Mừng rơi nước mắt khi bác sĩ lấy ra hạt sapôchê nằm trong phổi 27 năm

Đình Tuyển
Đình Tuyển
26/11/2020 11:35 GMT+7

Một nữ bệnh nhân ở Vĩnh Long đã mừng rơi nước mắt khi hạt sapôchê (hồng xiêm) vô tình 'kẹt' trong phổi 27 năm trước vừa được các bác sĩ Cần Thơ nội soi lấy ra.

Ngồi trên giường bệnh Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân nữ tên T.K.V.Đ (33 tuổi, người Khmer, ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long) đã không thể kìm được nước mắt mỗi khi nhớ đến nỗi ám ảnh khó chịu trong lồng ngực, đeo bám chị suốt từ khi còn một đứa trẻ.
27 năm trước, lúc mới lên 6 tuổi, trong một lần ăn trái sapôchê, chị Đ. vô tình bị sặc. Mặc dù bị ho rất nhiều nhưng do gia đình ở nông thôn, hiểu biết về y tế hạn chế nên không ai nghĩ một hạt hồng xiêm đã chui tọt vào phế quản bé gái.

27 năm mới phát hiện

Tình trạng ho của chị Đ. lúc mới sặc rồi cũng giảm dần nhưng cứ tái đi tái lại tới mức thành quen. Cha mẹ Đ. thì cứ nghĩ bệnh trẻ con nên thời gian cứ thế trôi đi. Lớn lên chị Đ. vẫn thường xuyên trải qua những đợt ho kéo dài mà không hề nhớ nguyên nhân từ đâu, đi khám nhiều nơi cũng không phát hiện bệnh.
Ba tháng gần đây, chị Đ. không chỉ ho kéo dài, khạc đàm mà còn kèm sốt, đau tức vùng dưới ngực phải, khó thở nên đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ điều trị. “Khi vào bệnh viện tôi mới biết mình bị kẹt cái gì trong phổi, cũng không nghĩ là hạt sa pô chê. Cho đến khi bác sĩ nội soi lần đầu tiên, gắp ra cái gai hạt sapôchê, lúc đó tôi mới nhớ lại hồi nhỏ 6-7 tuổi mình có bị sặc một lần”, chị Đ. kể.

Chuyện sặc hạt sapôchê xảy ra đã quá lâu nên bản thân chị Đ. và gia đình không ai nghĩ một hạt sapôchê đã bị mắc kẹt trong phổi chị

Ảnh: Đình Tuyển

Sau khi nhập viện khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), chị Đ. được các bác sĩ chẩn đoán bị giãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật nhánh phế quản thùy dưới phổi phải.
Bệnh nhân được chỉ định nội soi thám sát, ghi nhận một hạt hồng xiêm nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải và niêm mạc phù nề nặng.
Các bác sĩ đã dùng kìm lấy dị vật nhưng chỉ lấy được phần gai. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề và được tiến hành nội soi lần 2. Phải tới lần nội soi thứ 3 kéo dài 2 giờ 30 phút, ê kíp bác sĩ mới lấy được dị vật là hạt hồng xiêm nằm ngang trong lòng phế quản bệnh nhân ra.

Hình ảnh hạt sapôchê nằm sâu và nằm ngang trong lòng phế quản bệnh nhân

Ảnh Đình Tuyển

“Đây là một trường hợp đặc biệt khó khi thực hiện nội soi phế quản do thời gian dị vật nằm ở phế quản khá lâu, mô viêm phù nề và vị trí của dị vật rất sâu và nằm ngang trong lòng phế quản. Do đó dễ có nguy cơ gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất gây tử vong”, BS.CK1 Đặng Duy Thanh (Khoa Nội hô hấp), cho biết.

Cứ nghĩ bị bệnh nan y

Hiện tại, sức khỏe của nữ bệnh nhân T.K.V.Đ đã cải thiện rất nhiều, hết cảm giác đau tức ngực, bớt ho. “Rất cảm ơn các y, bác sĩ trong ê kíp, giống như họ giúp tôi hồi sinh vậy. Vì bao lâu nay, mình làm việc không có sức sống. Lúc nào cũng cảm thấy có bệnh nan y khó chữa trong người”, chị Đ. nói.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi.

Hạt hồng xiêm (sapôchê) được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lấy ra từ phổi bệnh nhân T.K.V.Đ

Ảnh: Đình Tuyển

“Tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân gặp trường hợp dị vật bị bỏ quên, và thường dẫn đến các biến chứng. Thời gian dị vật bỏ quên trong đường thở có thể từ vài năm đến trên 10 năm nhưng bệnh nhân này có vẻ là bệnh nhân bị mắc kẹt dị vật lâu nhất từ trước đến nay”, BS Thúy nói và cho biết.
Khi bị mắc dị vật đường thở, các biến chứng thường gặp nhất là tình trạng nhiễm trùng chỗ tắc nghẽn dị vật. Sau đó gây ra viêm phổi, nhiễm trùng tái đi tái lại. Lâu dần sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc vùng tắc nghẽn sau đó thì áp xe phổi, giãn phế quản và có thể làm thay đổi cấu trúc của phổi bình thường. Vì vậy, khi bệnh nhân, nghi mắc dị vật, có ho kéo dài, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, có hít sặc khi ăn uống thì nên đến bệnh viện để kiểm tra, BS Thúy cho biết thêm.
Cũng theo Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, do hoàn cảnh nữ bệnh nhân rất khó khăn, bệnh viện đã giao Phòng Công tác xã hội sử dụng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo và kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị cho cô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.