Chơ ro níu giữ hồn xưa: Tìm lại nguồn cội

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
14/08/2020 08:00 GMT+7

Dù nét sinh hoạt xưa của người Chơ Ro đã trôi xa, nhưng có những người con tuổi đã trung niên vẫn đau đáu tìm về cội nguồn dân tộc mình.

Họ tự tìm người may cho mình một bộ trang phục truyền thống; đi xin ở đâu đó một cái mâm đồng đặt đồ cúng, những cái ná đi săn thời xưa đã đứt dây rồi về chưng trong nhà; thậm chí tất tả chạy đi hỏi ba mẹ cách nấu cơm lam, canh bồi để ăn cho đỡ... nhớ.

Tự may trang phục đồng bào

Trong trí nhớ của mình, bà Hoàng Thị Hậu (47 tuổi, công tác tại Trung tâm văn hóa H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) hoàn toàn không thấy hình ảnh một bộ trang phục truyền thống nào, “mọi thứ của dân tộc mình tôi phải tìm hiểu lại từ đầu”, bà nói.
Vì quá khắc khoải cội nguồn, bà Hậu quyết tự tìm người may cho mình một bộ quần áo của dân tộc. Bà buồn bã: “Là người Chơ Ro nhưng khi tôi sinh ra, mọi thứ đã hòa vào nếp sống của người Kinh. Những lễ hội hay cái văn hóa hiện tại chỉ là tái hiện, ngay cả trang phục truyền thống tôi nhờ may chưa chắc đúng nguyên bản”.
Nói đoạn, bà đứng dậy vào phòng rồi lôi ra bộ trang phục truyền thống của người Chơ Ro mà bà tự tìm người may rồi nói: “Ở đây không có ai may nên tôi phải tự đo số đo rồi chuyển cho người quen may, để dành có dịp sẽ mặc. Khi nào có kinh phí, tôi sẽ đi các làng Chơ Ro ở Đông Nam bộ để tìm hiểu, nghiên cứu về phong tục tập quán dân gian xưa của đồng bào mình”.
Chơ ro níu giữ hồn xưa: Tìm lại nguồn cội2

Bà Hoàng Thị Hậu khoe bộ trang phục dân tộc nhờ người may

Một số người già trong ấp Vinh Thanh kể, theo truyền thống, nam giới Chơ Ro thường đóng khố (tiếng Chơ Ro: tronh), ở trần và nữ quấn váy (xipút), ngực để trần. Ngoài ra nữ cũng thường đeo trang sức như vòng cổ (kieng), vòng tay (nglao) được làm bằng đồng, bạc... Thời chiến, đồng bào phải chạy giặc trong rừng, không ai may vá gì nên đàn ông phải đập vỏ cây rừng làm khố, còn phụ nữ có tấm vải quấn ngang hông là quý lắm rồi. Sau đó, đồng bào tiếp thu trang phục hiện đại. Trang phục truyền thống chỉ mặc khi có dịp lễ hội ở nhà văn hóa hoặc khi đi thi, diễn.
Thầy Đào Quốc Trung (công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng tự trang bị cho mình một bộ trang phục và thường hay mặc nó, lội ra thác Xuân Sơn để... quay video ca hát. “Tôi thường nhờ người quay video lúc tôi mặc trang phục, hát mấy bài dân ca của dân tộc, tải lên mạng xã hội để mong phổ biến chút văn hóa cho dân tộc”, thầy nói. Thậm chí, thầy Trung còn xin một cây ná đã đứt dây và bộ mũi tên để trưng bày trong nhà, luôn tự nhắc mình là người dân tộc Chơ Ro.

Nhớ cơm lam, gà nướng, canh bồi...

Những người con Chơ Ro luôn “thèm” cái gì đó thuộc về dân tộc. Ngày chúng tôi đến Vinh Thanh, thầy Trung xách xe hái lá pà nhau để nấu canh bồi tiếp đãi.
“Xưa, mỗi lần làm rẫy, tôi hay nghe người ta kể về canh bồi nấu với lá pà nhau là ngon nhất (dù có thể thay bằng lá mướp hoặc bồ ngót). Nguyên liệu nấu canh bồi gồm gạo ngâm, gừng, thịt hoặc cá hầm, rau kèm như đọt mây, đu đủ hay củ cây đồng đình... Lá pà nhau bây giờ hiếm, hôm trước thấy nó mọc ở bờ rào gần trường, tôi mới hái một ít đem về. Canh bồi tôi có thể tự nấu nhưng nếu đãi cơm lam, chúng tôi ưa đặt hàng ở nhà anh Hiệp - tổ trưởng tổ 2 của ấp”, thầy Trung cho hay.
Chơ ro níu giữ hồn xưa: Tìm lại nguồn cội1

Lá pà nhau để nấu canh bồi

Anh Đào Văn Hiệp là “nghệ nhân nướng cơm lam” của ấp. Thấy tôi ngỏ ý muốn làm thử, anh liền dẫn đi chọn nứa. Chạy ra ấp Hoàng Giao (TT.Ngãi Giao), anh ghé nhà của một hộ dân rồi bảo tôi: “Nứa bây giờ không nhiều như trước, phải biết hộ nào có để hỏi mua. Nứa mọc quanh năm nhưng rộ lên từ tháng 10, thời điểm này làm cơm lam rất ngon. Phải chọn cây ra lá tầm gần gang tay. Cây chặt ra thấy đầu bị ám đen phải bỏ vì đã bị nước vào”.
Anh Hiệp giải thích sở dĩ người Chơ Ro xưa ăn kiểu này vì đi rẫy rừng lâu ngày, không có nồi niêu nên tận dụng cây tre, nứa để nướng cơm. Các ống cơm giữ được mấy ngày mà không bị thiu.
“Cơm lam thực chất nguyên liệu chính là nếp chứ không phải gạo. Bây giờ cơm lam hiện đại có nước cốt dừa, nước lá dứa, thêm gia vị và thường được ăn với gà nướng hoặc muối mè”, anh nói.
Công đoạn nướng cực không kém chọn nứa. Nướng từ đáy lên, đặt cây chếch từ góc 45 độ, nướng trở vàng đều rồi hạ dần cây xuống, phải lưu ý đừng để phía đầu chín trước hay vì áp suất mà phọt hơi. Cứ như thế tầm 40 phút là cơm chín.
Anh Hiệp cho biết: “Tôi nướng cơm 12 năm rồi. Có nhiều công ty du lịch ngỏ lời nhưng ngặt nỗi kiếm nứa, một tuần không có đủ 100 - 200 ống nứa cung ứng. Trừ khi địa phương có lộ trình phát triển du lịch, quy hoạch trồng cây thì mình mới dám tính tiếp”.
Ngoài cơm lam, canh bồi, còn có bánh dày, rượu cần... Nhưng nay chủ yếu người Chơ Ro làm các món vì hoài niệm. “Giữ được gì thì mình phải cố gắng, đặc biệt, nấu lại món canh bồi đãi bạn hôm nay là vì tôi muốn giới thiệu bản sắc của dân tộc Chơ Ro. Tôi cũng muốn hun đúc trong lòng con mình hương vị đồng bào, để chúng hiểu chúng cũng có một cội nguồn, một nét sinh hoạt đặc sắc”, thầy Trung bảo. (còn tiếp)
Già làng chờ tặng mâm đồng
Ông Đào Văn Giả (58 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh) được xem là “già làng” hiện đại, người có uy tín trong đồng bào, chuyên hỗ trợ người dân những vấn đề pháp lý và phản ánh nhu cầu của người dân với chính quyền địa phương. Ông tâm sự: “Tôi đang xin ý kiến các cấp xây một nhà văn hóa riêng cho đồng bào Chơ Ro ở ấp Vinh Thanh, dù bằng bê tông cũng thấy ấm lòng. Nay tôi còn cất giữ trong nhà một cái mâm đồng xưa chuyên dùng dâng đồ cúng lễ. Đợi khi nào xây được nhà văn hóa, tôi sẽ đem cái mâm này lên cho nhà văn hóa trưng bày”.
Tín ngưỡng của người Chơ Ro
Tín ngưỡng của người Chơ Ro

Cây vũ có gắn lục lạc, một dụng cụ không thể thiếu khi thầy Bóng “lên đồng”

Trước đây, người Chơ Ro có tín ngưỡng đa thần. Họ tin rằng thế giới của thần linh mới quyết định cuộc sống con người. Thầy Chang (gatung-daq) và thầy Bóng (si păm) đảm nhiệm việc cúng vái, chữa bệnh. Thầy Chang là người đọc lời “gọi thần”, thầy Bóng là người “nói chuyện” với thần linh. Khi thần linh nhập vào người, thầy Bóng nói bằng tiếng lạ, viết ra chữ lạ, cảnh báo mọi người nên làm gì để không bị xui xẻo, không phạm tới thần linh. Sau đó, tất cả cúi đầu chắp tay lại, thầy Bóng đặt hai tay lên đầu từng người, phun rượu vào và chúc điều tốt lành.
Ngày nay, người Chơ Ro hầu như không còn thầy Chang, thầy Bóng. Tín ngưỡng đa thần cũng được thay bằng các tôn giáo khác...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.