Tàu đổ bộ Ấn Độ phát hiện lưu huỳnh và chất khác gần cực nam mặt trăng

30/08/2023 15:26 GMT+7

Tàu đổ bộ Chandrayan-3 của Ấn Độ đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh và phát hiện một số nguyên tố khác gần cực nam mặt trăng, theo Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) hôm nay 30.8.

Tàu đổ bộ Ấn Độ phát hiện lưu huỳnh, những chất khác gần cực nam mặt trăng - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ Chandrayan-3 truyền về những hình ảnh đầu tiên của cực nam mặt trăng

ISRO

Bên cạnh lưu huỳnh, thiết bị quang phổ cảm ứng laser trên tàu đổ bộ Chandrayan-3 còn phát hiện nhôm, sắt, canxi, crom, titan, mangan, oxy và silicon trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của trái đất.

Theo ISRO, tàu đổ bộ đang tiếp tục tìm kiếm manh mối của nước dưới dạng băng được cho tồn tại dồi dào ở cực nam mặt trăng. Nước được xem là nguồn tài nguyên quý giá cho các sứ mệnh đưa con người quay lại mặt trăng trong tương lai.

Hôm 28.8, hướng di chuyển của tàu đổ bộ được tái lập trình sau khi Chandrayan-3 tiếp cận hõm chảo đường kính 4 m và hiện tàu đang di chuyển trên tuyến hành trình mới. 

Tàu đổ bộ của Ấn Độ đang di chuyển với tốc độ chậm chạp, khoảng 10 cm/giây, nhằm giảm tối thiểu nguy cơ bị sốc và tránh cho con tàu bị hư hại trong lúc đi qua bề mặt gồ ghề của mặt trăng.

Xe tự hành Ấn Độ bắt đầu khám phá mặt trăng sau cú đáp thành công lịch sử

Tàu Chandrayan-3 đã đáp xuống cực nam mặt trăng vào ngày 23.8 và dự kiến có hơn 14 ngày để thực hiện các cuộc thí nghiệm cũng như tìm kiếm manh mối của nước. Cơ quan không gian Ấn Độ hy vọng tàu sẽ hoàn thành các mục tiêu trong khung thời gian khá hạn hẹp ở cực nam mặt trăng.

Trước khi tàu Chandrayan-3 đáp thành công, Nga đã thất bại trong việc đưa tàu thăm dò Luna-25 hạ cánh an toàn xuống cực nam nhưng ở địa điểm khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.