Những lô hàng nông sản đầu tiên vào châu Âu sau EVFTA

17/09/2020 00:00 GMT+7

Ngày 16.9, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức lễ công bố xuất khẩu cà phê, chanh dây sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu ( EVFTA ).

Đợt này, 296 tấn cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (có trụ sở tại TP.Pleiku) được xuất thẳng sang thị trường châu Âu. Đây là một trong những lô hàng nông sản đầu tiên được xuất khẩu sau khi EVFTA ký kết và có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua, tạo nên cú hích lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết: “Hiện chúng tôi đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế cho 25.000 ha cà phê của công ty. Từ các chứng chỉ của Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, đến chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, công ty hiện là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Mỹ”.
Cùng ngày, lô hàng chanh dây 100 tấn đã qua chế biến của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Đây cũng là công ty có mối liên kết gắn bó mật thiết với người nông dân từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến chế biến và kinh doanh xuất khẩu rau quả nông sản. Hiện sản phẩm của Công ty Đồng Giao đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, bao gồm các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là thị trường châu Âu, một thị trường rất lớn, nhiều tiềm năng, chiếm hơn 65% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty và tỷ trọng này đang ngày càng gia tăng.

Chúng tôi coi đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị và chất lượng cao... Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Giao, cho biết: “Chúng tôi có các đối tác lớn, lâu năm tại Hà Lan, Đức, Pháp, Ba Lan... và hiện đang xây dựng thêm nhiều mối quan hệ hợp tác bền chặt với các công ty nhập khẩu từ các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu”.

Nhiều cơ hội cho nông sản Việt

EVFTA có hiệu lực được xem là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của Việt Nam, mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả đã qua chế biến, rau quả tươi nói riêng. Nhiều mặt hàng nông sản khi xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi thuế quan rất thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước khác có cùng chủng loại hàng hóa.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: “EVFTA là một trong 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đang có hiệu lực triển khai. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, cơ chế thực thi chặt chẽ, bao hàm nhiều lĩnh vực. Chúng tôi coi đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị và chất lượng cao. Với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, GDP bình quân đầu người trên 35.000 USD, EU là thị trường lớn, còn nhiều dư địa để phát triển. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, ít cạnh tranh trực tiếp”.
Theo ông Lê Quốc Doanh, để triển khai đồng bộ EVFTA trên cả nước và trong tất cả lĩnh vực liên quan, ngày 6.8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201 phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Ngày 20.8, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ để cụ thể hóa các hành động và cơ quan đầu mối triển khai EVFTA trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”, ông Doanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.