Lòng tự tôn qua quốc hiệu

26/02/2019 07:08 GMT+7

32 tài liệu mộc bản triều Nguyễn cho thấy lòng tự tôn dân tộc thể hiện qua quốc hiệu VN các thời kỳ.

“Sau khi lấy được nước Văn Lang, Thục Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đắp thành ở Việt Thường rộng cả ngàn trượng. Thành ấy được xây đắp theo kiểu vòng tròn như hình con ốc, cho nên được gọi là Loa Thành (nay ở về địa phận xã Cổ Loa, H.Đông Ngạn)”, mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập viết. Đó là một trong hàng chục câu chuyện về quốc hiệu được kể trong trưng bày Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới, diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ 25.2 - 25.3. Ban tổ chức cũng trưng bày 20 bản gốc mộc bản triều Nguyễn.
Tại đây, công chúng có thể được đọc về nguồn gốc, ý nghĩa quốc hiệu cũng như kinh đô xưa qua mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục. Chúng ta có quốc hiệu Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê, Đại Việt thời Lý - Trần - Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mạng. “Các bậc đế vương nhiều lần thay đổi quốc hiệu cho phù hợp tình hình đất nước. Đặc biệt, nó còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc”, ban tổ chức triển lãm đánh giá.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, cho biết trong số các quốc hiệu này, quốc hiệu được sử dụng nhiều nhất là Đại Việt. Quốc hiệu này được sử dụng từ 1254 cho tới khi chính thức được vua Gia Long đổi lại thành quốc hiệu Việt Nam. “Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đã định hình danh xưng Đại Cồ Việt, nghĩa là nước Việt rất lớn. Sau tới thời Lý, lúc đầu Lý Thái Tổ vẫn giữ tên Đại Cồ Việt, nhưng tới Lý Thánh Tông đặt lại là Đại Việt. Lúc đó, phía bắc đang là Đại Tống, thì nước mình xưng là Đại Việt. Vì các nước khác xung quanh Trung Quốc có thể thần phục, xưng là nước chư hầu nhưng mình vẫn xưng đế. Tên quốc gia là Đại Việt để sánh với Đại Tống, sau này là Đại Minh, Đại Thanh. Các vị đế vương luôn cố giữ để nước mình có chữ Việt và chữ đằng trước là Đại để ngang với phương Bắc”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, vua Gia Long đổi tên là Việt Nam năm 1804, sau đó, năm 1838 vua Minh Mạng đổi tên là Đại Nam. “Quốc hiệu Đại Nam là vẫn theo tư duy đó. Bên kia vẫn là Đại Thanh thì mình vẫn phải có chữ Đại. Quốc hiệu Đại Nam sử dụng nhiều nhất trong triều Nguyễn”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, tới những năm cuối của triều Nguyễn, danh xưng Việt Nam lần nữa nổi lên, được sử dụng nhiều. Chẳng hạn, Việt Nam quang phục hội của Phan Bội Châu. Các phong trào yêu nước cũng tự mình gọi mình là Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.