Học viện Quân y tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
06/12/2020 08:22 GMT+7

Học viện Quân y đang hoàn tất về nhân lực và trang thiết bị cũng như các tiêu chí tuyển tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 ‘‘made in Việt Nam’’.

Theo Học viện Quân Y, đơn vị thử nghiệm lâm sàng của đơn vị này được trang bị đầy đủ về thiết bị xét nghiệm, có khu vực giường lưu cho người tình nguyện để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm; có tăng cường các y bác sĩ chuyên về cấp cứu để có thể xử trí ngay nếu có các phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin thử nghiệm. 
"Chúng tôi cũng xây dựng các tiêu chuẩn chặt chẽ để thông báo tuyển người tiêm tình nguyện, nguyên tắc đúng quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tối đa cho người tham gia,', một lãnh đạo của Học Viện quân y cho hay.
‘’Cũng như bất kỳ một thuốc nào khác, vắc xin có thể gây phản ứng không mong muốn. Đặc biệt, trong nước, vắc xin Covid-19 này chưa từng tiêm trên người nên chưa có dữ liệu. Theo thông tin quốc tế, bản chất của vắc xin này Covid-19 là ‘‘lành’’, vắc xin Covid-19 'madein in Việt Nam'' cũng đã được đánh giá trên động vật về an toàn, nhưng việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho thử nghiệm là rất cần thiết, đặc biệt với những mũi tiêm đầu, người được tiêm đầu tiên’’, một chuyên gia về thử nghiêm lâm sàng của Bộ Y tế đánh giá.

Vắc xin Covid-19 của Việt Nam sắp được tiêm thử nghiệm trên người

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn người tiêm là những người khỏe mạnh, không có bệnh nền. Đặc biệt, được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng (với thuốc, thực phẩm…) vì yếu tố cơ địa này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vắc xin. Những người có cơ địa dị ứng thì chắc chắc không nên tiêm. 
Ngoài ra, cũng cần lưu ý về việc đã từng sử dụng thuốc, hay tiêm vắc xin nào khác trước khi tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19. 
Theo Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 được thử nghiệm lần này do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển, đề xuất ban đầu của nhà sản xuất là tiêm cho 60 người tình nguyện, tuy nhiên, trước mắt, sẽ tiêm cho 20 người, độ tuổi 18 - 40.
Ngày 10.12 tới, Học viện Quân y sẽ tuyển chọn người tình nguyện tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Lãnh đạo của Học viện Quân y cho hay nhiều tháng qua vắc xin Covid-19 đã được Công ty Nanogen nghiên cứu tiềm lâm sàng (trên chuột, khỉ) cho kết quả an toàn và có đáp ứng miễn dịch. Lãnh đạo Học viện đã có các cuộc họp với lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Công ty Nanogen, các chuyên gia thẩm định, về công tác triển khai thử nghiệm, trên nguyên tắc đảm quản an toàn tối đa cho người tiêm tình nguyện.

Vắc xin Covid-19 được nghiên cứu sản xuất tại Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế. ẢNH NGỌC THẮNG

‘‘Để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, sau tiêm mũi 1 khoảng 2 tháng, giai đoạn 2 của tiêm thử nghiệm sẽ được triển khai’’ đại diện Cục Khoa học công nghệ Bộ Y tế cho biết.

Nỗ lực để Việt Nam sớm có vắc xin Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin,  đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Cùng với khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bắt tay vào thử nghiệm lâm sàng vắc xin do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vắc xin của các quốc gia này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thúc đẩy quá trình sản xuất vắc xin trong nước và đàm phán, thống nhất với các đơn vị sản xuất vắc xin từ nước ngoài, để Việt Nam sớm có được vắc xin Covid-19.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.