Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ

23/11/2020 15:04 GMT+7

Năm 1940, khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, với tinh thần và khí thế quyết liệt, giành được chính quyền ở nhiều nơi, đây cũng là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện.

Sáng 23.11, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23.11.1940 - 23.11.2020).
Đến dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách theo dõi Đảng bộ TP.HCM cùng các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ tiền khởi nghĩa, nhân sĩ, tri thức,…
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Cách đây tròn 80 năm, khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, với tinh thần và khí thế quyết liệt, giành được chính quyền ở nhiều nơi. Lần đầu tiên lá cờ đỏ xuất hiện ở nhiều cuộc biểu tình và ở những nơi chính quyền được thành lập. Khởi nghĩa Nam Kỳ là khởi nghĩa vũ trang, có phạm vi rộng lớn làm rung chuyển chính quyền đế quốc…

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đọc diễn văn ôn lại sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa.

Ảnh: Nguyên Vũ

Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công nhưng đã báo hiệu bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, nhân dân ta vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại nhiều kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, quần chúng góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa xuân năm 1975.
Ông Nguyễn Văn Nên đúc kết 5 bài học quý báu từ cuộc khởi nghĩa, bao gồm: cụ thể hóa đường lối lãnh đạo của Đảng phù hợp thực tiễn địa phương, chọn thời cơ khởi nghĩa; các điều kiện cần và đủ để khởi nghĩa, xây dựng và kiểm tra kế hoạch; xây dựng đội quân chủ lực, đánh giá đúng vai trò của từng lực lượng; giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, khơi dậy sự đồng tâm; sự khoa học giữa tiến công và thủ, dự trù các phương án, có kế hoạch rút lui, bảo toàn lực lượng.
Sau năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã phát huy sự năng động, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù, đẩy mạnh công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn hóa Hồ Chí Minh…

Ngôi sao 5 cánh trên quốc kỳ có ý nghĩa gì?

Sáng 22.11, TS Lê Văn Tý, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đã có bài tham luận với chủ đề Cờ đỏ sao vàng – Báu vật phương Nam tại hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy TP.HCM tổ chức nhân 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23.11.1940 – 23.11.2020), đồng thời chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cờ Tổ quốc tung bay trên đài quan sát của nhà giàn DK1/11 Tư Chính C

ẢNH: MAI THANH HẢI

Trình bày tham luận, TS Lê Văn Tý cho biết lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa xuất hiện lần đầu tiên trên cả nước trong cuộc khởi nghĩa tháng 11.1940 ở tỉnh Mỹ Tho.
Trước đó, vào tháng 3.1940, Xứ ủy Nam Kỳ trong lúc triển khai đề cương khởi nghĩa đã giao ông Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho nhiệm vụ thiết kế mẫu lá cờ cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Ông Phan Văn Khỏe đã trực tiếp giao nhiệm vụ này cho ông Lê Quang Sô, người phụ trách công tác Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ.
Lá cờ được yêu cầu thiết kế để đại diện cho rộng rãi các tầng lớp dân tộc. Theo ý kiến của ông Lê Quang Sô, nền đỏ của lá cờ được giữa lại từ cờ Đảng. Ngoài ra, trong lúc thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, ông Lê Quang Sô từng nghe kể về ước nguyện của Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: “Sau này nhà nước độc lập sẽ lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ”.
Lấy ý tưởng này, ông Lê Quang Sô cùng một người nữa là Hồ Tri Hạ mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp. Ngôi sao được dời đi dời lại khắp nơi trên lá cờ, cuối cùng chọn đặt ở vị trí giữa cờ. Đến tháng 4.1940, mẫu cờ nền đỏ sao vàng năm cánh ở giữa hoàn thành.
Tháng 7.1940, hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ ở xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho họp và quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ. Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu, chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam. Năm cánh tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, gồm 5 giai cấp sĩ, nông, công, thương, binh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.