Quốc hội sẽ giám sát loạt dự án giao thông trọng điểm

19/08/2023 07:08 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025...

Ngày 18.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25.

Làm rõ những sơ hở, thiếu sót

Trong đó, sáng 18.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về "dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023".

Quốc hội sẽ giám sát loạt dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên họp ngày 18.8

TTXVN

Tham gia ý kiến, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết các quy định hiện "lúc thì chồng chéo, lúc thì không cập nhật kịp, lúc thì rất rối, mỗi đơn vị bây giờ làm theo một kiểu riêng rất khó". Lĩnh vực sự nghiệp công ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Ông kỳ vọng sau cuộc giám sát sẽ điều chỉnh hợp lý, tốt hơn trước để cải thiện tình hình.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết trọng tâm giám sát là vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ tự chủ tài chính mà tự chủ nhiều nội dung. Vấn đề xã hội hóa các dịch vụ công lập, chuyển các công việc của Nhà nước cho khối tư nhân làm. "Ví dụ trước đây, công chứng nhà nước làm, nhưng hiện có cả tư nhân, thừa phát lại cũng là tư nhân. Đặc biệt là vấn đề đăng kiểm, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT báo cáo rất sâu về vấn đề chuyển dịch vụ đăng kiểm", ông Định cho biết.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, qua giám sát phải làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, của cơ chế, chính sách, đường lối để xem rằng có sơ hở, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực từ trong các chính sách đó hay không. Trong chỉ đạo điều hành cũng cần xem có sơ suất, mâu thuẫn, chồng chéo hay không và có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hay không. Đặc biệt, qua giám sát phải làm rõ tình trạng có hay không và ở đâu, ai chịu trách nhiệm về tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, xử lý công việc chậm, gây khó khăn cho công dân và tổ chức, cản trở sự phát triển KT-XH.

Cũng trong sáng qua, TVQH đã thảo luận về nội dung giám sát triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2023/QH15. Ngoài ra, sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả của các đối tượng giám sát và báo cáo kết quả giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, các cơ quan liên quan, đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng những nơi có tình hình nổi bật, có tính đại diện về vùng, miền, là các tỉnh, thành phố có thực hiện cả 2 nội dung của đoàn giám sát.

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch giám sát, đồng thời huy động HĐND các địa phương phối hợp thực hiện giám sát tại địa phương đó để bảo đảm tiến độ, chất lượng giám sát.

Nên làm rõ thế nào là người gốc Việt

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến và nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội và quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, còn có hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo luật.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với phương án đổi tên luật thành luật Căn cước để phù hợp với việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật là người gốc Việt Nam. Theo đó, người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một bộ phận không nhỏ và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng hơn 31.000 người), không phải là đối tượng áp dụng chủ yếu trong luật.

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với việc bổ sung người gốc Việt Nam vào đối tượng áp dụng của luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, nhất là bảo vệ các quyền liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ các thông tin cần thu thập để vừa bảo đảm quyền riêng tư của công dân, người gốc Việt, vừa giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân, thực hiện hiệu quả việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ hiện vẫn còn hai ý kiến khác nhau về tên của dự án luật; đề nghị trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan cần làm rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án (thay đổi tên luật và không thay đổi tên luật) để bảo đảm khách quan.

Chủ tịch Quốc hội cho biết dù chọn phương án nào cũng nên có một loại giấy tờ để cấp cho người gốc Việt Nam; đồng thời, trong dự án luật cũng nên làm rõ thế nào là người gốc Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.