Đạo diễn Nguyên Đạt bán nhà làm cải lương thể nghiệm

Hoàng Kim
Hoàng Kim
20/07/2020 18:28 GMT+7

Đạo diễn Nguyên Đạt hiện là Trưởng khoa Kịch hát dân tộc (cải lương) của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM và là Giám đốc Sân khấu Sen Việt, đã cho ra mắt một số vở cải lương mang tính thể nghiệm gây ấn tượng.

Đạo diễn Nguyên Đạt đã tiết lộ những dự án hấp dẫn dành cho sân khấu cải lương.
- Vở cải lương thể nghiệm Nhật thực của anh trong năm 2019 đã gây tiếng vang rất lớn, giờ vẫn còn công diễn hay là…cất kho?
Đạo diễn Nguyên Đạt: Thật may mắn là chúng tôi có cơ hội diễn khá thường xuyên nhờ các đơn vị hỗ trợ mua vé, đặc biệt đã có 15 suất từ đây đến cuối năm được các doanh nghiệp mua để diễn tại các tỉnh, thành như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Tôi vui vì cải lương trở lại đúng quê hương miền Tây Nam bộ nơi nó sinh ra, và càng vui vì không ngờ khán giả miền Tây lại chấp nhận thể nghiệm, chấp nhận cái mới, trong khi mọi người vẫn nghĩ cải lương xưa gắn chặt với họ. Hóa ra cuộc sống luôn luôn đi tới, nghệ sĩ lẫn khán giả đều muốn tìm tòi cái gì đó mới lạ. Mình cố gắng tìm ra đáp án cho cái mới lạ này, thì cải lương có hy vọng phát triển.
- Thật ngạc nhiên. Không hiểu các “ông bầu” miền Tây khi “mua dàn” của anh họ bán vé cách nào cho cải lương thể nghiệm, chứ các đoàn cải lương đình đám khi xuống các tỉnh cũng trầy trật bán vé.
Họ là người từng xem vở này, hoặc đọc báo, nghe ngóng dư luận, rồi tin tưởng. Khi tổ chức sự kiện họ liền nhớ tới và mời chúng tôi. Các doanh nghiệp này cũng chịu chơi, cũng thích cái mới và tôi cảm ơn họ vì điều đó, coi như tôi có bạn đồng hành trên con đường thể nghiệm chông gai, cùng tiếp sức cho nhau.
- Anh biết con đường thể nghiệm là chông gai mà cứ đi mãi, đi gần 20 năm rồi, cứ thích dựng cải lương theo kiểu đó, đến mức bán nhà, bán đất mà làm không hề hối tiếc. Người ta nói anh cũng có… máu điên.
Trời ơi, bạn bè nói thẳng vô mặt tôi là “mày điên”, “mày khùng”, nhưng tôi nghe trong đó có cả những cảm thông và âu yếm. Làm nghệ thuật thường người ta hay có máu “khùng”, nhất là đi tìm cái mới thì càng “khùng”. Khi thành công rồi thì vui mừng bù đắp lại. Nhưng “khùng” mà phải tỉnh, chứ không phải làm bậy làm bạ rồi cứ trương cái bảng “thể nghiệm” ra cho oai. Khán giả họ không có khùng theo mình đâu, họ xem vở và rất tỉnh, xét nét từng chút. Họ chấp nhận, nghĩa là mình… không có “khùng”. Chơi chữ cho vui vậy thôi, chứ mình phải tỉnh để biết rằng bỏ vô đó bạc tỉ, làm tốn sức anh em, thì tác phẩm phải có một giá trị nhất định.
                                               Vở Nhật thực của đạo diễn Nguyên Đạt 
                                                                          ẢNH: H.K
- Vở thể nghiệm của anh thường có vẻ gọn nhẹ?
Tùy vở thôi. Như vở Tổ quốc nơi cuối con đường tập hợp đông diễn viên, nhiều cảnh trí. Còn vở Nhật thực tôi chỉ cần mang theo hai cái trống, vài tấm màn sáo là đủ cho NSƯT Trung Thảo diễn rồi, có khi Trung Thảo bước xuống tận hàng ghế khán giả mà diễn, cực kỳ tương tác, khán giả rất thích. Tôi cũng không cần “ngôi sao”, quan trọng là nội dung và thủ pháp dàn dựng.
- Nghe nói sắp tới anh lại ra mắt một vở thể nghiệm nữa?
Vâng, tháng 8 sẽ phúc khảo vở Trời Nam, chuyển thể từ kịch bản của soạn giả Lê Duy Hạnh. Nếu Nhật thực chỉ có một nam diễn viên trên sân khấu, thì Trời Nam cũng chỉ có nữ diễn viên duy nhất. Tôi mê kịch bản của Lê Duy Hạnh, ông viết theo kiểu thể nghiệm và có nhiều tầng nghĩa, xem rất thấm.
- Còn một sân khấu thể nghiệm cho cải lương thì sao?
Tháng 8 tôi sẽ ký hợp đồng với một sân khấu nhỏ khoảng 200 ghế, để Sen Việt có điểm diễn ổn định, không thể đi “lang thang” mãi được. Khán giả cũng có nơi để về xem ổn định, có nơi để đặt trái tim đồng cảm với chúng tôi. Người yêu cải lương còn nhiều, chúng tôi cố gắng tập hợp lại với nhau trong một không gian ấm cúng. Có điểm diễn mini như vậy thì giá vé sẽ rất mềm, từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/vé thôi, để tôi chinh phục lớp trẻ như sinh viên, học sinh, vì lớp trẻ dễ chấp nhận thể nghiệm. Chứ mỗi lần diễn mà thuê sân khấu lớn thì chi phí cao, giá vé phải cao theo, mình không kham nổi. Tôi đã chuẩn bị kịch mục khá đầy đủ để khán giả thay đổi “thực đơn”.
- Nhưng anh cũng biết, có một điểm diễn cố định cũng đồng nghĩa mình phải “nuôi” nó dài dài, gánh nặng cũng không ít.
Tôi chấp nhận, còn hơn đi lang thang. Nhưng tôi sẽ khai thác sân khấu đó theo nhiều hướng, chẳng hạn cho thuê để hội họp, tổ chức sự kiện nhỏ, dạy học… Tôi không lo. Giờ tôi phải cải tạo, sửa sang lại nơi đó cho đẹp mắt, tốn khoảng 2-3 tỉ đồng, thì phải nghĩ ra cách cho nó đẻ ra tiền bù lại chứ.
- Người ta cứ thắc mắc sao anh có bạc tỉ để bỏ vào sân khấu, thậm chí có lời đồn rất ác ý…
Nói thiệt là tôi chạy sô như điên. Ngoài giờ dạy học, công tác đoàn thể ở trường, tôi được mời đi dựng lễ hội hoặc sự kiện khá nhiều, dựng khắp các tỉnh, nhờ số tiền đó mà tôi đủ sức nuôi giấc mơ sân khấu của mình. Mối quan hệ của tôi và các doanh nghiệp cũng tốt, và hầu như nhiều người cũng biết tôi đam mê thể nghiệm, nên họ có chuyện gì thì nhớ tới tôi, giúp tôi hoạt động. Mình sống thế nào cũng đâu thể nói hết cho thiên hạ biết, thì họ thắc mắc, đồn đãi là bình thường.
- Anh nghĩ sao khi trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh tuyển sinh khoa cải lương càng ít đi? Và anh có nghĩ sẽ mở “lò” đào tạo ngay chính nơi sân khấu anh sắp ra mắt? Một kiểu đào tạo giống như các “lò” kịch nói của NSND Hồng Vân, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi… hiện nay khá là hiệu quả, vì rút ngắn thời gian học, đi ngay vào chuyên môn không học lòng vòng các môn phụ như ở trường chính quy.
Thực sự khoa cải lương tuyển sinh không được nhiều vì bản thân tôi là trưởng khoa cũng không muốn dễ dãi. Thà tuyển chất lượng một chút còn hơn tuyển dễ dãi rồi dạy vất vả, mà sau này các em ra trường không làm nghề được thì phí công các em học mấy năm trời. Còn “lò” đào tạo cải lương như kiểu kịch nói, tôi sẽ tiến hành ngay sau khi có sân khấu. Hiện nay rất nhiều người thích học vì đam mê, chẳng hạn một ông bác sĩ, một chị tiểu thương, họ muốn học thẳng vô nghề để được múa hát cho đời thêm vui. Hoặc các em trẻ không đủ thời gian và tiền bạc theo đuổi hệ chính quy, thì em sẽ học tại “lò”, rất thuận tiện. Thậm chí tôi chẳng đòi các em có bằng tốt nghiệp lớp 12 như quy định của trường, mà em nào cứ có năng khiếu là tôi mừng lắm, thu nhận ngay. Tôi thích tìm tòi trong dân gian những tài năng như thế để đem về đào tạo. Cả đời tôi đam mê dạy học và tôi sẽ cho học trò mình có cơ hội thực tập tại sân khấu của mình. Tiện cả đôi bề.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.