Ngọt bùi món 'khoai xéo' của mẹ

28/11/2020 10:00 GMT+7

Lần đầu được ăn “khoai xéo” tôi đã hiểu vì sao chồng lại yêu thích món ăn này đến thế...

Tôi và anh cùng học Thủy Lợi, anh học trước tôi một khóa sau đó ra trường đi làm. Hai đứa ít gặp nhau nhưng rồi như cơ duyên hai đứa gặp lại khi cùng tham gia thi công một công trình xây dựng. Cùng làm việc rồi cảm mến nhau lúc nào không hay, quê anh ở miền Trung, Hà Tĩnh, một miền quê nghèo quanh năm với bao đợt gió Lào nóng rát cháy da, hàng ngàn đợt gió lớn với những cơn bão lũ tốc xoáy mái nhà, nước dâng ngập trắng xóa.
Tình yêu lứa đôi và tình yêu thương mảnh đất miền Trung quê anh đã kết duyên chúng tôi thành một gia đình. Có về làm dâu Hà Tĩnh mới thấy được cái tình của người dân nơi đây, dẫu thiên nhiên rất khắc nghiệt nhưng người Hà Tĩnh vẫn vượt qua những khó khăn gian khổ, chịu thương chịu khó và rất kiên cường mạnh mẽ. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên về thăm quê cùng anh, vì là con trai duy nhất trong nhà lại đi làm xa không ở gần cha mẹ, nên mỗi lần về thăm quê mẹ luôn nấu rất nhiều món ăn ngon cho anh, trong đó có một món ăn đặc biệt mà anh yêu thích nhất đó chính là món “khoai xéo”. Anh nói đó là món ăn tuyệt vời nhất, mỗi lần thưởng thức như đưa anh trở về tuổi thơ, gợi lại bao cảm xúc về những năm tháng khó khăn, đói nghèo thiếu thốn. Những bữa ăn gắn liền với củ khoai, củ sắn…
Mẹ kể rằng ngày xưa còn nghèo đói, mỗi vụ thu hoạch khoai, mẹ lại đem rửa sạch thái mỏng phơi khô. Với cái nóng gió Lào của đất Hà Tĩnh thì chỉ cần phơi 2 nắng thôi là miếng khoai đã khô cong queo lại rồi. Mẹ đem buộc kỹ, cất gọn để dành nấu ăn dần. Món “khoai xéo” của mẹ được nấu bằng những nguyên liệu chính gồm: Khoai lang phơi khô nấu cùng với lạc (đậu phộng), gạo nếp, đậu trắng… Mẹ đun bằng bếp củi cho các hạt đậu mềm ra trước (vì đậu mềm lâu hơn khoai), sau đó mẹ tiếp tục cho khoai lang phơi khô lát mỏng vào. Đun cho tới khi cạn nước, miếng khoai, hạt đậu, hạt lạc mềm ra (mềm nhũn), gạo nếp chín dẻo thì mẹ cho thêm vài thìa đường vào. Cuối cùng là công đoạn quan trọng nhất “xéo khoai”, mẹ dùng cây đũa cả (cây đũa to dùng để đảo cơm khi sôi hoặc xới cơm), đặt hai chiếc đũa cả chéo nhau rồi liên tục đảo. Gọi là đảo nhưng thực chất là xéo (hay còn gọi là ép) cho miếng khoai, hạt đậu, hạt nếp nát ra dính quyện vào nhau. Phải làm thật nhanh và đều tay, nếu không rất dễ bị “khê”, mẹ vẫn thường đùa rằng “công đoạn xéo khoai là cả một nghệ thuật”, nếu không chú ý thì sẽ làm hỏng cả nồi khoai ngon. Mẹ bật mí rằng chính công đoạn “xéo” này tạo nên tên gọi của món ăn “khoai xéo”.
Lần đầu được ăn “khoai xéo” tôi đã hiểu vì sao chồng lại yêu thích món ăn này đến thế. Vị bùi của khoai, vị thơm của nếp, vị béo của lạc (đậu phộng) quyện lại thành một món ăn tuyệt vời. Khi nghe mẹ kể thêm về những năm tháng khó khăn của gia đình, cuộc sống thiếu thốn, gạo không đủ nấu cơm phải độn tất cả những gì có trong nhà như: khoai, sắn, lạc, đậu… lại để ăn cho đủ no. Ngày nào cũng thế, toàn những bữa ăn cơm độn khoai, cơm độn sắn để chắc bụng, để đủ sức khỏe làm việc. Có những bữa ăn khi dọn mâm cơm ra, nhìn thấy mẹ bưng nồi cơm khi mở ra vẫn là cơm độn khoai, chồng tôi òa khóc, dỗi hờn “con không ăn cơm khoai đâu, còn thèm ăn cơm trắng cơ, ngày nào mẹ cũng bắt con ăn cơm với khoai”. Nghe con khóc, nghe ước mơ đơn giản của con là một bữa ăn cơm trắng thôi mà mẹ tôi rưng rưng nước mắt. Mẹ dỗ dành “con cố gắng nhé, một vài hôm nữa bố mẹ sẽ mua gạo để nấu bữa cơm trắng cho con”. Nghe mẹ kể mà nước mắt tôi ướt nhòe, thương cha mẹ, thương quê hương Hà Tĩnh và tôi đã thương yêu luôn cả món “khoai xéo” ngọt bùi.
Giờ đây bên những mâm cơm đầy thịt, cá, nhiều món ăn ngon… hẳn nhiều người không còn nhớ đến món “khoai xéo” ngày nào. Nhưng chồng tôi, dù đi đâu, làm nghề gì, cuộc sống bây giờ đã đủ đầy hơn xưa anh vẫn không quên món ăn dân dã gợi nhớ về một thời khó khăn gian khổ, anh luôn nhắc nhở bản thân và gia đình hãy luôn trân trọng những ngày gian khổ để có được cuộc sống ấm no đủ đầy như ngày hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.