Giá cá giảm, ngư dân Bình Thuận vẫn quyết tâm bám biển

Quế Hà
Quế Hà
27/04/2020 16:22 GMT+7

Những ngày phải cách ly xã hội để chống dịch Covid-19 sắp qua đi. Ngư dân Bình Thuận lại chuẩn bị tàu thuyền cho một mùa cá nam bội thu. Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân đã bám biển dài ngày.

Một ngư dân đang neo đậu tàu ngoài đảo Côn Sơn, anh Châu Minh Tân, chủ tàu cá BTh 995 (xã Tam Thanh, H.Phú Quý, Bình Thuận) cho biết, sau 15 ngày đánh bắt, tàu cá của anh, với 6 lao động hành nghề lưới chụp, thu hoạch hơn 11 tấn hải sản. Dù sản lượng không đạt, nhưng anh vẫn đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi tiếp theo.
“Sản lượng không đạt, giá lại còn thấp hơn mọi khi, khiến chuyến vừa rồi tôi bị lỗ, nhưng tàu là nhà, biển là quê hương, phải bám biển thôi”- anh Tân nói.

Giá cá giảm vẫn bám biển dài ngày

Theo anh Châu Minh Tân, tàu của anh có công suất 650 CV là tàu đánh bắt khơi xa. Mỗi chuyến phải có nguồn vốn từ 150 đến 200 triệu đồng mới đủ chu cấp cho chuyến đánh bắt kéo dài từ 15 đến 17 ngày. Có được kinh phí đó cho một chuyến đi biển là rất lớn đối với ngư dân. Nhiều tàu cá phải vay tín dụng bên ngoài ngân hàng, huy động từ bạn bè, anh em. Trong khi đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá thu mua giảm xuống rõ rệt.
“Nhiều mặt hàng hải sản bị giảm giá sâu. Chẳng hạn như mực ống, cá ngừ, cá nục, ghẹ, giảm giá tới 30%”- anh Tân cho biết. Hiện nay không chỉ tàu cá của anh, mà hầu như tàu công suất lớn của bà con trên đảo Phú Quý chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Trường sa, Nhà dàn DK1, Côn Sơn.
Mỗi chuyến đi biển có khi một tháng, hai tháng mới về đảo vì hiện nay có nhiều tàu thu mua ngay trên biển. Khi bán cá cho tàu thu mua, các tàu hậu cần này sẽ cung cấp dầu và nhu yếu phẩm để tàu cá của ngư dân không phải vào bờ tiếp tế.

Chuẩn bị hàng hóa cho tàu thu mua ra biển dài ngày, cung cấp nhu yếu phẩm và dầu cho tàu cá của ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi xa.

Ảnh: Quế Hà

“Mỗi đêm di chuyển trên biển hết khoảng 10 triệu đồng tiền dầu. Nếu không tìm được luồng cá, không chỉ lỗ tiền dầu mà các chi phí khác cũng không bù đắp nổi. Tuy nhiên, dù lỗ vẫn phải bám biển, chuyến này bù cho chuyến kia”- anh Tân chia sẻ.
Anh Trương Văn Toàn (P.Bình Hưng, TP.Phan Thiết) có hai tàu cá đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, cho biết, một tàu của anh đã ra khơi hai tháng nay chưa về, chiếc còn lại vừa ra biển sau một tháng nằm ở Trường Sa. Mỗi tàu của anh có 15 - 20 lao động.
“Sắp vào mùa cá nam, giá dầu giảm, nhưng giá bán hải sản trên biển cũng giảm. Mình phải tranh thủ bám biển dài ngày, có khi hơn 2 tháng mới về bờ nghỉ một lần. Ngoài biển bây giờ có tất cả các nhu yếu phẩm do tàu dịch vụ cung cấp. Bà con đánh bắt ngoài biển dù là dân Bình Thuận, Vũng Tàu, hay Kiên Giang đều rất đoàn kết để bám biển dài ngày”- anh Toàn nói.
Theo anh Toàn, hiện nay tàu của anh và tàu của bà con ở Phan Thiết khai thác chủ yếu tại vùng biển Phúc Nguyên (DK1), Huyền Trân, Quế Đường và Trường Sa là những ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Thuận.
“Tất cả các tàu ra vùng biển này đánh bắt đều có nhật ký, có máy định vị và giám sát hành trình đúng quy định. Bà con còn liên kết thành tổ nhóm, giúp nhau trên biển. Vừa đánh bắt cá vừa trông giữ ngư trường và biển đảo”- anh Toàn nói.

Thu mua trên biển lợi cho ngư dân

Tại Cảng Phan Thiết, Anh Nguyễn Văn Năm, tài công tàu thu mua cá Bích Thanh (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), đang “nạp hàng” lên tàu, gồm dầu, đá lạnh, nước ngọt, mì tôm, thịt heo, bia, thuốc… để chuẩn bị ra khơi thu mua.
“Mỗi chuyến ra khơi như vậy phải chuẩn bị nhu yếu phẩm hàng tỉ bạc để có thể thu mua dài ngày. Khi mua cá của ngư dân, mình sẽ cung cấp nhu yếu phẩm để họ bám trụ trên biển dài ngày. Mỗi tàu hậu cần có thể thu mua từ 150 đến 200 tấn hải sản vận chuyển về bờ”- anh Năm nói.

Bán cá cho các vựa cá ở cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận (ảnh chụp ngày 22.4)

Ảnh: Quế Hà

Theo UBND huyện đảo Phú Quý, hiện nay toàn đảo có 140 tàu thu mua cá (nhiều nhất tỉnh), chưa kể tàu thu mua của bà con ở TP.Phan Thiết, TX.La Gi, hay H.Tuy Phong.
Trả lời Thanh Niên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Bùi Thế Nhân cho rằng, mô hình thu mua hải sản trên biển là phương thức khai thác hình thành từ lâu trên đảo Phú Quý với nhiều ưu thế, có lợi cho cả đôi bên. Tàu dịch vụ mua được hải sản chất lượng mới đánh bắt , bà con thì bán được tôm cá và được cung cấp nhu yếu phẩm, xăng dầu để bám trụ dài ngày trên biển, làm chủ ngư trường, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt và còn làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy nhận xét, tháng 4 là thời điểm thời tiết thuận lợi cho khai thác dài ngày trên biển. Cộng với giá dầu giảm sâu, giảm chi phí sẽ là động lực để bà con bám biển dài ngày hơn. Các tàu cá của Bình Thuận hiện khai thác truyền thống là nghề lưới rê, lưới vây, lồng vẫy, chụp mực… sẽ rất thuận lợi khi khai thác thời điểm này biển êm.
“Hy vọng sản lượng hải sản đánh bắt của ngư dân trong tháng 4 sẽ tăng cao. Về nguyên nhân một số mặt hàng tụt giá, dù thu mua ngay trên biển, do tác động của Covid-19, các doanh nghiệp hạn chế thu mua do tồn hàng nhiều, không xuất được. Do vậy, có mặt hàng giảm giá tới 40% so với thời điểm chưa có dịch Covid-19 bùng phát. Mùa này đi biển thuận lợi, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày”- ông Huy cho biết.
Theo thống kê của Chi cục thủy sản Bình Thuận, riêng tháng 3 toàn tỉnh đánh bắt được 15.221 tấn; lũy kế đến hết tháng 3 là 30.715 tấn. Tổng sản lượng toàn tỉnh tháng 4 ước đạt 17.800 tấn. Riêng sản lượng của đảo Phú Quý ước đạt 3.723 tấn, trong đó có 1.980 tấn cá; 633 tấn mực, còn lại là các loài hải sản khác.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.