>> Lê Công Sơn

Chơi đá bóng từ thuở nhỏ nhưng cậu bé Nguyễn Văn Á - tên thật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, lại thường trực có tên trong đội tuyển... bóng ném TP.HCM. Sau quá trình tập luyện và thi đấu, đời cầu thủ làm anh gãy chân, rồi bóng ném lại làm anh gãy tay. Thế là ở tuổi 27, Nguyễn Á phải “dừng cuộc chơi”, về nhà mở tiệm chụp ảnh. Vì gia cảnh nghèo khó nên từ nhỏ đến lớn, anh đã phải trải qua tới 6 nghề để mưu sinh: bán báo, bán khí đá, bán cháo vịt, bán cơm, bán kem và cuối cùng là nhiếp ảnh.

Anh đến với nghề và tạo nên “thương hiệu” cho mình bằng sự tình cờ hay có dự tính từ trước? Nghề nhiếp ảnh thường rất vất vả, anh có thể chia sẻ chuyện buồn vui lúc khởi nghiệp cùng quá trình phấn đấu từ “tay không” để trở thành tay máy có tiếng như hiện nay?

Ở Sài Gòn, ba má tôi thuộc vào dạng đông con khi tôi có tới 11 anh chị em. Gia đình xuất thân từ hội họa và nhà giáo, riêng ông anh thứ 6 làm thầy giáo nhưng lại mê chụp hình nên đi đâu hay kêu tôi theo phụ hậu cần. Đến năm 20 tuổi, tôi khoái nhiếp ảnh quá mới tìm đến “sư phụ” Phùng Hiệp để “tầm sư học đạo” và đây chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt tôi vào nghề. Sau khi học hỏi nghiệp vụ cứng cáp, tôi rủ diễn viên điện ảnh Hoàng Phúc khi ấy cùng trong đội tuyển bóng ném của TP hùn vốn mở tiệm. May quá, hồi đó nghề chụp ảnh lịch “ăn nên làm ra” nhưng lại ít người chụp, chỉ có vài tên tuổi: Hoàng Trưởng, Tô Thanh Nghiệp, Đoàn Minh Tuấn... và cũng rất thương yêu nhau nên sống thoải mái. Người mẫu của tôi khi ấy đa phần toàn sao: Lý Thu Thảo, Kim Khánh, Thanh Mai, Việt Trinh, Diễm Hương..., nhờ vậy mà tiệm mới mở đã làm ăn được.

Rồi các bức ảnh của tôi liên tục xuất hiện trên bìa báo Phụ nữ TP.HCM chủ nhật nhờ cầu nối của nhạc sĩ Từ Huy và từ bệ phóng này, tôi bước chân vào làng báo đầy sôi động. Tôi luôn mang ơn tác giả ca khúc Mong đợi ngậm ngùi đã đặt lại nghệ danh Nguyễn Á - rút gọn từ tên Nguyễn Văn Á “vì quá dài làm người ta khó nhớ” như nhạc sĩ Từ Huy nói, để tôi “hên” và tạo dựng được sự nghiệp. Đời tôi gặp toàn quý nhân nên tới giờ vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người. Và cứ thế, tôi từ nghèo khó đi lên nhờ vào chiếc máy ảnh, theo lối rẽ của riêng mình.

Phương tiện hành nghề lúc khởi nghiệp rất có ý nghĩa và là kỷ vật hẳn không thể quên trong cuộc đời anh. Vậy người đặc biệt nào đã mua tặng Nguyễn Á chiếc máy ảnh đầu tiên?

Ba má tôi cả một đời tần tảo lo cho hơn chục miệng ăn, vậy mà không biết chắt bóp, dành dụm từ bao giờ mà má sắm cho tôi chiếc máy ảnh, tặng tôi làm “cần câu cơm”. Tôi luôn xúc động vì điều này.

Giã từ sự nghiệp thể thao, gia tài của tôi chỉ có cái chân và cái tay gãy, may mà không bị tật nguyền. Nhờ đức tính kiên trì, chịu khó đã giúp tôi có nhiều thứ: bạn bè, công việc, đồng nghiệp..., bởi nghề ảnh mà sĩ diện quá thì không làm được đâu. Má thường mang kinh nghiệm buôn bán ra khuyên nhủ: “Con càng ngọt với khách thì con mới có nhiều tiền”. Tôi luôn gói ghém những câu răn dạy của má giữ kỹ trong hành trang đường đời của mình.

Anh đến với nhiếp ảnh nghệ thuật khi nào và kỷ niệm nào nhớ nhất trong nghề?

Nhờ có sự chỉ bảo tận tình và học nghề hoàn toàn miễn phí từ Master Hoàng Quốc Tuấn (nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế vinh danh tước hiệu Master FIAP - nghệ sĩ bậc thầy), tôi được đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Cuộc đời tôi có quá nhiều kỷ niệm khi được đi nhiều và có điều kiện trải nghiệm rất nhiều với người thầy thứ hai này. Tôi hoàn thành bộ ảnh đầu tiên với đề tài về những người khuyết tật vượt khó cho đến những bậc hiền tài xuất sắc của Việt Nam, rồi đến biển đảo, di sản, Covid-19. Tuy nhiên, có lẽ Covid-19 mãi mãi là kỷ niệm tôi không bao giờ quên, bởi tôi phải hằng ngày giáp mặt với quá nhiều khó khăn, liên quan đến sinh mạng của mình. Ngay từ khi bắt tay thực hiện đề tài thời sự này, tôi xác định con đường sẽ rất dài và khó khăn nên luôn tự nhủ lòng mình phải cẩn thận, kiên nhẫn, bình tĩnh và tranh thủ “đánh nhanh rút gọn” mỗi khi tiếp cận các ổ dịch để tránh rủi ro có thể xảy ra. Tôi cũng phải giấu gia đình, vì không muốn mọi người phải lo lắng.

Trong số hơn 13 cuốn sách ảnh đã xuất bản thì anh lao tâm khổ tứ và ưng ý nhất tác phẩm nào nhất, vì sao?

Đến giờ này, cuốn khó nhất và cũng là cuốn tôi ưng ý nhất là Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Cân não trí lực vì mọi thứ trong cuốn sách thường xuyên thay đổi, rồi đến khâu biên tập, thiết kế, viết bài, dịch thuật đều căng thẳng, chỉ với một mục đích đem đến thông tin chính xác nhất. Quan điểm của tôi đã làm là làm cho đến tận cùng, nên dù có khó khăn và mệt mỏi bao nhiêu cũng phải cố gắng vượt qua. Xin vào tác nghiệp tại các bệnh viện đã khó, vào được các khu cách ly quân sự lại càng khó hơn. Thỉnh thoảng bị từ chối nên đôi khi tôi cũng thấy nản và mệt mỏi nhưng may mắn là mọi thứ cũng đã hoàn thành, nhờ kiên nhẫn mà tôi đã vượt qua được tất cả.

Tuy vậy, ở mỗi quyển sách tôi đều tự đặt ra mục tiêu cho bản thân cố gắng tạo ra những điều mới mẻ dành cho độc giả. Mặt khác tôi cũng muốn tự khám phá những điều mới mẻ trong nghề nghiệp chuyên môn của mình.

Đối với Nguyễn Á, hiện đang sở hữu gia tài hơn 13 tập sách ảnh quý giá cùng nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, anh có bao giờ nghĩ muốn “rửa tay gác... máy ảnh” chưa, hay vẫn cứ rong ruổi đi tìm những khung hình mới cho bộ sưu tập tiếp theo?

20 tuổi tập tành cầm máy ảnh và lúc đã ngoài 30 tuổi, khi cảm thấy chín muồi với nghề thì tôi mới dự thi và đoạt nhiều giải thưởng. Vừa chơi thể thao vừa cầm máy từ những ngày tháng đầu tiên và đến giờ, tôi đã có hàng chục năm trong nghề và chơi ảnh chuyên nghiệp được 15 năm, mà vẫn chưa bao giờ có ý định từ giã, thậm chí nếu phải chọn lại từ đầu tôi vẫn chọn nhiếp ảnh. Càng chụp nhiều tôi càng thích. Ngày trước quá vất vả vì phương tiện thiếu thốn, nay có máy kỹ thuật số thì mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi sống được và làm ra tiền nhờ tổ đãi và luôn thắp cho ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt.

Tự bản thân, tôi cảm thấy giai đoạn này là lúc sung mãn nhất, bởi tôi đã có đủ thời gian trải nghiệm, lăn xả. Tôi đang ấp ủ nhiều dự án lớn, không có cái nào giống cái nào. Dù thuộc thế hệ “đồ cổ” nhưng với việc sử dụng công nghệ nhiếp ảnh hiện đại không người lái, Nguyễn Á vẫn luôn kịp bắt nhịp, cũng flycam như ai, tiếc là có 3 cái rơi xuống biển và va vào vách núi.

Rất mừng vì qua nhiều bão giông, niềm đam mê nhiếp ảnh trong tôi vẫn còn đầy ắp. Tôi quan niệm, ông trời đang cho mình sức khỏe thì phải tranh thủ làm nhiều thứ. Cuộc đời sinh ra ai cũng chỉ sống một lần trong đời, phải sống sao cho có lý tưởng, xứng đáng và luôn trách nhiệm với người khác. Mình tử tế thì sẽ có tất cả... Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng mà chỉ mong cuộc sống của mình luôn bình yên là hạnh phúc lắm rồi.

Anh có lời khuyên nào dành cho các đồng nghiệp trẻ?

Tôi rất vui vì hiện nay tại Việt Nam, số lượng các bạn trẻ chơi ảnh chuyên và không chuyên rất đông đảo và giỏi tay nghề. Các bạn tự tin với đam mê của mình, tuy nhiên cũng nên học hỏi và lắng nghe các bậc đàn anh đi trước, họ sẽ có được những lời khuyên bổ ích không những trong nghề mà còn trong cuộc sống, vì nhiếp ảnh muốn thành công cần phải có sự trải nghiệm.

Anh còn dự định sẽ gây thêm bất ngờ gì nữa sau hai triển lãm ảnh, ra mắt sách vừa diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội? Anh có thể chia sẻ vài điều về gia đình và cuộc sống riêng của mình?

Ba tôi năm nay đã 94 tuổi và các anh chị em chính là động lực cũng như điểm tựa cho tôi trong suốt những năm qua. May mắn chính là thể thao đã đem lại cho tôi sức khỏe dẻo dai, là điều kiện rất tốt để tôi có thể theo đuổi những mục tiêu trong nghề nghiệp. Tôi học ở nghề báo sự nhanh nhạy, chính xác và quyết đoán. Còn nhiếp ảnh đến thời điểm này đối với tôi như một giấc mơ, tôi nhận được rất nhiều từ bao nhiêu câu chuyện đẹp trong cuộc sống để yêu người, yêu đời và đó cũng là giá trị sống cốt lõi trong con người của tôi.

Dự định trong công việc sắp tới, tôi vẫn tiếp tục sáng tác về biển đảo Việt Nam, những tác phẩm tôn vinh người phụ nữ và ảnh các di sản tuyệt vời của đất nước mình. Vì làm nghệ thuật, phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ nên tôi tạm gác những thú vui để “chiến đấu” với bộ ảnh vòng quanh châu Á nhiều năm qua vẫn còn dang dở. Cuộc đời tôi luôn mong làm được những điều mình thích và cũng rất thích những thứ mình đã làm...


Báo Thanh Niên
04.10.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.