Ứng xử thế nào với 'ổ dịch' Bạch Mai?

02/04/2020 16:24 GMT+7

Đến giờ tôi vẫn không chắc mình nên gọi là “ổ dịch” Bạch Mai hay “ổ dịch” Trường Sinh cho chính xác. Cơ quan chức năng và Bộ Y tế thì muốn báo chí và dư luận gọi là “ổ dịch” Trường Sinh, thay cho Bạch Mai.

Quả thật với 40 ca bệnh liên quan Bệnh viện Bạch Mai, trong đó, có 27 nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp suất ăn trong bệnh viện Bạch Mai) dương tính virus SASR-CoV-2 (gây dịch Covid-19), thì Trường Sinh xứng đáng là một ổ dịch - một ổ dịch lớn nhất Việt Nam từ trước tới giờ.
Nhưng ổ dịch đó xuất hiện trong Bệnh viện Bạch Mai, một cơ sở chữa bệnh quan trọng nhất của cả nước, một bệnh viện tuyến cuối với 1.900 giường bệnh, hơn 3.500 bệnh nhân nặng điều trị mỗi ngày, thì đó mới chính là đại họa, chứ không phải cái tên gọi.
Và chính thế, chúng ta cũng cần nhìn nhận rất sòng phẳng với chuyện này.
Ca bệnh đầu tiên được công bố ở Bạch Mai (2 nữ điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai) là ngày 20.3. Kể từ đó, Bạch Mai đã được cảnh báo về các biện pháp cách ly phòng dịch.
Nhưng cho đến khi xuất hiện 3 ca bệnh tiếp theo tại Khoa Cấp cứu thần kinh ngày 27.3, và liên tiếp là các ca xuất hiện từ khu vực nhà ăn Bệnh viện, người ta mới té ngửa ra rằng, Bệnh viện dường như đã chỉ làm việc tìm, ngăn nguồn từ trong bệnh viện (các nhân viên y tế), mà quên đi nguồn từ ngoài (Công ty Trường Sinh, người nhà bệnh nhân).
Trong khi thực tế, Trường Sinh có hợp đồng cung cấp suất ăn cho toàn bệnh viện, tại nhà ăn của Bệnh viện, nhẽ cũng cần phải được coi là “trong bệnh viện”, và phải được giám sát dịch tễ chặt chẽ kể từ ngày 20.3; thậm chí là phải sớm hơn nữa, theo các quy định về phòng dịch mà Bộ Y tế đã yêu cầu đối với các bệnh viện.
Điều làm cho mọi người lo lắng, chính là dịch Covid-19 đã có mặt và tấn công chính “pháo đài” chống dịch, đó là bệnh viện. Nhưng đáng mừng, từ câu chuyện Bạch Mai, chúng ta cũng được chứng kiến một thực tế rằng, khi chúng ta biết rõ nguyên nhân, khoanh vùng tốt, thì việc dập dịch “từ những đốm nhỏ” sẽ không phải là khẩu hiệu.
Vậy nên, quan trọng nhất trong phòng chống dịch không phải là đã cách ly được bao nhiêu người, mà chính là không được nói dối, không được giấu giếm.

Đối xử thế nào với các nhân viên y tế Bạch Mai?

Mấy ngày nay, xã hội và ngay cả giới chuyên môn tranh cãi nhiều về việc thực hiện cách ly đối với các nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện theo lệnh phong tỏa, Bệnh viện Bạch Mai đang duy trì điều trị cho hơn 800 bệnh nhân nặng và hơn 500 ca chạy thận (không lưu trú) với 2.000 nhân viên y tế cách ly tập trung tại bệnh viện.
Trả lời báo Thanh Niên hôm qua, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng áp lực của họ không đến từ công tác điều trị (vì số bệnh nhân đã giảm từ hơn 3.500/hàng ngày xuống 800), mà do lệnh phong tỏa và cách ly tập trung, nên các nhân viên y tế không được đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt, về lâu dài không đủ sức khỏe cần thiết.
Hôm qua, 1.4, UBND TP. Hà Nội đã bố trí một khách sạn làm khu cách ly tập trung cho các nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, đó là một quyết định hợp lý. Nhưng tôi cũng nhất trí với GS Tuấn cho rằng, cần phải xem xét lại đối tượng cách ly là các nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài 2.000 người sẽ được chuyển cách ly tại khách sạn, thì hơn 1.000 nhân viên y tế còn lại đang cách ly tại gia đình. Và do lệnh cách ly mỗi nơi thực hiện một khác, nên có nơi, chính quyền sở tại cho họ ra khỏi nhà để đến bệnh viện làm việc khi có yêu cầu (và sẽ cách ly tập trung sau khi hết ca), nhưng có nơi lại nhất định không cho các y, bác sĩ rời nhà.
Tôi nhất trí cho rằng, chúng ta đừng vì lo lắng mà chuyển tâm lý kỳ thị đối với đối tượng rất đặc biệt là các nhân viên y tế.
Thứ nhất, họ có chuyên môn không chỉ trong chữa bệnh mà cả trong phòng bệnh. Thực tế chứng minh, tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang được coi là ổ dịch, hay tất cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước trong suốt thời gian gần 3 tháng vừa qua, họ luôn ở tuyến đầu chống dịch bệnh nhưng họ chưa là nguồn lây cho bất kỳ ca bệnh dịch nào.
Thứ 2, đối với nhóm y, bác sĩ, bao gồm cả giáo sư, tiến sĩ bị cách ly từ khi có ca nhiễm Covid-19 ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, họ đã cách ly đủ 14 ngày và đã xét nghiệm theo qui định. Nay, theo Quyết định của UBND TP Hà Nội thì họ lại tiếp tục cách ly thêm 28 ngày nữa - điều này có phần vô lý. Quá trình cách ly họ không tiếp xúc với dịch bệnh, đã xét nghiệm đủ 3 lần âm tính - họ không thể là nguồn nguy hiểm để lây nhiễm.

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng khẳng định không có nhân viên y tế, y bác sĩ nào của bệnh viện nào nhiễm Covid-19

Ảnh chụp qua màn hình

Người có bệnh đã chữa khỏi, xét nghiệm âm tính nhiều lần; người tiếp xúc gần với người bệnh đã cách ly đủ 14 ngày đều được về với cộng đồng. Tại sao nhóm nhân viên y tế này sau cách ly lại không thể, trong khi kiến thức về phòng chống bệnh của họ cao hơn rất rất nhiều?
Chúng ta lên án sự dối trá, che giấu dịch bệnh, trốn tránh cách ly, lơ là phòng chống dịch, nhưng chúng ta cũng không quá lo sợ, đến mức kỳ thị.
Giữa tâm dịch, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, các cán bộ y tế, đặc biệt là các cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai, nơi có chuyên môn cao bậc nhất của Việt Nam về khám chữa bệnh liên quan đến virus, họ chắc chắn là những chiến sĩ áo trắng ưu tú nhất khi trao cho họ cơ hội. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.