Quy Nhơn tình mãi với hương thời gian

23/06/2023 14:06 GMT+7

Quy Nhơn cách quê tôi (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) nào có xa xôi gì, khoảng trăm cây số. Xổ đèo Bình Đê vài phút là có thể ngắm chiếu cói rực rỡ phơi dọc đường lộ, miên man dừa xanh bao bọc xóm làng, và cơ man ruộng đồng thẳng cánh cò bay.

Vậy mà "thăm thẳm chiều trôi" từ thuở ấy. Thật ra, tôi cũng có vài dịp vô Quy Nhơn mà có "gặp" Quy Nhơn được đâu. Đó là đôi lần đi dự hội nghị, gặp anh em làm báo, tiệc tùng tới khuya rồi về khách sạn nằm bẹp như con gián. Sáng sớm, tôi giã biệt Quy Nhơn trong tâm trạng của một người có lỗi.

Quy Nhơn tình mãi với hương thời gian  - Ảnh 1.

Đường Ký Con trước 1975. Nay là đường Lý Tự Trọng.

Hôm bữa ngồi thừ ra nghe bài Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ của Ngô Tín. Thật nhiều xao xuyến. Ca từ bay bay, phiêu phiêu cùng sóng nhạc dưới nền trời Quy Nhơn xanh mờ. Bài hát gợi ra từng câu chuyện, con đường, góc phố, từng hình ảnh, kỷ niệm. Lâu rồi tôi đã phải lòng Quy Nhơn, giờ bài hát xui tôi phải lòng lần nữa. Quy Nhơn luôn còn đó Tháp Đôi bên cạnh Cầu Đôi thì tôi yêu Quy Nhơn gấp đôi là đúng quá còn gì. Tôi nhớ ai đó "triết" trong một cuộc vui, chắc là nhại để đùa thôi, nhưng có lý. Rằng trái tim luôn thầm thì hai điều. 1: Tình yêu luôn đúng. 2: Nếu tình yêu sai, xem lại điều 1.

Tôi vào Quy Nhơn. Lý do thì dứt khoát nhưng bước chân dùng dằng. "Mùa hè đỏ lửa", con đường cái quan hơn 20 cây số từ nhà tới trường Trung học Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị cày xới vì bom đạn. Cứ vài cây số là một hàng kẽm gai bùng nhùng giăng ngang. Hai bên đường là ruộng hoang nồng mùi cỏ cháy. Sau này, khi đọc "Ôi những cánh đồng quê chảy máu/Dây thép gai đâm nát trời chiều" (Nguyễn Đình Thi), tôi hay liên tưởng tới con đường "mịt mù thuốc súng" này.

Ông anh cùng xóm tên Hưng, hơn tôi 2 lớp, rủ tôi rút học bạ, vô Quy Nhơn thuê nhà trọ tiếp tục học. Hơn tuần sau tôi và anh là học sinh trường Trung học Nhân Thảo (giờ là Tiểu học Trần Quốc Tuấn).

Năm ấy, chiến tranh chưa chạm ngõ Quy Nhơn. Nhà trọ 29 Ký Con (nay là đường Lý Tự Trọng) có thêm hai thằng nhóc nhưng xung quanh chẳng ai hay. Phố mà. Phải như ở quê, một con gà qua ngõ là hàng xóm biết gà của ai chứ đừng nói người lạ. Nơi này dạy hai thằng học trò cù lần lên phố biết đủ thứ: Đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, học hành, đọc sách, xem phim, tán gái...

Tới trường, tôi chọn đường gần vì sợ trễ giờ. Nhưng tan học tôi thích lang thang trong lòng Quy Nhơn, theo cách nói của lớp trẻ bây giờ là "lạc trôi". Phố thưa người. Nhiều cổ thụ tàng cây rậm lá. Có vẻ như trong phố còn quê. Những vòm cổng lơ thơ hoa giấy. Vài ngọn trúc bất ngờ vẫy tay. Vỉa hè đây đó còn tươi dấu chổi quét sân. Nhiều gác xép với cửa sổ đang mở. Có đoạn hao hao giống phố cổ Hội An bây giờ.

Quy Nhơn tình mãi với hương thời gian  - Ảnh 2.

TP.Quy Nhơn ngày nay.

Đào Tiến Đạt

Tôi mê phim quyền cước Hồng Kông. Rạp Kim Khánh, Lê Lợi hay chiếu loại phim này. Sẵn kể luôn, tôi biết huýt sáo to như còi xe là nhờ… bắt chước nhân vật trong phim. Có bữa đi sau nhóm "áo dài" trường Trinh Vương, phố Gia Long (giờ là đường Trần Hưng Đạo), tôi huýt sáo làm cả nhóm ngoái lại. Trời ơi, tôi suýt té ngửa vì… em nào cũng đẹp, cái đẹp rất sáng, rất sang.

Hồi đó không ai hô hào "văn hóa đọc" nhưng học sinh đọc sách mê man. Đường Nguyễn Huệ có nhiều tiệm cho thuê sách. Chỉ cần "thế chân" vài chục đồng là ôm sách về đọc cả tuần. Tôi thích sách của nhà văn Duyên Anh, Mường Mán, Tuần báo Tuổi Ngọc. Anh Hưng thích văn học Nga, Mỹ, mê tạp chí Đối Diện (bán ở đầu đường Võ Tánh).

Một bữa, thầy Hường (dạy Pháp văn) "trữ tình ngoài đề". Thầy đọc và khen bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển của nhà thơ Lê Văn Ngăn, đăng trên tạp chí Đối Diện. Thầy nói như thánh nói, tôi lục chồng sách của anh Hưng đọc được bài thơ này. Hình ảnh thơ vừa thực vừa lạ, vần thơ bị vứt qua một bên, tình cảm dồn nén, thái độ phản chiến, tâm trạng bức bối và trĩu nặng thời cuộc khá rõ. Ngay lập tức, bài thơ "đọng" trong tôi. Tôi thêm yêu Quy Nhơn, thích thơ tự do, bớt mê lụy cái ngọt lịm của loại thơ "tháp ngà" du dương tình ái.

Có lần 3 giáo sinh Trường Sư phạm Quy Nhơn ghé thăm anh Hưng, hai nam một nữ. Tôi nấu bữa cơm nghèo đãi khách. Hôm đó, cậu học sinh lớp 10 là tôi chỉ biết… ăn và im. Ba người thầy sắp ra trường lo lắng, không biết "sự vụ lệnh" điều đi dạy ở đâu. Nếu là vùng "da báo" thì biết bao giờ trở lại? Anh Hưng nói về kỳ thi tú tài IBM đầu tiên mà anh sắp đối mặt, chuyện vô Sài Gòn ghi danh đại học, chuyện trốn lính. Nhóm giáo sinh ai cũng biết hát nhạc Trịnh. Tôi mượn cây ghi ta nhà bên. Cô gái "đẹp nhất phòng trọ" tên Hoan tự đệm đàn, hát "Người con gái Việt Nam qua làng, đi trong đêm đêm vang ầm tiếng súng…". Giọng chị trầm buồn, xót xa.

Chị Hoan có đôi mắt to hút hồn. Anh Hưng nói ba thằng tao (là anh và hai giáo sinh) đứa nào cũng mê cặp mắt em Hoan. Hèn chi anh hay hát câu "đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa". Anh nói cuộc thi "yêu" âm thầm này gay lắm, còn hơn thi tú tài. Chủ nhật, anh rủ tôi đi tàu lửa ra Chợ Huyện (Tuy Phước) ăn nem, sẵn ghé thăm Hoan.

Quy Nhơn tình mãi với hương thời gian  - Ảnh 3.

Nhà sách Trinh Vương hiện tại. Cạnh đó là nơi tọa lạc cũ của trường Trinh Vương.

Trần Xuân Toàn

Tôi cũng nhớ em Hiệp gần nhà trọ. Hiệp quê Vân Canh, mặt hiền, môi đỏ, hay cười. Hiệp xuống Quy Nhơn làm nghề ở mướn. Em có cái tủ gỗ nhỏ bán thuốc lá. Tôi hay mua thuốc chỗ em. Một bữa tôi chọc em, "dịch" tên thuốc Capstan thành… câu thơ "chiếc áo phong sương tình anh nặng" (cái này tôi học lỏm). Hiệp cười, nói hay quá. Từ đó, mỗi lần mua thuốc lẻ tôi được em "nhuận thơ" thêm một điếu. Hết tiền, đứt thuốc. Nhưng tôi quyết không mua chịu để giữ "danh giá" thư sinh. Một tối, tôi đi ngang, Hiệp chạy ra nhét vào tay tôi nguyên gói Capstan. Khi đó tôi tê dại cả người.

Thời còn tỉnh Nghĩa Bình, phố Quy Nhơn hơi chật chội. Nón cối, nón mê, xe đạp, xe độ, đi bộ, gánh gồng, gạo chợ nước sông… đủ cả. Tôi dự trại sáng tác văn học, được ngồi xe U-oát lên thủy điện Yaly. Những em bé cởi trần, mông lép, bụng to chạy theo xe cười vang. Tiếng cười trong trẻo vang lên từ đám bụi mù. Hôm mãn trại, tôi lên bệnh viện tỉnh thăm người thân đang nằm sàn vì hết giường. Nghe tôi kể, nhà thơ Lê Văn Ngăn xách túi trái cây, ôm chiếc chiếu cũ cùng đi với tôi. Anh buồn xo: "Mình không còn tiền, đây là tình vậy". Tôi rưng rưng. Quý anh, tôi thêm yêu Quy Nhơn.

Khi tôi học lớp sư phạm nâng cao tại Quảng Ngãi, thầy Trần Xuân Toàn (Đại học Quy Nhơn) ra lên lớp tiết đầu tiên. Chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra nhau. Hóa ra từ lâu lắc, hai "thi sĩ" đã từng có thơ đăng trên cùng trang báo Nghĩa Bình. Đang khát nhớ, thầy đã mang Quy Nhơn mát lành ra cho tôi. Chúng tôi "làm" một đêm Quy Nhơn tại Quảng Ngãi. Đất và người Quy Nhơn xưa và nay như đồng hiện, rõ mồn một trong bài hát của nhạc sĩ tài hoa Ngô Tín: "Còn đó tháp Đôi, cầu Đôi, tình mãi với hương thời gian…". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.