Cần 'nhạc trưởng' kích cầu du lịch

29/02/2020 07:30 GMT+7

Đồng loạt giảm giá nhưng nếu không liên kết dịch vụ, chọn thời điểm thích hợp và đồng bộ nhiều chính sách, các chương trình kích cầu du lịch sẽ khó phát huy tác dụng.

Điểm yếu “liên kết”

Để vực dậy ngành du lịch sau khoảng thời gian khủng hoảng vì dịch Covid-19, các địa phương, hiệp hội cùng doanh nghiệp (DN) du lịch, hàng không đồng loạt xây dựng nhiều chương trình giảm giá, kích cầu hấp dẫn.
Sau khi các hãng hàng không thông tin giảm tới 50% giá vé, từng địa phương xây dựng gói sản phẩm giá rẻ, mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra mắt liên minh kích cầu du lịch với 16 thành viên ban chủ nhiệm, bao gồm đại diện các hãng lữ hành lớn, hàng không, khách sạn, các hiệp hội du lịch... chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình kích cầu cụ thể, tạo sự thống nhất hành động giữa DN cùng các địa phương trên cả nước.

Bây giờ không phải thời điểm thích hợp để vội vàng, ồ ạt tung khuyến mãi, giảm giá. Nếu chúng ta làm vội, làm không hiệu quả sẽ gây mất lòng tin từ người dân, DN. Chưa kể kích cầu chỉ có thể hiệu quả nếu được đồng bộ cùng chính sách visa thông thoáng. Trên dưới chưa thống nhất, đồng bộ thì chưa thể làm gì được.

TS Phạm Trung Lương

Trong đó, riêng Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình “Chào mặt trời” kêu gọi các DN, địa phương cùng liên kết hợp tác, kích cầu du lịch sau mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, khảo sát một số DN lữ hành tại TP.HCM, họ thẳng thắn trả lời sẽ không tham gia chương trình này và đang xây dựng những chương trình kích cầu riêng.
Đại diện một DN chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch là điều chắc chắn phải làm nhưng chủ yếu cũng do các đơn vị tự chủ động. Mỗi DN có phân khúc đối tác, khách hàng, thị trường khác nhau, rất khó để xây dựng nên một dịch vụ đồng dạng hay quy về một mức giá chung. Tùy đặc điểm kinh doanh của mình, mỗi DN sẽ kết hợp với mạng lưới đối tác của họ để cho ra những sản phẩm giảm giá, kích cầu phù hợp”.
TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, nhận định liên kết vẫn là bài toán nan giải của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Các ngành hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến… thiếu kết nối, liên kết lỏng lẻo là nguyên nhân chính đẩy giá tour nội địa cao, người Việt đổ xô đi nước ngoài du lịch.
Dẫn chứng câu chuyện Thái Lan xây dựng được những tour giá rẻ, đi Thái còn rẻ hơn đi du lịch trong nước, ông Lương lý giải vì Thái Lan có Chính phủ đứng ra điều phối, yêu cầu từ hàng không tới DN lữ hành, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi… phải cam kết không được vượt mức giá theo quy định. Sau đó, họ “móc hầu bao” du khách từ các dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí. Nguồn thu này sau đó sẽ được Chính phủ hỗ trợ lại cho các DN tham gia vào chuỗi liên kết, ai cũng được hưởng lợi.
“Việt Nam thì khác, không một ai làm nhạc trưởng đứng ra điều phối. Ai cũng lo mình thua thiệt nên không chịu liên kết, bắt tay nhau. Trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả các ngành đều khó khăn như hiện nay, nếu chỉ đơn thuần kêu gọi mỗi đơn vị giảm giá một chút thì không thể hiệu quả. Chưa kể DN cũng không thể đủ nguồn lực để kéo dài giảm giá. Không có Chính phủ vào cuộc thì không thể làm được. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phải đứng ra làm đầu mối, mời đại diện các DN, điểm đến, địa phương ngồi lại với nhau, thông báo có nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ là bao nhiêu, sẽ kích cầu vào thị trường nào, thị trường đó thích sản phẩm gì, địa phương nào có... sau đó bàn tới trách nhiệm và quyền lợi của từng DN nếu tham gia kích cầu. Đơn cử chỉ những DN tham gia mới được giảm, miễn thuế, không hỗ trợ tràn lan, dàn trải”, ông Lương đề xuất.

Chọn “điểm rơi” thích hợp

Cách đây hơn 1 tuần, “cơn sốt” dịch Covid-19 đã dần hạ nhiệt do những diễn biến rất khả quan về tình hình kiểm soát dịch, đặc biệt tại Việt Nam. Khi đó, các chương trình kích cầu cùng kế hoạch truyền thông “Việt Nam - Điểm đến an toàn” đồng loạt được triển khai với hy vọng nhanh chóng lấy được niềm tin của du khách, tận dụng khai thác nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, dịch bệnh bùng nổ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý... và lan rộng ra thêm nhiều quốc gia khiến tình hình căng thẳng trở lại.
Đại diện một DN du lịch lớn tại TP.HCM cho biết kế hoạch khôi phục lại thị trường nội địa, thị trường outbound và kích thích thị trường inbound gần như “bất động”. Kịch bản thay đổi từng ngày, nên rất khó để nhận định thị trường nào sẽ là đích nhắm thuận lợi để kích cầu.

Bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch cần làm gì?

“Giai đoạn này, có tung ra sản phẩm rẻ cỡ nào thì cũng rất khó thay đổi tâm lý du khách. Không chỉ người Việt, khách nước ngoài giờ cũng lo nhiễm bệnh nên hạn chế tối đa di chuyển. Do đó, chính sách kích cầu là cần thiết, nhưng đây chưa phải thời điểm tốt. Trong giai đoạn từ giờ đến hết tháng 4, các DN không thể làm gì khác ngoài đứng yên và lắng nghe, theo dõi thị trường. Tùy theo tiến độ xử lý dịch của từng quốc gia để dự đoán, xem thị trường nào có tín hiệu xanh, khả năng phục hồi để đưa các phương án trong giai đoạn tiếp theo. Kích cầu đúng thị trường, đúng thời điểm thì các tín hiệu xanh sẽ lan rộng. Ồ ạt kích cầu ngay bây giờ, e sẽ không có tác dụng”, vị này lo ngại.
Đồng tình, TS Phạm Trung Lương cho rằng hiện nay từ tâm lý khách hàng, diễn biến thị trường cho tới khâu chuẩn bị của chúng ta chưa sẵn sàng cho những chương trình kích cầu hiệu quả. Các địa phương được xác định tập trung như Phú Yên, Bình Định chỉ đơn thuần là điểm đến chưa có dịch nhưng sản phẩm hấp dẫn là gì, thu hút được đối tượng khách nào, khách họ đến chơi gì, tình hình dịch bệnh nước đó ra sao… tất cả đều chưa kiểm soát để trả lời được.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.