Ngôi sao nhạc rap ‘bùng nổ’ ở Đông Nam Á

Huệ Bình
Huệ Bình
05/12/2020 06:00 GMT+7

“Cú bật” của rap, hip-hop tại thị trường Đông Nam Á thời gian qua đang thu hút sự chú ý của các hãng ghi âm quốc tế danh tiếng.

Kể từ giai đoạn đầu vào những năm 1970 ở New York, từ một hiện tượng độc đáo của Mỹ, rap, hip-hop phát triển thành một loại hình nghệ thuật toàn cầu hóa. Từ nhóm hip-hop Higher Brothers (Trung Quốc) cho đến Bad Bunny - nam rapper người Puerto Rico, nghệ sĩ trên khắp thế giới đang tạo ra những phong cách rap bản địa hóa, dựa trên nền văn hóa của họ. Người hâm mộ khắp nơi đón nhận thể loại này, ngay cả khi không có chung ngôn ngữ. Jin Hackman, người sáng lập lễ hội hip-hop mang tên Raising The Bar ở Malaysia, khẳng định với đài BBC: “Chúng ta đang ở thời điểm mà ngôn ngữ không còn là rào cản. Hãy nhìn vào Higher Brothers, họ trở thành cái tên toàn cầu dù sử dụng tiếng lóng địa phương mà thậm chí nhiều người Trung Quốc còn không hiểu”.
Giữa dòng chảy âm nhạc thế giới, Đông Nam Á nhanh chóng nổi lên như một “điểm nóng” của rap và hip-hop. Là nơi có dân số trẻ, đa chủng tộc và đa ngôn ngữ, Đông Nam Á đã phát triển ổn định một cộng đồng hip-hop bản địa và thu hút sự chú ý của thế giới. Trực thuộc “ông lớn” Universal Music Group, hãng thu âm danh tiếng của Mỹ - Def Jam Recordings nhắm vào thị trường hip-hop Đông Nam Á từ năm ngoái. Cho đến nay, hãng Def Jam Recordings đã có hơn 20 nghệ sĩ đến từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines (6 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á). Yo! MTV Raps, một chương trình truyền hình đình đám phát sóng ở Mỹ và châu Âu từ những năm 1990, cũng đã ra mắt phiên bản châu Á vào năm 2019, với mùa đầu tiên quy tụ những rapper hàng đầu đến từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc
Ca sĩ Joe Flizzow - người thường tổ chức các buổi biểu diễn để các ca sĩ, rapper có thể giao lưu với nhau ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), cho biết: “Chúng tôi hy vọng mỗi rapper trở thành cái tên quen thuộc trong lòng người nghe nhạc”.

Rapper đa ngôn ngữ

BBC nhắc đến nam rapper Yung Raja (Singapore), người có khả năng truyền tải những câu hát đầy chất thơ bằng cả tiếng Tamil và tiếng Anh, chinh phục được người hâm mộ trong cộng đồng người Ấn Độ toàn cầu và trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên hợp tác với hãng đĩa Mỹ Alamo Records. Đối với Yung Raja, Tamil là ngôn ngữ “giàu hình ảnh và chứa đầy sự thông thái”, giúp là việc sáng tác các lời nhạc rất thú vị. Bằng cách nâng tầm nhạc rap tiếng Tamil từ thế giới ngầm (underground), Raja và những người đi trước như ca sĩ Yogi B, đang thu hút sự chú ý của nhiều người Malaysia.

Rapper Yung Raja (trái) có thành công nhất định khi hát bằng tiếng Tamil và tiếng Anh. Rapper Zamaera hát bằng 4 thứ tiếng, trong đó có tiếng Mã Lai và tiếng Anh

Ảnh: BBC

Nhiều rapper Đông Nam Á thông thạo nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là ở các quốc gia như Malaysia và Singapore, nơi mọi người sử dụng nhiều thứ tiếng như Mã Lai, Quan Thoại, Tamil và tiếng Anh. “Nói với ai đó bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, có nghĩa là chạm đến trái tim và tâm hồn của họ. Theo tôi, đó là điều mà âm nhạc phải làm”, rapper người Malaysia Zamaera (25 tuổi) chia sẻ khi từng kết hợp 4 ngôn ngữ trong một ca khúc. Hầu hết các ca khúc của Zamaera đều bằng tiếng Mã Lai và tiếng Anh, nói nhiều đến nỗ lực của phụ nữ trong ngành công nghiệp phụ hệ, giải quyết các vấn đề như trao quyền cho phụ nữ và bất bình đẳng giới. Zamaera bày tỏ với BBC: “Tôi muốn nói với phụ nữ Malaysia rằng luôn phải đứng lên vì chính mình. Chúng tôi không thể mãi im lặng và chúng tôi luôn cần có nhau”.
Vì mỗi thị trường âm nhạc ở châu Á hoạt động theo xu hướng riêng, không có cách tiếp cận kiểu “một phù hợp với tất cả” khi nói đến thành công về thương mại. Để nhạc rap, hip-hop Đông Nam Á vươn ra toàn cầu, các chuyên gia nghĩ rằng cần có nhiều sự phối hợp hơn từ các nhà phân phối ở nước ngoài. Jin Hackman – người tổ chức lễ hội Raising The Bar (Malaysia), lưu ý sự hợp tác giữa các rapper đến từ các quốc gia trong khu vực cũng có thể mở rộng phạm vi quảng bá. Cho đến khi ngành công nghiệp âm nhạc có thể phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục dồn sức vào việc ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.