Phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM: Cần khung khổ 'may đo' riêng?

17/01/2024 20:52 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, việc hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch tại Hà Nội và TP.HCM theo quy định hiện hành là bất khả thi nên cần có tư duy đột phá và khung pháp lý riêng…

Hà Nội và TP.HCM nên thực hiện 1 - 2 tuyến thử nghiệm

Ngày 17.1, tại phiên tổng quan về TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng) trong khuôn khổ chương trình hội thảo về "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM" diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung phân tích về vai trò chiến lược, kinh nghiệm phát triển quốc tế để nêu ra các bài học, giải pháp phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD cho 2 thành phố.

Phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM: Cần khung khổ 'may đo' riêng?- Ảnh 1.

Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, phát biểu tham luận tại hội thảo

KHẮC HIẾU

Theo ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035 là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bất khả thi nếu triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; và khả thi nếu được thực hiện với tư duy mới, thực sự đột phá, có một khung khổ pháp lý mới được "may đo" riêng cho Hà Nội và TP.HCM.

Đó là các quy định vượt trội về quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông, doanh nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn… cũng như tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị TOD.

Cơ chế tổng thể đột phá phải bao gồm toàn diện từ lĩnh vực quy hoạch, bồi thường và thu hồi đất, nguồn lực tài chính, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực…

Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép mỗi thành phố lựa chọn một dự án đường sắt đô thị TOD có chiều dài khoảng 10 km để triển khai thử nghiệm theo cơ chế vượt trội cao nhất và chứng minh tính hiệu quả của cơ chế trong thời gian khoảng 3 năm. Từ đó, rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế áp dụng cho mỗi thành phố.

Phát biểu tham luận theo hình thức trực tuyến, GS Vũ Minh Khương, Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết kinh nghiệm quốc tế trong đầu tư, quản trị phát triển đường sắt đô thị thể hiện Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong yểm trợ tối đa các thành phố phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Coi đây là mặt trận quyết chiến chiến lược, quyết định sự thành bại của công cuộc hiện đại hóa và trở thành quốc gia phát triển.

Theo GS Khương, Hà Nội và TP.HCM nên thực hiện 1 - 2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí: tính khả thi cao, tác động lớn, phí thu hồi đất thấp và nên chọn phương án ngầm nếu cần thiết. Thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước năm 2030. Các dự án nên chú trọng 3 tiêu chí lớn gồm chất lượng, giá thành và tiến độ thực hiện.

Phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM: Cần khung khổ 'may đo' riêng?- Ảnh 2.

Đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội

MRB

Đường sắt đô thị là "xương sống" của mạng lưới giao thông

Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu, trong Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đường sắt đô thị được kỳ vọng là "xương sống" của mạng lưới GTVT thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15 - 25% ở đô thị vệ tinh.

Khi hoàn thành, đường sắt đô thị được gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác. Hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành được gần 405 km còn lại, với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỉ USD, tương đương khoảng 850.000 tỉ đồng. Điều này là khó khả thi về mặt thời gian cũng như bố trí nguồn lực; đồng thời khi triển khai thực tế các dự án đã thấy nhiều bất cập.

Nổi lên là việc thiếu gắn kết với tái cấu trúc không gian đô thị; thiếu kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận nhà ga. Nếu không được giải quyết sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác và tính ưu việt của loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn này.

Những bất cập nêu trên, cùng với dự báo dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người khiến việc ùn tắc giao thông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Đồng thời, sẽ tiếp tục tạo ra các "gánh nặng", kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết các vấn đề trên, thành phố cần nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.