LHQ cảnh báo chặng đường dài phía trước kể cả khi có vắc xin Covid-19

03/12/2020 22:54 GMT+7

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 3.12 cảnh báo thế giới có thể phải chống chọi với “dư chấn” của đại dịch Covid-19 trong nhiều thập niên tới ngay cả khi vắc xin được phê duyệt.

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của LHQ về đại dịch Covid-19 (ngày 12-13.12), ông Guterres ca ngợi tiến bộ khoa học trong việc phát triển vắc xin Covid-19 nhanh chóng nhưng cảnh báo tiêm phòng không thể “phục hồi tác hại mà đại dịch gây ra, vốn có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên tới".
"Đói nghèo cùng cực đang gia tăng và nguy cơ nạn đói hoành hành. Chúng ta phải đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong 8 thập niên qua", ông Guterres nói.
Ông Guterres cho biết đại dịch Covid-19 đến nay làm chết hơn 1,4 triệu người trên thế giới, làm trầm trọng thêm các thách thức dài hạn khác bao gồm bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.

Vắc xin ngừa Covid-19 sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng? Chưa chắc

Khoảng 53 nguyên thủ quốc gia, 39 người đứng đầu chính phủ và 38 bộ trưởng sẽ có bài phát biểu được ghi hình từ trước, bao gồm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết họ không kỳ vọng hội nghị sẽ dẫn đến những quyết định lớn.
Tổng thư ký LHQ tiếp tục kêu gọi vắc xin nên được xem là "hàng hóa công cộng toàn cầu" được chia sẻ trên toàn thế giới.
Ông Guterres kêu gọi đóng góp để lấp đầy khoản thiếu hụt 4,3 tỉ USD nhằm tài trợ cho chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 2 tháng tới.
Hơn 180 quốc gia đã tham gia Covax, chương trình hợp tác toàn cầu với các nhà sản xuất nhằm đảm bảo phân phối vắc xin công bằng trên thế giới.
Mỹ là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu, phát triển vắc xin, nhưng không tham gia Covax và Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump muốn tiêm vắc xin cho người Mỹ trước tiên. Nga cũng công bố vắc xin Sputnik V của riêng mình nhưng vấp phải sự hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả, theo AFP.

Tổng thống Putin: Nga tiêm vắc xin Covid-19 hàng loạt từ tuần sau

Chính phủ Mỹ kỳ vọng sẽ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 100 triệu người vào cuối tháng 2.2021. Chương trình tiêm chủng có thể bắt đầu trong vòng vài tuần tới khi vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) và của Moderna (Mỹ)-Viện Y tế Quốc gia Mỹ dự kiến sẽ được phê chuẩn, theo AFP.
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ cắt tài trợ cho WHO và thông báo kế hoạch rút khỏi cơ quan này vào tháng 7.2021 với cáo buộc WHO là con rối của Trung Quốc. Tuy nhiên, WHO phủ nhận mọi cáo buộc.
Ông Guterres lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ WHO vốn là cơ quan của LHQ và lưu ý các khuyến nghị của WHO "lẽ ra phải là cơ sở cho một phản ứng toàn cầu phối hợp nhằm chống lại đại dịch Covid-19".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.