Huế thương

16/10/2020 08:00 GMT+7

Chiều hôm ấy, Sài Gòn mưa. Cơn mưa trắng trời đó, vừa xoa đi cái nóng rang người và cũng là báo hiệu cho sự chuyển mình, tiến vào một mùa đúng nghĩa là "sáng nắng, chiều mưa” của thành phố đỏng đảnh này.

Vậy là tôi cũng đã ở đây được tròn bốn năm. Bốn năm tung hoành ngang dọc, đây là lần đầu tiên Sài Gòn bắt tôi xuống xe, lội trong dòng người xen lẫn dòng nước đang dần dâng lên ngang ngực. Đêm hôm đó, Sài Gòn lụt. Đêm hôm đó, tôi chợt nhớ Huế đến quặn lòng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Nhà tôi lúc trước nằm ở khu Đống Đa, cái chung cư cũ của ba. So với nhà mấy đứa bạn ở bờ bên Đại Nội, thì chỗ tôi ở hồi đó cao chạm tít mấy tầng mây. Tôi ở tầng bốn, cũng thuộc loại cao dữ lắm rồi vì lúc trước ở Huế chưa có mấy cái nhà cao tầng, nên mỗi sáng tôi hay ra trước lan can nhà, dòm xéo xuống xem mấy o, mấy dì họp chợ. Tiếng chào mời, tiếng trả giá, xen lẫn đâu đó là mùi tôm, mùi cá, mùi nước mắm ngọt ngọt, cay cay của mấy dĩa bánh bèo, nậm, lọc chị nào đó vô tình vừa làm đổ ra đường. Hồi đó tôi mê quầy cháo của cô căn-tin trong trường. Cháo bò, thêm quả trứng và cục phô mai con bò cười. Coi đơn giản vậy đó, mà cả một phần tuổi thơ của tôi đã vô tình gói gọn trong đó. Cho tới mãi sau này, mỗi lần có dịp về lại, tôi vẫn hay tìm về chỗ cô, gọi một phần tuổi thơ mà xì xụp, ngon đến lạ.
Hồi đó tụi trong xóm hay chơi ở cái sân to đùng ở tầng một. Bên cạnh là tiệm tạp hóa với cái ki-ốt bằng gỗ, bán đủ thứ trên trời, dưới đất. Từ mấy viên C ngậm trong hộp nhựa, cho tới mấy cục xí muội chua lè trong cái bao màu đỏ có hoa bi trắng. Từ mấy cục si-đa chọi là dính tường, cho tới thỏi bong bóng có hình con Đô-rê-mon béo bự, thứ gì cô cũng có. Tụi tui hay mua cùng, rồi chia ra chơi chung. Thế là mỗi đứa được thử một loại, loạn xạ gia vị. Tôi hay chia đồ cho con trai bác giữ xe già ở tầng một. Con trai bác bị tật, thế là bác đành ở nhà, vừa trông xe, vừa trông con. Vậy mà bác hiền khô, vui tính. Con trai bác thế mà cũng đỡ hiu quạnh được phần nào. Nhà tôi thuộc loại khá giả, sắm được chiếc xe đạp cọc cạch để ba, mẹ đi làm mỗi sáng. Chiều chiều lại vác lên vai, khệ nệ bê lên bốn tầng lầu chứ vì nhà bác cũng nhỏ, để mấy chiếc xe máy to đùng là hết trơn chỗ.
Huế có đủ mùa, mà khi vào tới Sài Gòn, tôi mới nghe họ bảo Huế buồn. Mấy anh, chị làm chung hay nói: Ra Huế, mà gặp lúc thất tình, mà gặp mưa Huế là thôi, trái tim vụn vỡ chẳng biết lấy gì mà lành nổi. Nghĩ lại cũng đúng, mưa gì đâu mà mưa dai mưa dài, mưa từ sáng cho đến tối mờ, riết rồi người Huế tụi tui cũng không biết được là Huế nó buồn đến nhường nào. Vì quen rồi mà. Mà mưa lại vui, vui vì được sưởi ấm đôi bàn tay bằng củ khoai vừa nướng tới của hàng ăn vặt chỗ cầu Trường Tiền. Rồi gánh bánh mì đêm lúc nào cũng chật kín khách, khách ngồi sát sát vô nhau, vừa ăn vừa nhả khói. Khói sương của cái lạnh, khói nồng của bánh mì nướng. Coi buồn vậy, mà thân tình ấm áp.
Có những hôm mưa mù trời, Huế ngập. Đường lớn thành sông, đường nhỏ thành rạch, đường dốc thành thác. Nước tràn qua đê, len lỏi qua hàng rào, chui vào nhà như muốn được cùng chung vui với người dân cho đỡ buồn tẻ. Huế hồi đó ngập hoài, nhẹ thì ngập ngang gối, nặng thì ngang ngực. Hồi bé còn ngô nghê, tôi cứ mong mưa thiệt lớn để được… ngập. Mỗi lần ngập như thế là tôi lại mon men theo cầu thang xuống tầng một, vọc nước bì bõm. Coi các bác cuống cuồng, í ới gọi nhau gom đồ mang lên cao để tạm. Tôi thích đứng trên tầng bốn, nhìn cảnh người ta rẽ nước, chèo xuồng trong thành phố, y chang thành phố gì đó bên Ý có lần ba kể cho tôi nghe. Mãi về sau, khi chuyển nhà không ở chung cư nữa, tôi mới thấm được tiếng gọi í ới vui tai đó của các bác ngày xưa có xen đâu đó là nỗi lo, là cái buồn khi nước đang vô tình mang đi công sức của họ chảy dài ra biển lớn. Tôi đâm ra ghét mưa, ghét bị ngập và cũng thương hơn cái gọi là “Miền Trung oằn người vì lũ".
Sài Gòn đêm đó mưa, lòng tôi cũng ngập tràn trong cái nhớ nhà. Ba mẹ, giờ đang làm gì? Nhà mình mùa mưa này có ngập nữa không? Đẩy xe đi trong cơn mưa tầm tã, mắt tôi đỏ hoe, chắc vì mưa, chứ không phải vì thứ nước mặn đáng ghét đang chực chờ tuôn chảy. Huế ơi, thương lắm. Huế ơi, đi xa, mới biết dù mưa dài mưa dai, thì Huế vẫn trọn cái tình dịu dàng yêu thương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.