Ngôi đền Ấn Độ đầu tiên ở Sài Gòn

21/06/2006 23:27 GMT+7

Đó là ngôi đền lâu đời nhất của người Ấn Độ trên đất Sài Gòn, được xây vào thế kỷ 19 và hiện tọa lạc số 98 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM.

Đền còn được gọi là Chùa Ông, nay do ông Ramassamy đứng đầu coi quản. Đền thờ vị thần có quyền lực siêu phàm trong hệ thống các thần của người Ấn Độ là Subramaniam Swami vốn có quan hệ mật thiết với thần Shiva (thần hủy diệt). Trong đền, ngoài hình tượng các thần khác như Vishnu (thần bảo hộ) còn có bộ linga và yoni nhỏ.

Chính sự hiện diện của bộ linga và yoni này đã gây nhiều ngạc nhiên đối với các bạn trẻ khi đến tham quan đền. Không ít bạn đặt câu hỏi tại sao lại có mặt bộ linga và yoni ở ngôi đền thờ các vị thần thiêng liêng của Ấn Độ? Chúng có ý nghĩa gì ? Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải thích, mà có lẽ dựa trên tài liệu của giáo sư Lê Xuân Khoa người ta sẽ tự tìm ra câu trả lời thích đáng cho mình. Theo đó, tuy thần Shiva là thần hủy diệt, nhưng chính do hủy diệt mới xuất hiện sự sống mới; vì vậy với tư cách là nguyên lý của sáng tạo, Shiva còn được xem là vị thần gieo rắc mầm sống và phúc lành. Với quyền năng thứ hai đó, Shiva đã đón đầu con rắn thần Vâsuki khi rắn này trườn xuống muốn nhả độc tiêu diệt hết thế gian, rồi Shiva nuốt chửng rắn, trừ tai họa cho loài người. Mặt khác, giáo sư Lê Xuân Khoa dẫn các pho sách xưa của Ấn Độ chép rằng: "Khi Shiva và vợ là Shakti giao hợp, tia lửa lạc thú xuất hiện và vũ trụ phát sinh từ tình yêu ấy. Và Ngài (Shiva) tự phân làm hai nửa, một âm và một dương, âm dương giao hòa, tạo thành vũ trụ". Vì thế có môn phái thờ thần Shiva lưỡng tính dưới hình ảnh linga đặt trên yoni. Phải chăng sự hiện diện của chúng trong đền thờ Ấn Độ nói trên cũng mang ý nghĩa đó?

G.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.