'Đánh úp' xưởng sản xuất phân bón giả làm từ bột đá, bột màu...

Nguyên Nga
Nguyên Nga
21/10/2020 19:50 GMT+7

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường và cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vừa xóa sổ thành công một xưởng sản xuất phân bón giả lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Xưởng sản xuất phân bón giả này thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino có địa chỉ tại 272/81 tổ 9A, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Gần 62 tấn phân bón lấy mẫu kiểm định là hàng giả

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà xưởng có hàng trăm mét khối nguyên liệu, bột màu, đá vẫn ngổn ngang. Cạnh đó là máy móc, thiết bị cùng các loại xe nâng, ủi, xúc, băng chuyền… tất cả dùng cho việc sản xuất phân bón. Kiểm đếm thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận có 8,5 tấn thành phẩm phân bón 111 HLS Super Lân canxi; 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế; khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì; 25 m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100 m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại. Phương tiện sản xuất gồm: 1 máy xúc, 1 xe nâng, 1 băng chuyền, 1 máy nghiền, 1 bồn chứa nguyên liệu, 1 bồn quay ly tâm và 1 máy may miệng bao.

"Phân bón" sau sản xuất, thật ra là bột đá xay mịn, đang chờ đóng gói đi tiêu thụ

Ảnh: QLTT

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Dần, chủ nhà xưởng chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đóng gói phân bón. Còn lại, các loại giấy phép sản xuất phân bón, quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa thì không có. Đoàn kiểm tra gồm Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục QLTT Đồng Nai) phối hợp với Cục nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, dụng cụ nói trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Kết quả từ Trung tâm phân tích và thử nghiệm 2 - Vinacontrol và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày 19.10 cho thấy 61,5 tấn phân bón các loại là hàng giả, không có giá trị sử dụng.

Phân bón giả đang “bùng phát” tại nhiều địa phương

Trước đó, chiều 2.10, tại Lâm Đồng, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Cục nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) tiến hành kiểm tra Cửa hàng vật tư nông nghiệp Anh Thư do ông Trần Thành Lương (tại thôn 6, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) làm chủ hiện 40 tấn phân bón trung lượng XNK 111 HLS Super lân canxi do chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO (Đồng Nai) sản xuất có dấu hiệu vi phạm kinh doanh phân bón khi không xuất trình được quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, tại Đồng Nai, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra Cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thu Thảo do bà Nguyễn Thị Thu Thảo làm chủ tại số 15, Tổ 1, ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện 13 tấn phân bón trung lượng XNK 111 HLS Super lân canxi của Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO sản xuất có dấu hiệu vi phạm tương tự. Cả hai trường hợp đều bị lực lượng chức năng tiến hành thu giữ, lấy mẫu đi kiểm định.

Số đã đóng gói bên trong nhà xưởng

Ảnh: QLTT

Hiện, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để chuyển sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đối với các hành vi sản xuất phân bón không có giấy phép sản xuất, sản xuất phân bón không có quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón giả.
Tính đến hết tháng 9, quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng vật tư nông nghiệp trong đó có phân bón, thu nộp ngân sách hàng tỉ đồng, tiêu hủy hàng chục tấn phân bón giả, không có giá trị sử dụng. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các vụ việc làm phân bón giả trong thời gian qua đã được phát hiện tại Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Thanh Hóa, Lào Cai…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.