Ông Lê Minh Trí: 'Không thể quy kết người ta tội phản quốc như vậy'

23/11/2020 18:37 GMT+7

'Sai ở đâu còn có pháp luật, mình không thể quy kết người ta tội phản quốc như vậy. Cách nói như thế là đang xúc phạm đến người khác”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói.

Chiều 23.11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 4 gồm: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt tiếp xúc cử tri 3 quận: 5, 10 và 11 sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, một vài cử tri nêu đích danh một số cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Đảng và chính quyền ở TP.HCM có hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị xử lý hình sự. Cũng có cử tri nêu về trường hợp cụ thể bản án tranh chấp của gia đình mình và đề nghị giám đốc thẩm.
Trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết các bản án khởi kiện dân sự và hình sự có 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Việc kháng nghị giám đốc thẩm theo luật định là trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Tuy nhiên, muốn kháng nghị thì phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể "chứ không thể ngồi ngay hội trường để kết luận sai hay đúng", và không phải bản án nào sau khi phúc thẩm cũng đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm được.
Do đó, tổ ĐBQH sẽ ghi nhận lại và chuyển đơn đến cấp có thẩm quyền, xem xét trả lời theo quy định.

Cử tri nêu ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ

Ảnh: Nguyên Vũ

Đối với ý kiến cử tri cho rằng một số cán bộ đương chức phạm tội và đề nghị xử lý hình sự, ông Trí cho biết pháp luật không để oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, tất cả mọi việc phải làm theo pháp luật, nếu không có chứng cứ thì không thể buộc tội.
“Anh không có quyền nói như vậy, sai ở đâu còn có pháp luật, có tổ chức quản lý, không thể quy kết người ta tội phản quốc như vậy. Cách nói như thế là đang xúc phạm đến người khác, thậm chí vu khống hoặc lợi dụng tuyên truyền dân chủ để xúc phạm người khác. Như vậy là không được đâu”, ông Lê Minh Trí phân tích và cho rằng tinh thần góp ý là cần thiết nhưng cũng phải tôn trọng người khác.

'Đặt mình ở hoàn cảnh của người khác'

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, các hành vi sai phạm pháp luật có nhiều cấp xử lý, nhiều hình thức xử lý như về mặt đảng, chính quyền, khắc phục hậu quả, khi hành vi nghiêm trọng thì mới xử lý hình sự, quá trình điều tra cũng phải cẩn trọng, đầy đủ chứng cứ mới truy tố, xét xử được.
“Tôi rất chia sẻ với bức xúc của cử tri nhưng khi chạm đến từng con người cụ thể, thì phải có căn cứ, hồ sơ, chứng cứ chứ không thể đứng ở hội trường hàng trăm người kết tội người ta. Như vậy là không công bằng”, ông Trí nêu quan điểm và đề nghị cử tri cẩn trọng trong phát ngôn.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị cử tri nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác khi phát biểu

Ảnh: Nguyên Vũ

Đồng quan điểm với đại biểu Lê Minh Trí, ông Nguyễn Văn Nên cho biết mọi người đang sống trong thời đại dân chủ ngày càng đầy đủ hơn. Dù vậy, quyền tự do dân chủ của mình đừng để ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ của người khác, bức xúc của mình không làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. “Mình cứ đặt ngược lại mình, khi ai đó nói về mình ở đâu đó mà chưa đủ cơ sở, chứng cứ thì liệu mình có chịu được không”, ông Nên dẫn chứng và đề nghị cần rút kinh nghiệm chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.