Tỉ phú sầu riêng vùng đất bazan

01/09/2020 06:18 GMT+7

Với 6 ha sầu riêng, mỗi mùa ông Nguyễn Đỗ Nhung ở xã Bình Giáo, H.Chư Prông (Gia Lai) có thu nhập từ 1,5 - 2 tỉ đồng.

Từng lao đao với “vàng đen”

Cũng như nhiều nông dân khác ở Gia Lai, ông Nhung khởi nghiệp trên đồng đất của mình bằng việc mạnh dạn đầu tư tiền của để trồng hồ tiêu trên 6 ha đất. Thời điểm hơn chục năm trước, hồ tiêu được ví là “vàng đen” của vùng cao nguyên. Đã có nhiều vùng chuyên canh hồ tiêu lớn của Gia Lai thu hút hàng chục ngàn nông dân tham gia. Có thời điểm giá hồ tiêu lên đến 220.000 đồng/kg khiến nông dân bất chấp cảnh báo của nhà quản lý, đổ xô vào mua đất, đầu tư canh tác loại cây này.

Người đàn ông nợ nần chồng chất, 6 năm sau, thành tỉ phú: Bí quyết gì?

Song, trang trại hồ tiêu của ông Nhung chưa kịp “đẻ” ra vàng thì tai họa ập đến. Bệnh chết nhanh, chết chậm trên loại cây này vốn chưa có thuốc đặc trị đã làm tán gia bại sản hàng chục ngàn nông dân. Hàng ngàn trụ tiêu bị bệnh cứ chết dần, chết mòn trong sự lo lắng, bất lực của ông và gia đình. Thầy hay, thuốc quý ở đâu, nghe mách bảo ông cũng tìm đến mong cứu trang trại hồ tiêu của mình nhưng đều bất lực. Tiếp đó, mặt hàng hồ tiêu trượt giá không phanh, chỉ còn trên dưới 40.000 - 50.000 đồng/kg khiến nông dân không thể gượng dậy nổi. “Hồ tiêu chết và xuống giá khiến gia đình tôi lâm cảnh lao đao. Chỉ một, hai ngày, tiêu đã chết hàng loạt. Ra thăm vườn tiêu mà thấy xót xa. Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào đây thành công cốc. Nhiều lúc buồn quá, tôi không còn muốn ra thăm vườn nữa, mặc ra sao thì ra”, ông Nhung nhớ lại.

Thu bạc tỉ

Tỉ phú sầu riêng vùng đất bazan1

Thương lái đến tận nhà ông Nhung mua sầu riêng

Không chịu bó gối chịu đói trên vùng đất phì nhiêu, năm 2013 ông Nhung tìm vào miền Tây, nơi có những vùng chuyên canh cây ăn trái để tìm hiểu nhằm chọn loại cây trồng phù hợp mang về cao nguyên. Cuối cùng, ông chọn sầu riêng với 150 cây đầu tiên mua từ miền Tây về khởi nghiệp. Ông Nhung chia sẻ: “Ban đầu trồng thì không khó lắm nhưng khi bước vào giai đoạn có trái thì đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu mình không làm đúng theo quy trình thì hiệu quả không đạt được. Trồng cây sầu riêng thì trước tiên mình phải tìm được nguồn nước bởi sầu riêng cần nước nhiều lắm, nhất là vào giai đoạn mang trái. So với cà phê, tiêu mấy năm trước thì bây giờ thấy trồng cây sầu riêng rất có hiệu quả”.
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật được ngành nông nghiệp hướng dẫn, ông Nhung còn học hỏi kinh nghiệm từ nông dân ở miền Tây để phát triển vườn sầu riêng theo quy mô lớn. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là vào mùa khô hạn, ông đầu tư khoan giếng, tích nước trong các hồ chứa, sau đó lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới tiết kiệm đến từng gốc cây. Đây cũng là một trong những phương pháp trồng trọt giúp cây sầu riêng luôn xanh tươi, đạt sản lượng cao.
Cây sầu riêng lớn nhanh trên vùng đất đỏ bazan mang theo cả ước vọng thoát nợ nần, thoát nghèo khó và đổi đời của gia đình ông Nhung. Từ 150 cây ban đầu, nay ông đã có 900 cây sầu riêng trên diện tích 6 ha, trong đó đa số đã cho thu hoạch. Ông trở thành hộ nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả nhất H.Chư Prông.
Những ngày này, vườn sầu riêng nhà ông Nhung bắt đầu chín rộ và được thu hoạch khá khẩn trương. Ước tính mùa thu hoạch năm nay, vườn sầu riêng của ông Nhung cho năng suất 80 - 90 tấn quả. Đây là mùa thu hoạch thứ 5 và theo ông Nhung, mùa nào cũng đạt sản lượng cao. Với giá bán sầu riêng giống Ri6 dao động từ 35.000 - 38.000 đồng/kg và sầu riêng Thái từ 45.000 - 48.000 đồng/kg, trung bình mỗi vụ vườn sầu riêng của ông Nhung cho lãi 1,5 - 2 tỉ đồng. Đặc biệt, nhờ quy trình chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch của VietGap, nên chất lượng sầu riêng ở vườn nhà ông Nhung luôn vượt trội, được thương lái đến tận nơi đặt mua...
Sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật
Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chư Prông, cho biết chủng loại sầu riêng của hộ ông Nhung đang trồng là giống Ri6 và Thái, rất phù hợp với vùng đất này. “Từ vườn tiêu chết, hộ ông Nhung đã mạnh dạn chuyển đổi, đến nay bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế”, ông Luyến nhìn nhận. Còn ông Nhung cho biết cây sầu riêng đã giúp gia đình ông trả hết được nợ nần do cây tiêu chết hàng loạt để lại trước đó và ông mong muốn chia sẻ kỹ thuật trồng cây sầu riêng với nhiều hộ nông dân trong xã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.