Gợi ý cho cổ trang trong phim sử Việt

22/10/2020 08:31 GMT+7

Mạng xã hội vẫn chưa hết bàn tán về cổ trang của bộ phim Đường tới thành Thăng Long vừa công chiếu. Đặc biệt là chiếc mũ của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (952 - 1000) trong phim này cùng với phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ rất được khán giả quan tâm, và hai kiểu mũ ở hai phim được đem ra so sánh và đòi đối chiếu với tư liệu lịch sử...

Với tư cách là người có nghiên cứu về mũ miện, tôi có vài gợi ý như sau:
Phải nói đây là các thời kỳ lịch sử mà người phục dựng cổ trang gặp vô cùng khó khăn, bởi hiện vật khảo cổ học và tư liệu liên quan đến trang phục ở các thời kỳ này rất ít ỏi.
Về hiện vật khảo cổ liên quan đến trang phục ở nước ta, duy chỉ có ở triều Nguyễn là phong phú, tiếp đến là một ít về thời chúa Nguyễn và triều Lê, còn triều Lý - Trần thì chỉ có vài đầu tượng đất nung, triều Tiền Lê và Đinh thì hầu như là không có.
Gợi ý cho cổ trang trong phim sử Việt

Miện Tế Giao của triều Nguyễn

Về sử liệu đề cập đến trang phục ở nước ta, thì cũng chỉ có triều Nguyễn là đầy đủ, tiếp đến là triều Lê, còn lại các triều trước đó thì quá là thiếu khuyết, do nhiều nguyên nhân, như bị tàn phá hủy hoại trong chiến tranh, cũng như các biến động về lịch sử. Có lẽ vì vậy mà ngay ở thời học giả Phan Huy Chú, ông cũng thừa nhận chỉ biết được thời Lê Thái Tông chế ra mũ miện, còn ở các triều đại trước quy chế mũ áo như thế nào thì không thể khảo cứu được. Nhưng ông cũng nêu ra một số vấn đề về quy chế phẩm phục ở các đời trước, như thời vua Lê Ngọa Triều (1005 - 1009) đổi phẩm phục của các quan văn võ nhất nhất theo lối chế của nhà Tống.
Thế nhưng với chứng cứ tư liệu lịch sử thời vua Lê Ngọa Triều nêu trên, chúng ta không thể bê nguyên xi của nhà Tống vào rồi bảo đấy là ở thời Tiền Lê, bởi bằng chứng như chúng ta đã biết một số mũ miện của triều Nguyễn (mũ Cửu Long Thông Thiên và miện Tế Giao) được phỏng theo lối của nhà Minh (mũ Xung Thiên và Bình Thiên), nhưng thực tế đã cho thấy kiểu dáng cũng giống nhưng không phải là 100%, còn trang sức và trang trí thì mang đặc trưng của triều Nguyễn, và nhìn chung là khác với nhà Minh. Vì vậy, về mũ miện ở thời vua Lê Ngọa Triều, theo cá nhân tôi như sau: Tuy nhất nhất theo lối chế của nhà Tống, nhưng khi thực hiện cũng chỉ là dựa vào sách của nhà Tống với bản vẽ mang tính ước lệ về kiểu dáng (giống như các bản vẽ trang phục ở trong sách Tam tài đồ hội của nhà Minh mà chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho chế những kiểu áo mũ được vẽ sẵn trong sách này). Còn hoa văn trang trí thì chắc chắn triều đình vua Lê Ngọa Triều sẽ sử dụng hoa văn sẵn có của mình thời bấy giờ.
Gợi ý cho cổ trang trong phim sử Việt

Mũ Cửu Long Thông Thiên của triều Nguyễn

Ảnh: Vũ Kim Lộc

Như vậy, mặc dầu triều đại của vua Lê Ngọa Triều tuy chỉ có bốn năm rồi chuyển qua êm đẹp về nhà Lý, nhưng đây có lẽ là tiền đề cho phẩm phục của nhà Lý và tiếp theo là nhà Trần. Còn các triều vua trước triều vua Lê Ngọa Triều của nhà Tiền Lê và Đinh, có lẽ phẩm phục cũng ảnh hưởng kiểu dáng của nhà Đường - Trung Hoa, nhưng hoa văn và trang trí có lẽ cũng là bản sắc riêng của từng thời.
Với chứng cứ lịch sử và lập luận trên, chúng ta có thể phục dựng cổ trang tương đối sát với sử. Riêng về hoa văn của thời Đinh và Tiền Lê, nếu khảo cổ học phát hiện chưa được đầy đủ thì có thể dùng hoa văn của thời Lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.