Thành tựu mới hứa hẹn giúp nhân loại khám phá các 'siêu hành tinh' bí ẩn

25/11/2020 19:28 GMT+7

Các nhà thiên văn Hà Lan tuyên bố lần đầu tiên phát hiện một ngôi sao lùn nâu nhờ vào kính viễn vọng vô tuyến, mở ra hướng nghiên cứu mới đối với các "siêu hành tinh" bí ẩn mà trước nay chưa thể quan sát được.

Sao lùn nâu có kích thước đáng nể, gấp từ 15 đến 75 lần khối lượng của sao Mộc, và có khí quyển tương tự một số hành tinh của hệ mặt trời.
Chúng còn được gọi là “những ngôi sao thất bại”, vì tỏa ánh sáng quá mờ nhạt.
Các hành tinh sáng lấp lánh trên bầu trời đêm nhờ phản xạ ánh sáng, trong khi những ngôi sao tự tạo ra ánh sáng cho bản thân chúng. Dù kích thước cồng kềnh, các sao lùn nâu không đủ sức duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân chuyển hóa hydrogen thành helium, quy trình bắt buộc để sao có thể tự mình tỏa sáng.
Sao lùn nâu vừa tìm được, được liệt vào nhóm BDR J1750+3809 và có tên “Elegast”, là thiên thể hạ sao đầu tiên được phát hiện thông qua quan sát vô tuyến. Thông thường, những thiên thể dạng này chỉ được phát hiện nhờ vào các sứ mệnh khảo sát bầu trời bằng tia hồng ngoại.
Trong khi sao lùn nâu không diễn ra phản ứng nhiệt hạch, chúng vẫn phát sáng ở tần số vô tuyến, giống như trường hợp của sao Mộc.
Việc tìm ra sao “Elegast” thông qua các kính viễn vọng vô tuyến chứng tỏ giới thiên văn học giờ đây đã sở hữu năng lực phát hiện những thiên thể quá nguội và phát ánh sáng yếu ớt, vô phương xác định nếu dùng kính hồng ngoại.
Thành tựu mới mở ra cánh cửa cho phép nhân loại có thể truy tìm những siêu hành tinh thuộc nhóm khổng lồ khí, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters do nhóm chuyên của Viện Thiên văn Vô tuyến Hà Lan (ASTRON) thực hiện.
Bên cạnh đó, các nhà thiên văn còn có thể dùng biện pháp này để đo đạc từ trường của các hành tinh, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định được cấu trúc khí quyển và quá trình tiến hóa ở các thế giới xa lạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.