Họa mi và nhánh hồng - Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Chờ mãi mới tới rằm để đi chợ, trước khi ra khỏi nhà, Mía còn hứa sẽ mua cho mẹ một bó hồng trắng để thắp hương.

Xe chạy quanh co trên đường làng, gió mát rượi, thỉnh thoảng Mía lại nghiêng sang soi mình trong gương và tủm tỉm cười. Thằng con trai nhát cáy, lúc nào cũng mặc bộ quần áo công nhân bạc màu, mồ hôi khai mù, mái tóc cứng như rễ tre hôm nay khác quá. Khác đến nỗi, bà Thiết phải tròn mắt nhìn Mía giống như một cái cây phủ đầy bụi vừa qua một cơn mưa rào.
Đến từ khi mới họp chợ cho tới xế chiều vãn người Mía mới đi ra mà chẳng mua được gì, Mía quên hết mọi sự trên đời, quên cả lời hứa phải mua hoa. Lòng cứ thắc mắc, sao hôm nay ngày rằm mà không thấy người ta đi bán hoa, hoa những ngày này đắt hàng lắm, hay là không có hoa để bán, hay là người ta bị ốm, hay là… Những câu hỏi nối đuôi nhau chạy vòng vòng trong đầu, khiến anh bức bối. Khắp chợ những hàng hoa nối nhau, hoa hồng nhung đỏ rực, hoa mẫu đơn, hoa ly và đủ thứ hoa trên đời nhưng không hàng nào có hoa đẹp bằng hoa của đứa con gái ấy bán. Đứa con gái ấy thường chỉ bán hoa vào ngày rằm, đứng khiêm nhường một góc sâu trong chợ. Hàng hoa chỉ có duy nhất loại hoa hồng bạch, trắng muốt và còn đọng hơi sương. Nhìn những bông hoa là biết người chăm nó phải chắt chiu cẩn trọng lắm. Đứa con gái có đôi mắt buồn như hai giọt nước.
Đứa con gái ấy hôm nay không đến chợ. Làm Mía đứng đợi từ sáng tới buổi chiều. Điều gì ấy lạ lùng nảy nở trong lòng Mía, vừa thất vọng, vừa buồn, vừa giận.
Thì ra là như vậy, thương một người thì cái cảm giác nó như vậy, chợ đông đúc là thế mà thiếu một người trong mắt mình chợ cũng thành hoang vắng. Mía lụi cụi dắt xe ra khỏi khu chợ ồn ào phía sau lưng.
***
Cánh cổng sắt đóng im lìm chốt khóa bên trong, hoen gỉ biệt lập với màu xanh của vườn cây và màu trắng nhức nhối của những bông hồng bạch trong vườn nhà. Na đang cho họa mi ăn, đưa ngón tay để đón những cái rỉa mềm mại, cô thấy lòng mình dịu xuống khi những tiếng hót cất lên. Hôm nay là kỳ hẹn thu tiền thuê vườn bưởi, bố bảo Na phải ở nhà thay bố. Đấy là số tiền duy nhất để nuôi sống hai bố con. Chỉ một lát nữa thôi người thuê vườn sẽ mang tiền đến.
Nếu sáng nay bố không bảo ở nhà thì Na đã gặp được Mía, không biết giờ này anh đã về chưa. Na khẽ thở dài. Ngồi đếm thời gian dần đổ sang chiều sẫm. Nhìn lên những vòm cây, trời vẫn xanh ngăn ngắt. Chỉ mấy hôm nữa là đến hội làng, bây giờ người ta đang tập trống thùng thình ở ngoài bãi, có cả tiếng hát nữa. Trong này Na chỉ ngồi nghe. Mơ màng đến nỗi ngồi ôm gối ngủ lúc nào chẳng hay, thậm chí có tiếng gọi ngoài cổng ba bốn lần vẫn không biết. Bố phải rung chuông Na mới chợt giật mình.
Mía đứng đợi ngoài cánh cửa. Mắt Mía sâu thẳm mà buồn phảng phất. Na chỉ dám thì thào.
- Sao anh lại đến đây, nhỡ bố em biết…
Mía nửa giận nửa thương.
- Sao hôm nay Na không đến chợ?
- Bố không cho đi.
Mía thò tay vào ô cửa nhỏ siết lấy bàn tay Na. Cái siết tay nói rằng rất nhớ, nhớ đến điên người, chỉ muốn đạp cho cánh cổng này sập xuống để được nhìn thấy nhau.
- Ngày kia hội làng Diễn, anh sẽ lên.
Cánh cửa đóng lại. Mía đứng tần ngần một lúc, ngước nhìn cánh cổng sắt cao sừng sững rồi quay đi. Bên trong này, Na chạy vội vào nhà mà tim đập thình thịch, tưởng chừng như nếu có người đứng kế bên lúc này cũng có thể nghe thấy. Cô mỉm cười vu vơ.
- Ai ngoài ấy thế?
Na giật mình quay lại, hốt hoảng khi thấy ông Ngũ đứng trước cửa, đôi mắt nghiêm khắc nhìn xoáy vào Na.
- Người ta đến mua hoa.
Ông Ngũ ngắt một nhánh hồng.
- Đàn ông hay đàn bà?
Na vội vàng cúi xuống để tránh đi ánh nhìn.
- Đàn bà.
Ông Ngũ không nói không rằng, đi về phía căn nhà cổ. Bố sẽ tin, vì từ trước đến nay cô chưa bao giờ có bạn. Cũng chưa một lần làm trái lời bố, Na hứa sẽ sống ở góc vườn này cùng với những cây hồng bạch. Nhưng tại sao chiều nay Na nhìn cái gì cũng đẹp, cũng có sức sống. Cả những tiếng trống tiếng hát xa tít ngoài đình kia cũng thúc giục cũng tươi mới chờ đợi, cô khe khẽ hát một bài hát khi tưới những luống hồng. Cô không biết trên nhà, ông Ngũ vẫn chăm chú nhìn đứa con gái và nhận ra nó đẹp rưng rức hơn cả những bông hồng trắng trong vườn. Có điều gì đó khiến nó tươi vui đến vậy? Nụ cười và tiếng hát thầm thì của nó làm ruột gan ông thắt lại, đau như có người xát muối vào vết thương chưa kịp lành.
Tối muộn, bố rung chuông bảo Na chuẩn bị trải chiếu ra sân, mâm cơm phải có rượu. Trăng sáng vằng vặc, không cần phải châm đèn. Lâu lắm hai bố con không ăn cùng bữa, Na biết nếu lúc này chỉ cần cô ngẩng mặt lên sẽ khiến bố buồn.
Ông Ngũ thủng thẳng uống hết chén này đến chén khác, tuyệt nhiên không động đũa. Ngửa cổ để trăng rơi vào rượu và nốc cạn. Bao năm nay bóng tối trong căn phòng không làm mắt ông mù đi, mà ngược lại ông vẫn nhìn thấy rất rõ trong đôi mắt mình đứa con gái ngồi đối diện như tạc hình tạc bóng người vợ.
- Cứ về ngủ trước đi. Mặc tao.
Na đứng dậy quay về căn nhà gỗ. Nhưng cô không ngủ được, đứng trong bóng tối nhìn ra thấy dáng người đàn ông ngập dưới trăng, lẻ loi đơn độc.
Rồi hội đình cũng đến và hội đình đã vãn, thế mà gần chiều Mía mới ra, miệng cười tươi dù Mía biết Na đang giận lắm. Đợi đến sụm cả chân xuống rồi mà giờ mới ra. Đáng lẽ Mía phải biết Na khó khăn thế nào thì mới trốn được ra đây chứ. Thế mà chỉ cần một cái nắm tay thôi, là Na quên hết mọi chuyện bực dọc. Na sẵn sàng ngả đầu vào bờ vai của Mía để được ngửi cái mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc. Mía mải mê kể những chuyện vui, nào là chuyện tháng này Mía được tăng lương, Mía sẽ để dành một khoản chuẩn bị lo đám cưới... và đủ các chuyện khác.
Nhưng Mía chẳng để ý thấy Na nén tiếng thở dài.
- Rồi chuyện của bọn mình sẽ đi tới đâu?
Mía đưa tay ngăn không cho người yêu nói tiếp. Phải tin vào tương lai chứ, mình còn trẻ, mình phải quyết định tương lai của mình. Bao giờ nói đến chuyện này cũng thành cãi nhau, và Na bao giờ cũng khóc, khóc đến mức lòng Mía nhũn ra và siết lấy bàn tay nhỏ của Na. Na cứ như không phải sinh ra thời này vậy. Na sợ đủ mọi thứ trên đời. Sợ ông bố lẩm cẩm, sợ cánh cổng sắt uy nghi, sợ cả những viển vông mơ mộng không rõ hình thù. Còn Mía thì thực tế, quả quyết và cứng rắn. Mía đã quyết cái gì là làm cho bằng được. Không muốn sống phụ thuộc vào ai. Và Mía đã quyết cả đời này sẽ là cái cây để cho Na dựa vào.
- Đi, về nhà với anh, để mẹ được gặp em. Chắc mẹ mừng lắm.
Na rụt tay lại. Mía cười.
- Mẹ thương anh lắm, rồi mẹ cũng sẽ thương em.
Đúng như những gì Mía nói, mẹ anh hiền lắm. Mẹ chu đáo hỏi han, thỉnh thoảng lại nhìn sâu vào mắt Na. Từ nhỏ Na đã không có mẹ, nên cái cảm giác này lạ lắm, vừa được che chở vừa được yên bình. Na muốn ở lại ăn cơm tối cùng mẹ nhưng sợ bố mong nên đành phải ra về. Lúc chia tay, Mía hôn lên trán bảo mẹ thương Na lắm, bà nói Na là người nhân hậu.
Cả đêm ấy không ngủ được, nước mắt chảy nghiêng ướt đẫm gối. Na không thể hiểu tại sao bố lại cấm Na bước ra cánh cổng kia. Tại sao không được gặp mọi người. Na như con chim trong lồng. Đến chết cũng không gặp được người mình yêu. Tình yêu vừa chớm mà như bông hồng trong vườn chóng vội tàn. Na không có quyền. Na cũng không dám có quyền. Mía bảo mình phải sống cho mình chứ, cứ thế này mãi được à. Na chỉ biết khóc.
Ông Ngũ ngồi im trong bóng tối, ngồi so vai lại bất động suốt đêm dài. Một nỗi sợ hãi hoang mang lấn chiếm. Ông sợ khi thoát ra khỏi cánh cổng kia, đứa con gái của ông sẽ biết được sự thật. Người ta sẽ nói đến tai nó. Những quá khứ mà ông đã cố vùi lấp bao nhiêu năm nay. Thà để nó căm ghét ông, để nó coi ông là người cha ác, còn hơn biết sự thật đau lòng ấy. Phải thế thôi. Ông phải ác.
***
Từ ngày Mía mang đứa con gái ấy về chơi, bà Thiết đã hơi ngờ ngợ. Cho đến hôm nay thì bà dám chắc, nó chính là đứa con gái nhà ấy. Bà cố vun vén nhờ người mối lái Mía cho đứa khác thì Mía càng vùng lên. Thấy con buồn nên bà không nỡ. Nói ra có được gì đâu. Ruột gan bà cũng đau dầm đau dề đấy thôi. Tưởng là chuyện cũ sẽ mang theo xuống mồ rồi nhưng không phải vậy. Bà không bao giờ để mất hạnh phúc cuối cùng của mình nữa. Mía là tất cả những gì bà còn lại, nó quý hơn mạng sống của bà. Thế mà giờ nhìn nó buồn bã suy sụp vì đứa con gái ấy, bà đau lòng biết bao.
Hai ngày Mía bỏ việc. Đêm nào cũng uống rượu như đêm nay, như Mía uống rượu để giết mình. Nửa đêm, Mía vùng dậy dắt xe ra khỏi nhà. Mẹ không kịp gọi. Mía lao băng băng trên đường làng. Gió làm mắt cay sè, tai ù đi. Mía đứng trước cánh cổng cao vút nhà mà gọi tên Na. Mía sẽ cho giời biết, đất biết, và người cha của Na biết Mía yêu Na và sẽ lấy Na. Chẳng ai ngăn được cả. Nếu không mở cửa, Mía sẽ lao vào, có phải quỳ dưới chân người đàn ông kia cũng được.
Những con họa mi nhảy lồng loạn xạ, hai bố con ông Ngũ đi ra. Ông Ngũ cầm theo cái đèn pin. Còn Na sợ hãi run lên trong giọng nói.
- Sao anh lại tới đây?
Đến đúng lúc lắm, thằng con trai khốn nạn cho con gái ông ăn bùa mê thuốc lú. Để nó dám vùng dậy phản ông, để nó muốn đi ra khỏi cánh cửa kia. Ông sẽ dùng cây gậy này để đánh què cẳng, dùng chiếc đèn pin này để soi xem đầu ngang mũi dọc của nó ra sao. Thế nhưng chưa kịp mắng chửi, đánh thằng con trai mất dạy kia một cái nào thì chiếc đèn trên tay ông đã rơi xuống đất. Loạng choạng. Ông lập tức lao vào nhà đóng kín cửa. Hình như ông đang mơ.
Na khóc.
- Sao Mía lại tìm đến đây. Làm khổ Na như thế này. Muốn Na chết hay sao.
Na quay lưng lại nén tiếng khóc. Khi Mía lủi thủi đi ra. Tiếng xe máy loãng vào đêm rồi lặng ngắt. Na đổ rạp xuống sân.
Sáng hôm sau, ông Ngũ đi từ sớm. Không dặn con gái câu gì, chỉ thấy mắt ông trũng sâu như cả đêm mất ngủ. Đi đến quá trưa mới về, đi thẳng vào giường Na. Lúc này đứa con gái đang rũ như tàu lá chuối phơi sương.
- Đừng gặp thằng con trai ấy nữa.
Na nấc lên.
- Chúng con thương nhau.
- Đàn ông trên đời này còn nhiều lắm, mày có thể yêu bất kỳ ai nhưng mày không thể yêu nó. Trừ khi tao chết đi.
Nói rồi ông Ngũ đờ đẫn đi lên nhà, không ăn không ngủ chỉ lầm rầm hai từ “oan nghiệt”. Ông đem gắn tất cả những mảnh sành chai lên tường thành và rào kín các góc ngách. Na bị nhốt bên trong nhà, bên ngoài buộc mấy lần dây. Na không khóc, không còn nước mắt nữa để khóc. Chỉ thấy mình đang chết dần đi, từng giây từng phút. Na thương thân mình và thương những con họa mi trong lồng đang cất tiếng hót héo hon.
Chiều muộn, bà Thiết tìm đến nhà. Hai người nhìn nhau không nói câu nào. Ông Ngũ cũng không mời vào nhà mà đứng tiếp ngay tại sân. Ông nhìn chăm chú người đàn bà ấy và phỏng đoán, cuộc sống của bà ấy những năm vừa qua chẳng khác gì ông. Nét võ vàng, đau đớn giấu trong đôi mắt, chỉ có ông mới hiểu được. Bà Thiết đến để cầu xin ông bỏ qua mọi chuyện, và đừng bắt bọn trẻ phải khổ. Dù sao cũng là duyên số, cấm không được đâu. Ông Ngũ nhìn sâu vào mắt người đàn bà hỏi một câu chua xót. Bà quên được ư? Bà không còn hận à? Bà Thiết thở dài. Có chứ, nhưng rút cuộc để làm gì? Ân oán đời chúng ta qua rồi, còn muốn gieo rắc cho lũ nhỏ sao? Tôi còn đau đớn hơn ông gấp nghìn lần. Nhưng chúng tôi là phụ nữ, lòng thương nhiều hơn thù hận. Tôi thương thằng Mía, vì nó tôi có phải quỳ trước mặt ông tôi cũng làm.
Nói rồi bà Thiết quỳ xuống, nước mắt rưng rưng. Bà đứng lên đi. Tôi còn sống thì chúng nó dứt khoát không được lấy nhau.
Người đàn bà về rồi, ông thấy mình suy sụp, ngồi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lại, những tiếng bước chân loẹt quẹt đi ngang qua. Ông đưa tay bịt kín tai nhưng nó càng dội vào óc. Ông lao ra khỏi nhà, vừa đi vừa chạy.
Ông Ngũ bước vô hồn như có người dắt lối ra phía đường tàu. Những âm thanh xình xịch và tiếng cười vang lên. Mắt ông hoa đi khi nhìn đường tàu trải đầy máu. Máu lan dần đến chân ông, nếu không bước mau máu sẽ tràn đến.
- Điên à. Muốn chết hay sao.
Cánh tay ông bị giựt mạnh xô người ngã nhào. Những tiếng quát mắng bực bội của người xung quanh. Ông thấy mình choáng váng. Chỉ một chút nữa thôi thì ông đã nát thân dưới bánh tàu rồi. Ảo ảnh biến mất, chỉ còn ông và cảm giác ê chề. Ông lững thững đi về con đường vắng.
Đến nhà, cửa mở toang, ông chạy xuống căn nhà gỗ. Những lần dây bị cắt đứt. Lũ chim họa mi cũng sổ lồng bay đi từ lúc nào. Đứa con gái đã bỏ ông mà đi. Ông Ngũ gào lên gọi Na.
***
Na về nhà khi hay tin bố ốm nặng. Cánh cổng vẫn khép kín, bố nằm trong một góc giường nửa sáng nửa tối. Thân hình người đàn ông héo hon dưới lớp chăn mỏng. Mắt Na nhòa nước. Chưa bao giờ Na thấy thương bố đến vậy. Cả cuộc đời bố sống trong dằn vặt đau đớn mà Na không hề biết.
Ông Ngũ đưa tay ra hiệu cho đứa con gái lại gần. Na siết lấy bàn tay ông. Một giọt nước mắt tràn ra trên đôi mắt đang dần mất tinh.
- Ta biết mình sắp đi xa. Ta không muốn người ngoài kể cho con câu chuyện này với những điều thêm đặt. Con đừng hận ta đã ác với con, đã ngăn cấm con bước ra khỏi cánh cửa này.
Hai mươi năm trước, ta và một người bạn thân khai phá vùng đất để trồng vườn bưởi đầu tiên nơi đất Diễn. Ta và người ấy thân nhau như ruột thịt, thời gian làm vườn, sáng tối người ấy đều ở nhà ta vì dưới làng Canh lên xa lắm. Thân đến mức không một chút hồ nghi, không xét nét những cái nhìn đầy ngụ ý. Ta khoác túi lên vai đi tìm mối bán. Người anh em ấy cùng với mẹ con ở nhà chăm vườn bưởi chờ ngày ta về. Nhưng nào ngờ đâu, khi ta hồ hởi quay trở lại, chính trong khu đất hoang có mồ hôi nước mắt của ta, những cây bưởi xanh rờn ấy đang đâm hoa kết quả thì ta thấy mẹ con và người đàn ông ấy phải lòng nhau. Ta đứng như cô hồn với con dao sáng loáng. Tiếng còi tàu réo gọi và tiếng ta gầm gào khát máu. Họ cầm tay nhau băng qua đường tàu. Nhưng không kịp. Con tàu đã thay ta rửa hận. Ta hận cuộc đời này. Nếu như không nghe thấy tiếng khóc của con cất lên…
Đứa con trai mà con thương yêu chính là con trai của người đàn ông ấy, với người vợ hồi đó phải ở làng Canh một mình. Ta không thể phủ nhận rằng, nhìn vào mắt nó ta biết nó thật lòng với con. Khi ta chết đi rồi, con có quyền quyết định cuộc đời mình. Ta chỉ xin con hãy chôn ta cùng với những bông hồng trắng. Nó sẽ rửa mọi tội lỗi và thù hận của ta ở kiếp này.
Cái siết tay lỏng dần, hơi thở của bố mỏng tang tan thành khói bay lên trời. Na khóc và đi ra vườn nơi những bông hồng bạch vẫn đang rung rinh trong gió, màu trắng muốt không rơi rớt bụi trần. Mía đã mở rộng cánh cửa và đi về phía cô, chậm rãi và bao dung, đứng thẳng như một thân cây để Na có thể dựa vào. Dưới nắng ấm, nước mắt Na tan ra thấm vào ngực áo Mía.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.