Phòng lây lan bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ

21/09/2020 10:52 GMT+7

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2.149 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng trong tuần từ ngày 7 - 13.9 đã có 106 trường hợp.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại VN, ca bệnh tay chân miệng (TCM) ghi nhận quanh năm, tại hầu hết các địa phương, tuy nhiên thường tăng mạnh ở 2 đợt: tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12 trong năm. Bệnh TCM thường gặp có ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhiều hơn ở dưới 5 tuổi.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi T.Ư), TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
‘‘Cha mẹ, người chăm sóc trẻ hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu của bệnh như: trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sau đó xuất hiện tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Nếu trẻ sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng’’, BS Lâm lưu ý.
Cục YTDP cho biết, nguồn truyền nhiễm và chứa nguồn bệnh là người bệnh. Đáng lưu ý, nguồn lây có thể là người lành mang vi rút trong các dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc phân của bệnh nhân.
Mọi người đều có thể nhiễm với vi rút gây bệnh TCM nhưng không phải tất cả mọi người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn.
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại BV Nhi T.Ư  - Ảnh: Khánh Chi

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại BV Nhi T.Ư

Ảnh: Khánh Chi

Đảm bảo vệ sinh để phòng dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có vắc xin phòng TCM, do đó, tại các địa phương, cơ quan y tế phối hợp các cơ quan liên quan cần tuyên truyền rộng rãi, chú trọng ở nhà trẻ mẫu giáo về sự cần thiết trọng của giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh như: vệ sinh răng miệng, rửa tay trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ, ăn chín, uống sôi.
Để phòng dịch lây lan, trẻ mắc bệnh không đến lớp đến khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.
Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế. Trong lớp học, cần làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc; ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.
Tại gia đình, BN phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng chloramin B; quần áo, chăn màn dụng cụ của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%. Người chăm sóc BN cần thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ.
Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM không để trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi. Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.
Tay chân miệng có thời gian ủ bệnh từ từ 3 - 7 ngày, có thể lây nhiễm từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước. Tay chân miệng thường dễ lây nhất trong tuần đầu của bệnh.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nhi T.Ư 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.