Các doanh nghiệp Mỹ sẽ đầu tư 3 dự án điện khí lớn tại Việt Nam

Vũ Hân
Vũ Hân
28/10/2020 17:02 GMT+7

Trong ngày 28.10, Việt Nam và Mỹ ký kết liên tiếp 7 biên bản ghi nhớ của nhiều dự án trị giá nhiều tỉ USD, trong đó có 3 dự án điện khí lớn, 1 dự án kho cảng LNG.

Khu vực phía Nam sẽ có thêm 2 nhà máy điện khí công suất hơn 6.000 MW

Theo tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trong ngày hôm nay, 28.10, Mỹ và Việt Nam đã ký kết 7 thoả thuận hợp tác tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là các dự án năng lượng với sự tham gia của nhiều cái tên hàng đầu của Mỹ như General Electric, ExxonMobil, Delta Offshore Energy…
Thứ nhất là thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Mỹ trị giá hơn 3 tỉ USD
Dự án có công suất 3.200 MW, được cho là “giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh”. Mục đích của việc ký kết là sử dụng các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trị giá 3 tỉ đô la từ Bechtel, General Electric và McDermott, sử dụng công nghệ và kỹ thuật tốt nhất của Mỹ.
Dự án với tổng mức đầu tư lên đến 50 tỉ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Đây là dự án sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Dự án do các công ty hàng đầu Mỹ tư vấn, bao gồm: JP Morgan - tư vấn tài chính dự án, Hogan Lovells - tư vấn quốc tế, Black & Veatch - tư vấn kỹ thuật, Marsh - tư vấn bảo hiểm và rủi ro.
“Dự án được coi là dự án trọng điểm quốc gia, được sự hỗ trợ và ủng hộ của các nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam”, theo tin từ Đại sứ quán Mỹ.
Thứ hai là biên bản ghi nhớ giữa General Electric và VinaCapital để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An với công suất 3.000 MW. Để hỗ trợ dự án này, VinaCapital sẽ hợp tác với GE về cung ứng các tua bin khí và các thiết bị và dịch vụ liên quan.
Dự án điện Long An từng được đăng ký ban đầu là dự án nhiệt điện than, nhưng không được địa phương đồng thuận vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.
Dự án điện khí từ khí hoá lỏng này là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam Việt Nam - khu vực luôn thiếu điện. Dự án có tầm quan trọng chiến lược vì sẽ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.

ExxonMobil muốn đầu tư điện khí tại Hải Phòng

Thứ ba là biên bản ghi nhớ giữa ExxonMobil, UBND TP.Hải Phòng và Công ty phát điện Nhật Bản JERA để hợp tác phát triển một dự án điện khí tại Hải Phòng. ExxonMobil và TP.Hải Phòng cũng đã gửi đề xuất bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm thông tin về nhu cầu điện, địa điểm dự kiến để triển khai dự án và hạ tầng để nhập khẩu LNG. Dự án đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư là thỏa thuận liên doanh giữa Tập đoàn AES và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) nhằm phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với giá trị khoảng 1,4 tỉ USD.
Việc ký kết này diễn ra gần dịp kỷ niệm 1 năm thỏa thuận lịch sử giữa AES và Chính phủ Việt Nam để xây dựng nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 trị giá 1,8 tỉ USD với sự chứng kiến của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross.
Kho cảng LNG Sơn Mỹ được đặt tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 450 TBtu, có chức năng cung cấp khí cho các nhà máy điện khí mới xây dựng với công suất khoảng 4.500 MW cũng như các nhà máy điện khí khác đang hoạt động và các khách hàng công nghiệp.
Tính chung, nhà máy điện với công suất 2,2 gigawatt và kho cảng sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam bằng việc đa dạng hoá nguồn năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của Việt Nam về phát triển điện một cách bền vững với giá thành hợp lý.
Thứ năm là ký kết tài trợ giữa Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam (EVNNPT) trị giá 935 triệu USD, nhằm hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và truyền tải điện, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư công nghệ lưới điện thông minh trong tương lai.
Dự án giữa USTDA và EVN NPT sẽ là tiền đề giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ nhằm hiện đại hóa hệ thống lưới điện.
Thứ sáu, cũng là một biên bản ghi nhớ liên quan đến lĩnh vực năng lượng, là bản ghi nhớ về Ethanol giữa Hội đồng Hạt cốc Mỹ (USCG) và Bộ Công thương nhằm mở rộng việc sử dụng và cung cấp ethanol tại Việt Nam.
USGC đã hợp tác với Công ty Tùng Lâm - công ty sản xuất ethanol duy nhất của Việt Nam, để chuyển đổi một phần các cơ sở sản xuất ethanol từ sắn sang sản xuất ethanol từ ngô nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các cơ sở này. Theo MOU này, USGC sẽ có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ phối trộn xăng E10 trong tương lai.

Việt Nam tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ

Ngoài 6 biên bản ghi nhớ liên quan đến lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Mỹ còn ký biên bản ghi nhớ hợp tác về thịt lợn Mỹ - Việt Nam giữa Công ty Liên minh Thương mại Việt Nam và tập hợp những nhà cung cấp Mỹ.
Theo đó, Liên minh Thương mại Việt Nam (VTA - một công ty nhập khẩu thực phẩm có trụ sở tại Việt Nam và có tỷ lệ sở hữu đáng kể của Mỹ), đại diện cho nhiều người mua và nhà sản xuất Việt Nam, đồng ý với chương trình 3 năm mua 300 - 500 triệu USD thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ướp lạnh và đông lạnh của Mỹ để chế biến thêm và phân phối tại thị trường Việt Nam.
Xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam đã tăng từ 4 triệu USD năm 2015 lên mức kỷ lục 35 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2020 và VTA ước tính tiềm năng bán hàng theo thoả thuận này có thể lên tới 500 triệu USD trong thời gian 5 năm.
Hoạt động này cũng sẽ giúp tăng tổng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sang Việt Nam, giúp giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam và hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, người chăn nuôi và các công ty chế biến của Mỹ.
Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Tổng thống Trump đưa ra cuối năm 2017 khi tham gia Hội nghị APEC tại Việt Nam.
Trải dài từ bờ tây nước Mỹ đến bờ tây Ấn Độ, với ASEAN nằm ở vị trí trung tâm, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, nơi đóng vai trò quan trọng định hình trật tự thế giới trong tương lai.
Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất, đặc biệt xung quanh khu vực Biển Đông.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ với triết lý cốt lõi là các quốc gia được tôn trọng chủ quyền, phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng, không bị ức hiếp bởi các quốc gia khác lớn hơn. Trong khuôn khổ chiến lược này, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.