Vì dân chính là vì mình

12/10/2020 21:00 GMT+7

Người dân mong được thấy, cần được tiếp xúc với gương mặt thân thiện của người công chức, của cả quan chức, dù đó là quan chức cấp huyện hay cấp tỉnh.

Khi tôi nói câu này, một số người bán tín bán nghi. Vì dân, điều này thì ai cũng biết, quan chức cũng như dân thường đều biết. Nhưng từ biết đến làm là cả một khoảng cách rất xa. Còn nói : “ Vì dân là vì mình” thì có những người không tin, cho đó là câu nói mang màu sắc tuyên truyền.
Thật ra, khi rất nhiều điều không tốt vẫn được người ta tuyên truyền trên mạng internet hàng ngày, nói dẹp nhưng đâu có dẹp được, thì tuyên truyền cho điều tốt đẹp là việc đáng làm, dù rất khó khăn.
Tôi có anh bạn. Anh này thường rất ít nghe tuyên truyền, nhưng lại cặm cụi làm việc tốt, làm nhiều điều tốt. Anh nói với tôi: “ Nếu chỉ nghĩ làm việc tốt là có lợi cho xã hội cho cộng đồng thì còn chung chung quá. Nhưng nếu nghĩ làm việc việc tốt là có lợi cho chính mình, thì người ta dễ tham gia làm việc tốt nhiều hơn.” Câu nói ấy rất chí lý. Nhưng tại sao như vậy ?
Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp họp. Trong nhiều điều có từ báo cáo chính trị đọc trước đại hội, chắc chắn có điều các cơ quan Đảng và chính quyền phải tìm những cách thức cụ thể và phù hợp nhất để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, phải rút ngắn khoảng cách giữa các cơ quan công quyền và người dân, phải khiến người dân hài lòng khi có việc phải cậy cơ quan công quyền giải quyết.
Và để thực hiện tốt nhiệm vụ không phải quá khó khăn nhưng cũng không hề dễ dàng đó, người dân mong được thấy, cần được tiếp xúc với gương mặt thân thiện của người công chức, của cả quan chức, dù đó là quan chức cấp huyện hay cấp tỉnh.
Có được gương mặt thân thiện khi tiếp xúc với dân không phải điều quá khó, và chính trong “việc nhỏ” này, khẩu hiệu (slogan) “Vì dân chính là vì mình” hiện lên rất rõ. Vì muốn làm điều tốt cho dân, thì gương mặt anh/chị phải trung thực và thân thiện. Có được thái độ hay những cử chỉ gần dân đó, quan chức hay công chức sẽ nhận được thiện cảm từ người dân, và mọi chuyện dù rắc rối vẫn có hướng giải quyết hợp tình hợp lý. Khi người dân tin vào chính quyền, tin rằng chính quyền công bằng đối với mình, ấy là khi những người thay mặt chính quyền nhận được những “điểm tốt” mà người dân chấm cho mình. Dân bây giờ là dân thời @, dân thời mạng xã hội, thời 4.0, nên mỗi hành vi hành động tốt của cơ quan công quyền, của những người trong bộ máy nhà nước sẽ lập tức được đánh giá tốt trên mạng xã hội. Không cần phải lo sợ hay tìm cách đối phó với mạng xã hội, mà chỉ cần mình làm việc tốt, mình là người tốt, mình sẽ nhận được rất nhiều lời khen, nhiều thiện cảm của dân, mình sẽ nhận được một năng lượng rất lớn trong khi làm việc.
Tôi rất ấn tượng với bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, người vừa được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Trong suốt hai nhiệm kỳ làm bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, con đường ông Hoan thường xuyên đi, kể cả đi bằng xe máy, là con đường đến với bà con nông dân. Chính vì Bí thư tỉnh ủy coi việc làm sao cho dân mình khá giả lên, giàu lên là công việc chính của mình, mà nông dân Đồng Tháp đã lập được những kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp tổng hợp( không chỉ là trồng cây lúa) và thành lập được những “Hội quán” giúp nhau làm ăn, bàn công chuyện nhà nông, giúp cho mọi thành viên có vốn và có kỹ thuật nông nghiệp, có những kỹ năng sản xuất những mặt hàng khó như hoa kiểng, mang lại lợi nhuận rất cao so với trồng lúa.
Nếu chúng ta hỏi ông Lê Minh Hoan: ông được gì khi làm nhiều việc tốt cho dân như vậy, thì câu trả lời có thể là: làm những việc có lợi cho dân, thì chính bản thân tôi cũng có lợi mà.
Đúng như vậy. Và cái lợi lớn nhất, thấy được ngay, như một câu nói đã nổi tiếng từ hồi còn chiến tranh, là “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Một khi dân đã thương mình, thì rất dễ làm việc, và nhiều thành công sẽ đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.