.
Mấy năm sau, chị hai lấy chồng, nhà neo, tôi vừa đi học, vừa phụ mẹ tráng bánh. Tôi đã thành tạo việc nhóm lò, tráng bánh... Tôi thích việc nhóm lò để nhìn lửa lò bùng lên, tôi lấy hai lóng tre nhỏ, đục thông mắt, tạo thành ống dài, thổi lửa, âm thanh nghe o... o... vui tai. Mẹ lại mở “quán cóc” bên lò bánh, dân làng vẫn đến ăn và mua bánh đông vui. Họ trả tiền cho mẹ thay bằng gạo hay lúa vào mùa gặt tới!
3. Bao năm xa quê, có dịp về thăm nhà, tôi càng vui khi thấy ngôi nhà xưa trên thêm cũ, vẫn rực sáng lửa lò bên gốc cây khế xanh lá, trổ hoa, các cháu tôi cần mẫn bên lò tráng bánh, hình ảnh lò bánh tráng của tổ tiên, của nội tôi - lò bánh tráng Bà Sáu Khế vẫn trường tồn với tổ tiên quê nhà.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.