Sinh kế sau bão lũ: Thôi 'đánh cược' thời tiết

Đình Toàn
Đình Toàn
27/11/2020 06:04 GMT+7

Nước mắt người trồng cao su ở khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên-Huế, lại thêm một lần tuôn rơi sau những trận bão dữ càn quét . Nông dân đang tận thu bán gỗ, củi và tính lại bài toán sinh kế bền vững hơn.

Huyện miền núi Nam Đông ở phía tây nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, bắt đầu được người dân đưa cao su về trồng từ những năm đầu 1990. Nhiều năm sau đó, Nam Đông nhanh chóng trở thành thủ phủ “vàng trắng” xứ Huế và hiện vẫn có diện tích cao su lớn nhất toàn tỉnh, với gần 2.500 ha. Chiếm phần lớn trong số diện tích này đang khai thác mủ, trong đó bão số 9 hồi cuối tháng 10 đã làm hơn 400 ha cao su gãy đổ nặng, trong đó xã Hương Lộc (98 ha) gãy đổ 100%.
Riêng xã Phong Mỹ (H.Phong Điền) được xem là trọng điểm cao su thứ 2 của Thừa Thiên-Huế với khoảng 1.500 ha, nhưng một nửa trong số đó cũng gãy đổ sau bão số 5 hồi giữa tháng 9.2020. Cây cao su hiện diện ở vùng bán sơn địa này trải khắp 11/11 thôn bản, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Khe Mạ.

Những cánh rừng cao su bạt ngàn ở H.Nam Đông đang thành… củi

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

“Vàng” thành củi

Ông Đỗ Trinh Thiện (thôn 1, xã Hương Lộc, H.Nam Đông) không muốn nhắc lại câu chuyện về một thời huy hoàng của cây cao su ngay trên khu rừng gãy đổ tan tác sau bão. Mất cả chục năm gầy dựng, khu rừng cao su bạt ngàn của ông Thiện là nguồn sống của gia đình khi cho thu nhập 300.000 - 400.000 đồng tiền khai thác mủ mỗi ngày. Nhưng nay, những cánh rừng cao su phải chặt trơ trụi để cưa lấy gỗ bán giá rẻ. Ông Thiện bấm đốt ngón tay, nói trong nước mắt: “Hết rồi! Công sức bao năm qua mà nay 1.200 cây (tương đương với 2 ha) bán chỉ được có 52 triệu đồng. Sắp tới tôi phải chuyển sang trồng cây keo, nếu bão vào thiệt hại cũng sẽ ít hơn chứ bám theo cây cao su bây giờ là đổ nợ. Nhưng trồng keo thì cũng mất 5 - 6 năm mới bán được, vốn liếng cây giống cũng khó khăn nữa”.

Hướng đến phát triển bền vững cây ăn quả

Cho đến nay, tại Thừa Thiên-Huế nói riêng và vùng bắc miền Trung nói chung, câu hỏi “có nên trồng cây cao su hay không” vẫn cứ lửng lơ suốt bao năm qua.
“Người ta bảo từ vĩ tuyến 16 trở ra là không nên trồng cao su do vùng này nhiều bão, nhưng đấy là nói chuyện với nhau chứ chẳng có văn bản chính thức nào”, một cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp ở Thừa Thiên-Huế chia sẻ. Vị này cũng cho hay toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa có quy hoạch nào phát triển cây cao su, đến nay cũng chỉ có quy hoạch cây cao su ở H.A Lưới trong đề án chung về “đa dạng hóa nông nghiệp” năm 1997. Sau khi tỉnh phê duyệt đề án này, gặp thời điểm cao su rớt giá nên cây cao su ở huyện miền núi A Lưới chưa phát triển như ở Nam Đông, Phong Điền.
Ông Hồ Vang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng khẳng định nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có cao su trồng mới, hoặc trồng mới với diện tích không đáng kể. “Sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành đề án về cây ăn quả, trong quỹ đất để phát triển bền vững cây ăn quả của tỉnh có quỹ đất cây cao su bị gãy đổ do bão. Với những diện tích cao su đã hết thời kỳ khai thác, cũng có thể để chuyển sang trồng cây ăn quả. Nếu đề xuất này được ghi nhận thì sẽ thể hiện trong đề án Phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 tới đây mà Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế hợp tác với Học viện Nông nghiệp VN nghiên cứu, tư vấn”, ông Vang nói.
Cùng cảnh ngộ với người dân xã Hương Lộc, những vạt cao su ở các xã Hương Phú, Hương Xuân, Thượng Nhật… ở huyện miền núi Nam Đông cũng bị đổ la liệt sau bão số 9 vừa qua. Trong số đó, Hương Phú là xã có diện tích cao su lớn nhất và thiệt hại cây cao su nhiều nhất huyện, với 300/600 ha cao su gãy đổ. Ông Nguyễn Văn Thông (thôn Phú Nam, xã Hương Phú) bùi ngùi kể: “Gia đình có 1 ha cao su và 1 ha keo lai gãy đổ. Cao su trồng 10 năm, mới khai thác chỉ 3 năm qua thì gặp bão số 9. 1 ha nhưng chỉ còn được vài chục cây”. “Sau khi thanh lý cây gỗ, tui sẽ chuyển đổi cây trồng thôi chứ cứ lại gặp bão như ri thì ôm nợ. Mong là được nhà nước hỗ trợ vốn, giống để chuyển đổi chứ không thì khó khăn quá”, ông Thông bày tỏ thêm.
Ông Trần Bảo Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, tỏ ra lạc quan hơn so với lúc gặp chúng tôi thời điểm ngay sau cơn bão số 9. Ông Thắng “khoe” mái lợp trước của trụ sở xã cũng đã khắc phục sau khi bị bão số 9 bốc, thổi bay hàng chục mét. Bà con trong xã cũng đang bán tận thu gỗ cao su gãy đổ để vớt vát “chút đỉnh” với giá mỗi tấn thân nhỏ 450.000 đồng, loại thân (đường kính) lớn giá 1,1 triệu đồng/tấn. Có điều, khâu tận thu bán gỗ cao su cũng gặp khó khăn khi còn nhiều diện tích đường giao thông nội vùng không thuận lợi để khai thác, vận chuyển. “Chúng tôi tính toán khoảng một nửa diện tích cao su toàn xã hiện nay sẽ được bà con triển khai chuyển đổi sang cây ăn quả trong năm tới”, ông Thắng thông tin.
Đã nhiều ngày trôi qua, nước mắt người trồng cao su ở xã Phong Mỹ (H.Phong Điền) vẫn chưa thôi rơi. Ông Nguyễn Văn Quý (48 tuổi, ở xã Phong Mỹ) đã gần 2 tháng qua thấp thỏm trông thương lái vào được khu rừng ở Khe Mạ để mua gỗ cao su gãy đổ, nhưng vẫn chưa bán được do đường sá lầy lội, mưa lũ liên miên. Ông Quý có 6 ha, trong đó 2 ha gần như gãy đổ hoàn toàn sau bão số 5, một số ít bị bão số 13 quật tiếp. Rừng cao su là chỗ dựa sinh kế của vợ chồng và 3 người con, trong đó 1 người học đại học và 2 người học phổ thông. “Rồi mình sẽ trồng keo, kết hợp với cao su. Chứ trồng riêng mỗi loại thì không ổn nữa rồi!”, ông Quý lo lắng.

Cấp thiết bài toán chuyển đổi cây trồng

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết thêm sau bão số 5, người dân địa phương bắt đầu tận thu gỗ bán, nhưng vướng mắc về đường sá nên dự tính cả tháng nữa mới bán hết gỗ. Trong 700 ha bị thiệt hại, chỉ khắc phục khoảng 200 ha, còn 500 ha sẽ phải trồng cây gì để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tránh bão đang là bài toán khó. “Quan điểm của xã, với những diện tích hư hại nặng cần chuyển đổi diện tích cây trồng khác chứ phục hồi thì rất khó khăn. Chúng tôi đang tham khảo trồng cây mắc ca và bưởi da xanh. Riêng đối với diện tích cao su ở vùng xa sẽ chuyển đổi trồng cây gỗ lớn. Hiện chúng tôi cũng đang còn đợi ý kiến của huyện và sở ngành chức ngành của tỉnh”, ông Chung bộc bạch.
Cao su vốn là chủ lực trong sự phát triển kinh tế nhiều xã vùng miền núi, gò đồi ở Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên kể từ cơn bão số 6 (Xangsane) 2006 đến nay, nông dân đón nhận không ít kết quả bẽ bàng. Ngay tại huyện miền núi Nam Đông, người dân vẫn chưa thôi ám ảnh “chu kỳ 7 năm” lặp lại. Năm 2006, cây cao su tả tơi do gặp bão số 6. Năm 2013, những cánh rừng “vàng trắng” nơi đây cũng tơi bời với bão số 11. Năm 2020, đến lượt bão số 9 hoành hành. Riêng vào năm 2009, trận bão số 9 cũng đã càn quét Nam Đông khiến hơn 1.000 ha cao su bị gãy đổ, thiệt hại cao su lần ấy ước khoảng 150 tỉ đồng.
Có lẽ quá thua thiệt với “canh bạc” đánh cược với thời tiết, người dân ở Nam Đông cũng đang thuận theo sự vận động của chính quyền, chuyển dần diện tích cao su sang cây trồng khác. Ông Lê Thanh Hồ, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đông, cho biết tổng diện tích cây cao su tại Nam Đông hiện còn gần 2.500 ha, trong đó thiệt hại nặng do bão số 9 lên đến hơn 400 ha.
“Với những diện tích có tiềm năng trồng cam sẽ chuyển đổi sang trồng cam, những diện tích không phù hợp thì chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chuối, dứa để hạn chế những thiệt hại nếu có bão xảy ra. Đối với những diện tích không có điều kiện để trồng những loại cây đó, chúng tôi khuyến nghị bà con trồng keo”, ông Hồ nói.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.