Nhân tố Thái Anh Văn và tham vọng 'thoát Trung'

30/08/2020 08:21 GMT+7

Mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục trở nên căng thẳng hơn từ khi bà Thái Anh Văn và đảng Dân tiến quay trở lại lãnh đạo vùng lãnh thổ.

Tình hình xuyên eo biển Đài Loan thời gian gần đây “căng như dây đàn” khi Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận và công khai chủ đích là nhắm vào Đài Loan. Đại lục gia tăng sức ép và tuyên bố không ngần ngại sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thúc đẩy mục tiêu “thoát Trung”.

Chủ trương xa cách đại lục

Sau lần tranh cử thất bại năm 2012, Chủ tịch đảng Dân tiến (DPP) Thái Anh Văn quay trở lại mạnh mẽ và giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2016 trước đối thủ Chu Lập Luân thuộc Quốc dân đảng (KMT), trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Đài Loan. Chiến thắng của bà Thái và DPP trong các cuộc bầu cử lãnh đạo và Viện Lập pháp cũng chấm dứt thời kỳ 8 năm cầm quyền của ông Mã Anh Cửu và KMT.
Đa số cử tri thời điểm đó không hài lòng với thành quả cầm quyền của ông Mã khi 2 chính sách trọng tâm là phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc đều không đưa lại kết quả mong đợi. Tuy quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan được cải thiện rõ rệt, nhưng dân chúng càng thêm lo ngại về lệ thuộc vào đại lục.
Trái lại, chính sách nhất quán của bà Thái từ khi đắc cử là cam kết đối thoại với Bắc Kinh nhưng bác bỏ nỗ lực của đại lục về việc thống nhất và đưa về mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như tại Hồng Kông, theo tờ South China Morning Post.
Sau khi bà Thái đắc cử năm 2016, chính quyền đại lục quyết định chấm dứt đối thoại với Đài Loan do bà Thái từ chối công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Trung Quốc cũng gia tăng sức ép ngoại giao lên Đài Loan khi thuyết phục được một số đồng minh còn lại của hòn đảo quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Tại buổi lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 hồi tháng 5, bà Thái tuyên bố mối quan hệ xuyên eo biển đã đến bước ngoặt lịch sử và hai bên cần tìm cách “cùng tồn tại” lâu dài. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” nhằm hạ thấp Đài Loan và gây tổn hại đến thực trạng xuyên eo biển”, Đài CNBC dẫn lời bà Thái.
Nhân tố Thái Anh Văn và tham vọng 'thoát Trung'1

Bà Thái Anh Văn lãnh đạo Đài Loan từ năm 2016

ẢNH: REUTERS

Ảnh hưởng từ Lý Đăng Huy

Nhắc tới lập trường về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc đại lục của bà Thái thì không thể bỏ qua những ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy, người vừa qua đời hồi cuối tháng 7.
Không như các lãnh đạo trước đó của KMT, ông Lý sinh ra tại Đài Loan và là người ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách độc lập của vùng lãnh thổ này. Hệ thống chính trị Đài Loan dưới thời ông Lý đã có nhiều thay đổi theo hướng dân chủ và tự do hơn. Các đảng phái được phép tham gia tranh cử ở mọi cấp, bao gồm bầu cử lãnh đạo.
Ông Lý là người dẫn dắt bà Thái từ những ngày đầu dấn thân vào chính trị. Với kiến thức sâu rộng về luật khi lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ và Anh, bà Thái đóng vai trò cố vấn pháp lý cho chính quyền ông Lý trong mối quan hệ với đại lục. Theo South China Morning Post, bà Thái cũng là một trong những người giúp soạn thảo đề xuất chính sách “nhà nước với nhà nước” của chính quyền ông Lý trong quan hệ với đại lục.
Tờ Nikkei Asian Review mô tả bà Thái và ông Lý có mối quan hệ khăng khít. Ông Lý đánh giá bà Thái là người kỷ luật trong khi đương kim lãnh đạo gọi ông Lý là người bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan. Ba ngày sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2, bà Thái đến thăm nhà ông Lý ở ngoại ô Đài Bắc. Sau khi ông Lý qua đời, nữ lãnh đạo tuyên bố ông là “hòn đá tảng cho quá trình chuyển tiếp dân chủ của Đài Loan” và là người mở đường cho sự tự do mà người dân hòn đảo đang hưởng thụ.
Sau khi Tưởng Giới Thạch triệt thoái về Đài Loan năm 1949, KMT không từ bỏ mục tiêu quay trở lại tái thống nhất đại lục. Nhưng quan điểm này dần dần được giới lãnh đạo thế hệ sau của KMT điều chỉnh lại vì tình hình thời mới khiến cho mục tiêu tái thống nhất không còn khả thi. Để giảm căng thẳng với Bắc Kinh, KMT trong thập niên 2000 bắt đầu tạm gác lại vấn đề thống nhất để thúc đẩy mối quan hệ hòa dịu xuyên eo biển, minh chứng là hàng loạt cuộc gặp lịch sử của giới lãnh đạo KMT với lãnh đạo Trung Quốc.
Theo truyền thông quốc tế, ông Lý Đăng Huy năm 2001 bị khai trừ khỏi KMT khi ủng hộ đảng Liên minh Đoàn kết Đài Loan (TSU), thành lập bởi những người ủng hộ chính sách độc lập của ông Lý. Chính quyền Đài Loan thời ông Mã Anh Cửu ủng hộ chính sách “3 không” gồm: không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực.
Đài Loan mở đường đàm phán FTA với Mỹ
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 28.8 thông báo quy định mới, cho phép nhập khẩu thịt heo từ Mỹ với hàm lượng chất tạo nạc ractopamine ở mức giới hạn và bãi bỏ quy định về độ tuổi của bò, theo Reuters.
Trước nay, đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền tại Đài Loan phản đối mạnh mẽ việc nhập khẩu thịt heo Mỹ với chất tạo nạc và cấm nhập khẩu thịt bò từ các đàn gia súc trên 30 tháng tuổi vì lo sợ bệnh bò điên. Những quy định nói trên trở thành rào cản trong cuộc đàm phán thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa Đài Loan và Mỹ trong nhiều năm qua. Bà Thái nói quyết định mới được đưa ra dựa trên lợi ích kinh tế và mục tiêu phát triển chiến lược của Đài Loan, đồng thời đảm bảo rằng quyết định tuân thủ bằng chứng khoa học và tiêu chuẩn quốc tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 và đã được các quan chức, nghị sĩ Mỹ ủng hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.