Tam Lang, một nhân cách thể thao lớn

03/06/2014 03:00 GMT+7

Tôi thật sự bàng hoàng khi được Báo Thanh Niên báo tin HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã ra đi vào sáng hôm qua (2.6) sau một cơn đột quỵ. Với tôi, ông là người thầy, người anh lớn đã dìu dắt, động viên và có nhiều lời khuyên bổ ích cho con đường bóng đá của chúng tôi.

Tôi thật sự bàng hoàng khi được Báo Thanh Niên báo tin HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã ra đi vào sáng hôm qua (2.6) sau một cơn đột quỵ. Với tôi, ông là người thầy, người anh lớn đã dìu dắt, động viên và có nhiều lời khuyên bổ ích cho con đường bóng đá của chúng tôi.

>> Cộng đồng mạng thương tiếc HLV Tam Lang
>> HLV Tam Lang vẫn đau đáu nỗi niềm bóng đá TP.HCM
>> Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang qua đời

 HLV Tam Lang và các học trò ở đội Cảng Sài Gòn - ẢNH: Bạch Dương
HLV Tam Lang và các học trò ở đội Cảng Sài Gòn - Ảnh: Bạch Dương

Từ khi còn nhỏ, Tam Lang đã là thần tượng của những cậu bé yêu bóng đá như tôi và biết bao đứa trẻ khác. Hình ảnh cao dong dỏng, luôn khoác lên mình một màu trắng tinh khôi, thủ vai trung vệ số 5 có tầm quan sát rộng và nhãn quan chiến thuật tốt, mang băng đội trưởng với cú xoạc bóng dũng mãnh có một không hai nổi tiếng thời đó nhưng không hề gây chấn thương, không hề để quần áo mình dơ bẩn của Tam Lang đã in sâu trong trí nhớ của những đứa trẻ chập chững đến với quả bóng.

Còn nhớ năm 1979, tôi đã phải xếp hàng rồng rắn tìm cho được tấm vé vào sân Thống Nhất để xem không hẳn là CLB Quân đội vào TP.HCM thi đấu với đội tiêu biểu Cảng Sài Gòn, mà chính là quan sát thần tượng Tam Lang của tôi tổ chức cản phá, ngăn chặn cặp “song sát” Cao Cường - Thế Anh thế nào.

Nói thế để thấy Tam Lang như là cầu thủ tiêu biểu, là hình ảnh lăn xả, là tấm gương sáng thi đấu hết mình, tự tin và đá đẹp rất được yêu mến của bóng đá Sài Gòn nói riêng và cả miền Nam khi đó. Sau này, khi anh làm HLV thì phong cách đó cũng theo đội Cảng Sài Gòn giữ mãi cho đến khi đội này không còn tồn tại.

Từ chỗ nhìn anh như người thầy, như thần tượng, khi trở thành HLV tôi may mắn được đào tạo chung với anh vào năm 1989 khi chuyên gia người Đức Klaus Ebbighausen sang Long An tổ chức khóa HLV cao cấp. Sau này tôi còn có vinh dự được làm trợ lý HLV chung với anh dưới thời HLV Colin Murphy, Alfred Riedl và Dido từ năm 1997 đến 2002.

Tôi học ở anh rất nhiều bởi anh tuy là con người hiền hậu, điềm đạm và rất chân thành, nhưng lại luôn cương quyết và có tính kỷ luật cao. Anh luôn gọi tôi ở chung phòng mỗi khi tập trung đội tuyển và luôn có những chỉ bảo, tâm sự rất cởi mở.

Làm việc chung với anh, tôi khâm phục anh nhìn vấn đề trước và trong trận đấu rất nhanh và nhạy, luôn tạo được sự phản biện với thầy ngoại chứ không hề thụ động. Anh cũng là người làm công tác tâm lý rất giỏi, như có lần Vũ Minh Hiếu kèn cựa vị trí với Hồng Sơn do cả 2 đều muốn chứng tỏ vai trò thủ lĩnh, anh Tam Lang đã gặp và giải thích cho Hiếu để cuối cùng mọi chuyện thông suốt.

Bên cạnh đó, anh luôn nói với tôi và các trợ lý khác rằng quyền lợi ở đội tuyển phải luôn đặt cầu thủ lên hàng đầu vì họ mới là những người có công mang vinh quang về cho đất nước, còn các HLV nếu có nhận chỉ là tượng trưng thôi, đừng để cầu thủ nghĩ rằng mình tranh công với họ.

Trong những lần rủ tôi đi bộ mỗi ngày khi ở tuyển, anh Tam Lang luôn có câu nói khiến tôi thấy ở anh toát lên nghị lực và nhân cách lớn: “Đạo đức là gốc của con người. Trong thể thao cần phải biết chấp nhận thiệt thòi và hy sinh chứ không nên tranh giành và đố kỵ nếu cái đó không phải là của mình. Vì ở đời rất công bằng, mất cái này nhưng sẽ được cái khác”.

Hồi đầu năm, nghe tin Hội Cựu cầu thủ TP.HCM tổ chức lễ mừng thọ cho anh, tôi tiếc là khi đó đang đi công tác không đến được, nhưng tôi đã gọi cho anh sau đó. Câu đầu tiên tôi hỏi: “Anh khỏe không, đi lại đỡ nhiều chưa?”, vì tôi biết anh bị bệnh thấp khớp, tim mạch hoành hành một thời gian dài khiến sức khỏe suy yếu.

Anh nói với giọng buồn buồn rằng: “Anh đang cố nhưng không biết cầm cự được bao lâu”. Khi đó tôi chỉ biết chúc cho anh vượt qua bệnh tật để tiếp tục thắp lửa truyền hơi ấm cho bóng đá VN. Mới tuần trước, các anh Nguyễn Sỹ Hiển, Mai Đức Chung, Dương Ngọc Hùng điện rủ tôi sắp tới sẽ vào TP.HCM cùng nhau ghé thăm anh. Vậy mà mọi chuyện chưa kịp diễn ra thì anh đã bỏ mọi người ra đi.

Chia tay anh Tam Lang, chia tay một nhân cách thể thao đáng quý, một cây cổ thụ của bóng đá VN. Tên tuổi, tấm gương và sự đóng góp của anh suốt gần nửa thể kỷ vừa qua mãi trường tồn và sẽ còn lưu danh hậu thế.

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sinh năm 1942, từng thi đấu cho đội AJS, đội tuyển miền Nam trước 1975. Năm 1966 Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng Hòa đã giành được Cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu Á".

Sau năm 1975 ông chơi cho Cảng Sài Gòn. Năm 1981 ông đi tu nghiệp tại Đức và sau khi về nước ông làm HLV cho Cảng Sài Gòn và giúp đội này giành 4 chức vô địch quốc gia vào các mùa bóng: 1986, 1993-1994, 1997, 2001- 2002 cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia 1992 và 2000, cho đến khi đội này chuyển giao cho Thép Miền Nam.

Ông từng làm trợ lý HLV đội tuyển VN từ năm 1997 đến 2002 dưới thời Colin Murphy, Riedl và Dido. Ông cùng với ông Lê Thế Thọ được đề cử danh hiệu cầu thủ vàng 50 năm của bóng đá VN. Ông được trao giải thưởng fair play của Báo Pháp Luật vì là tấm gương đạo đức thể thao chân chính và sự cống hiến.

Thi hài HLV Tam Lang được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố, 25 Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ tối 3.6 đến tối thứ năm 5.6, an táng tại Nghĩa trang Đa Phước sáng 6.6. (T.K)

Vũ Tiến Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.