Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh ở khu vực châu Âu, rất nhiều người đã bay về Việt Nam để được an toàn, còn tôi chọn ở lại. Tôi chỉ có thể cảm nhận được sự nguy hiểm của đại dịch này thông qua những tin tức trên báo chí và lời kể của bố mẹ ở Việt Nam. Mặc dù Nga đã có gần 1 triệu ca nhiễm nhưng đến giữa tháng 6, người dân đã được gỡ bỏ chế độ giãn cách xã hội, thậm chí là không bắt buộc đeo khẩu trang khi đi dạo.

Câu chuyện bắt đầu khi tôi nhận tin bạn mình sau chuyến bay về Việt Nam đã được xác nhận bị nhiễm Covid-19. Có tiếp xúc và ăn uống ngày chia tay bạn, tôi trở thành F1. Đăng ký xét nghiệm ở một trung tâm y tế (giá cho 1 lần lấy mẫu và nhận kết quả khoảng 800.000 đồng), ban đầu tôi nhận kết quả âm tính. Cộng thêm với việc không có triệu chứng gì bất thường, tôi chỉ mua thêm vitamin tổng hợp và thuốc xịt mũi để an tâm hơn.

Sau 4 ngày tôi bị mất dần vị giác và khứu giác, người trở lạnh 35 độ C thường xuyên. Tôi liên lạc với bên bảo hiểm để đặt lịch bác sĩ đến khám tại nhà. Khi được thăm khám và tiến hành xét nghiệm test nhanh, tôi được thông báo đã bị nhiễm vi rút SARS-COV2. Tuy nhiên, bác sĩ Nga chỉ yêu cầu uống thuốc và tự cách ly ở nhà.

Đơn thuốc gồm loại để hạ sốt và giảm ho. Tôi thắc mắc sau bao lâu mình sẽ khỏi bệnh và nhận được câu trả lời bất ngờ từ bác sĩ: “Bây giờ làm gì có thuốc chữa Covid-19. Đây là thuốc giúp bạn tăng cường sức đề kháng, bạn khoẻ hơn thì sẽ hết vi rút thôi”. Tôi phải tự mình ra hiệu thuốc để mua theo đơn, tổng giá tiền là 1.500 rúp (tương đương với 500.000 đồng).

Ngày hôm sau, nhân viên y tế có ghé qua và đưa cho tôi một chiếc điện thoại di động. Đây là công cụ để theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh, đồng thời đảm bảo việc tự cách ly, xác định các vị trí di chuyển thông qua hệ thống GPS. Trong suốt quá trình đó, tôi nhận một cuộc gọi điện từ bác sĩ và một lần quét khuôn mặt để xác nhận danh tính.

Thế nhưng, điều không may đã xảy đến. Tình trạng sức khoẻ ngày càng tệ đi, tôi bắt đầu sốt cao, ho khan nhiều. Liên lạc qua số điện thoại khẩn cấp vào khoảng 18 giờ, xe cứu thương đến ký túc xá của tôi vào lúc 22 giờ. Giải thích cho lý do chậm trễ, các bác sĩ cho biết rằng có quá nhiều cuộc gọi, quá nhiều bệnh nhân nên không thể xử lý ngay lập tức được.

Tới bệnh viện, tôi tiếp tục chờ đợi thêm 1 tiếng để được lấy máu và làm thủ tục nhập viện. Do bị sốt cao và phải dùng máy thở, tôi được đưa vào phòng cấp cứu. Đó thật sự là một cuộc chiến. Mãi tới khi đỡ hơn thì tôi được di chuyển vào khu chung. Đến lúc này tôi mới hiểu tại sao mình được yêu cầu tự cách ly ở nhà trước. Tất cả phòng bệnh tiêu chuẩn và bên ngoài đều không còn chỗ trống và tôi - phải nằm giường ở ngoài hành lang.

Giường bệnh được xếp dọc theo đường đi, có sẵn bộ chăn ga và vật dụng cá nhân cần thiết. Riêng khu vệ sinh sẽ nằm ở cuối dãy của từng tầng. Mỗi ngày có những nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đến để truyền dịch, đo nhiệt độ và ghi chép nếu bệnh nhân có những thay đổi bất thường. Sàn nhà được lau dọn vào mỗi buổi sáng.

Theo dõi nhiều tin tức về thức ăn được mọi người ở Việt Nam chia sẻ trên mạng, tôi ít nhiều tin tưởng vào chế độ ăn uống ở khu cách ly. Nhưng không, mọi thứ khác xa với những gì tôi nghĩ - đồ ăn bệnh viện thực sự là nỗi thất vọng lớn. Mỗi bữa ăn sẽ có một cô nhân viên đến và chia thức ăn từ nồi ra bát nhựa cho từng người. Buổi sáng là cháo, buổi trưa có bánh mì với súp rau củ cùng thịt gà xé hầm nát, riêng thực đơn cho bữa tối sẽ thay đổi theo từng ngày. Thức ăn được cung cấp rất ít, và thậm chí đôi lúc tôi và mọi người cùng nằm viện chung nghĩ sức khoẻ mình tệ hơn một phần là do quá đói.

Sau 3 ngày phải nằm ngoài hành lang, tôi được chuyển sang một bệnh viện dã chiến khác. Ở khu này, giường bệnh được chia thành 2 giường/1 khoang và có đánh số thứ tự. Bệnh nhân khi đến sẽ nhận một bảng tên riêng với các thông tin cơ bản như số giường, họ tên, tuổi, mã số riêng và ngày nhập viện. Vì mới được hoàn thành nên cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn, lượng bệnh nhân chỉ khoảng 1/3 so với số giường bệnh. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn sơ lược về quy trình và đồ dùng cần thiết. Thực đơn ở khu này dễ ăn hơn và mỗi bữa được bổ sung thêm trái cây, đồ ăn nhẹ.

Việc cách ly ở trong bệnh viện khá thoải mái, mọi người được phép đi lại tự do. Khẩu trang và nước rửa tay được đặt ở các vị trí cố định trước mỗi dãy, bệnh nhân có thể sử dụng nếu có nhu cầu. Các bác sĩ không có bất cứ yêu cầu hay khuyến cáo hạn chế nào đặc biệt. Ngoài ra, tôi còn có thể nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài. Mỗi gói hàng gửi vào được ghi chép, đánh mã và phun xịt hoá chất sát khuẩn trước khi gửi đến cho bệnh nhân. Mỗi tuần sẽ có 2 đợt hàng được phép nhập vào khu dã chiến.

Một trong những điều đáng sợ nhất với tôi trong quá trình điều trị chính là việc lấy máu và tiêm thuốc. Trong 2 tuần các nhân viên y tế lấy hết 11 ống máu để làm các xét nghiệm, thuốc được tiêm 1 đến 2 liều mỗi ngày sau bữa ăn. Đặc biệt, việc tiêm kháng sinh rất đau khiến tôi gần như kiệt sức và phải nằm sấp gần một tiếng đồng hồ để cảm thấy dễ chịu hơn.

Trò chuyện với những người cùng khu viện với mình, tôi thấy người dân Nga có thái độ khá nhẹ nhàng với dịch bệnh Covid-19. Họ nghĩ đây chỉ đơn giản là một bệnh cúm thông thường, không quá nghiêm trọng. Thế giới đang chống chọi với nó chỉ vì căn bệnh này mới xuất hiện, chưa có vắc xin tốt và thuốc đặc trị.

Sau 3 lần xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-COV2, bác sỹ đồng ý cho tôi về nhà theo dõi tiếp. Trước khi xuất viện, tôi được báo rằng mình sẽ phải đi cách ly thêm ở ngoại ô vì đã rời khỏi nơi ở quá 2 ngày. Dù vậy, cung cấp đủ giấy xét nghiệm và chứng minh đã khỏi bệnh, tôi đã được phép trở về kí túc xá của trường.

Về viện phí, nhờ có thẻ bảo hiểm dành cho sinh viên, quá trình điều trị của tôi là hoàn toàn miễn phí. Với người nước ngoài khác không có thẻ, chi phí phải trả cho 2 tuần nằm viện rơi vào khoảng 120.000 rúp (tương đương 38 triệu đồng).

Đây quả thật là một trải nghiệm không mong muốn nhưng rất đáng nhớ với tôi.

Bài viết: Vân Anh

Báo Thanh Niên
23.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.