Những chiếc bánh ấm tình người trong mùa dịch

09/10/2022 07:24 GMT+7

Rất nhiều người dân sống tại TP.HCM sau đợt giãn cách toàn TP để phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 chợt nhận ra giá trị to lớn của chiếc bánh mì .

Bánh mì thanh long và nông sản Việt

Tiếp chúng tôi tại nhà máy chuyên sản xuất bánh cho thị trường nội địa nằm trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM), Tổng giám đốc Công ty bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cũng là nhà sáng lập thương hiệu bánh mì ABC Bakery - ông Kao Siêu Lực đã chia sẻ về sáng tạo bánh mì thanh long của ông.

Xe bánh mì miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 vào năm 2020

Hoa Nữ

Ông Lực kể năm đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát, mục đích ban đầu của ông là về miền Tây để mua sầu riêng. Nhưng khi đứng nói chuyện, nhiều người rớm nước mắt kể cả vườn thanh long vào mùa thu hoạch không có ai mua vì khi đó có tới 300 container thanh long không thể xuất sang Trung Quốc, đang ùn ứ tại cửa khẩu. Ông mua vài tấn thanh long lên Sài Gòn với ý định ban đầu là cho nhân viên. Nhưng ánh mắt của bà con nông dân khiến ông ám ảnh, phải nghĩ cách cứu họ. Vậy là chiếc bánh mì thanh long ra đời và sau đó là một loạt các trái thơm, xoài, sầu siêng, khoai môn… được đưa vào chiếc bánh và gắn logo “Tự hào nông sản Việt” của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực.

Cũng nhờ sáng tạo trong sản xuất, ABC của ông Lực được các nhãn hàng thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới chọn làm vỏ bánh khi vào VN. Hiện ABC chiếm hơn 90% thị phần cung cấp vỏ bánh cho các chuỗi cửa tiệm thức ăn nhanh tại VN như McDonald’s, Burger King, Lotteria, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Beans & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K…

Mở tiệm bánh đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1984, ông Kao Siêu Lực giải thích việc chọn nghề làm bánh hết sức đơn giản: Nghề này cực quá, không ai muốn làm. Hồi đó VN đang bị cấm vận, các phương tiện máy móc hầu như không thể mua, vật liệu cũng khó khăn. Đặc thù của nghề làm bánh mì là khi người ta ngủ ngon giấc thì 1 - 2 giờ sáng mình phải lò dò dậy làm việc và phải trong tinh thần hết sức tỉnh táo. Nhồi bột, ủ, bắt bánh, nướng, sáng ra còn chở đi bán.

“Làm thâu đêm suốt sáng như vậy, từ ngày này sang tháng nọ, sức khỏe nào chịu nổi. Nên ngẫm lại, những nghệ nhân, ông chủ doanh nghiệp thành công từ nghề bánh mì đa số là có niềm đam mê với nghề rất lớn. Ngày nay, tôi vẫn khuyên các bạn trẻ nếu yêu thích nghề bánh, cứ khởi nghiệp đi, vì nghề đó không khiến cho bạn phá sản mà có thể nuôi sống bạn qua ngày và có thể làm giàu được nếu có đam mê, yêu nghề, sáng tạo và phải tự hào về nó”, ông Lực chia sẻ.

San sẻ từng chiếc bánh

Trải qua thời kỳ đất nước phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, bánh mì đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với hàng triệu người dân cả nước.

Chị H.N (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhớ lại: Lò bánh mì trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình, TP.HCM) hằng ngày nướng cả chục mẻ bánh, bán ra năm bảy trăm ổ bánh mì là bình thường. Nhưng trong những ngày TP giãn cách nâng cao, để mua được một ổ bánh mì tại đây thì… khó như lên trời hái sao. Khi đó, cư dân trong các chung cư quanh khu vực này phải lên danh sách, đăng ký từ đầu tuần, đến thứ tư, thứ năm mới có bánh. Mỗi nhà cũng chỉ được mua định mức 5 ổ, muốn hơn cũng không có. Thế nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ phần bánh khiêm tốn của mình với những nhà chưa đăng ký kịp. Thiếu bánh mì nóng giòn, nhiều người tìm được nguồn bánh mì tươi đâu tận Q.6, Bình Tân về cũng sớt lại với những người xung quanh.

Chuyện mới xảy ra cách đây 1 năm, nhưng nay kể lại vẫn còn đầy xúc động. Trong kho hình ảnh của chúng tôi lưu vào những ngày tháng ấy, còn tấm hình một người tên Hoa làm nghề bán bánh mì. Phong tỏa, ở nhà quá khó khăn, bà mới “thậm thụt” đi bộ ra mua bánh mì từ một lò nhỏ bên Q.10 treo toòng teng trên xe, đứng bán ngay đầu con hẻm nhỏ trên đường Âu Cơ. Sáng hôm đó, bà lấy được 25 ổ bánh, bán được 15 ổ, còn lại… phát cho người đi đường.

Hết dịch, bà Hoa quay lại tủ bánh mì xíu mại, heo quay, pate… “Ổ bánh mì xíu mại nay bán giá 12.000 đồng, tăng 2.000 đồng so với trước dịch, nhưng người mua cũng đông hơn. Sáng bán được 60 - 80 ổ, nhiều hơn trước kia 20 ổ. Bánh mì người ta 20.000 - 25.000 đồng, giá của mình chỉ bằng một nửa, nên khách xe ôm mua ăn sáng nhiều lắm. 2 đứa con đi học được, đứa lên cấp 2, đứa cấp 3 là nhờ xe bánh mì này của má nó đấy. Giá cả cái gì cũng tăng vọt, mình cố gắng làm sao bán rẻ nhất có thể, mỗi người chịu thiệt một tí, rồi cũng qua thôi. Dịch còn sống được nữa là bây giờ”, bà giải thích đơn giản.

Hành trình bánh mì VN lại viết thêm một trang mới, nó không chỉ là một món ăn, nó là tình làng, nghĩa xóm, là mối liên kết cộng đồng giúp họ có thêm sức mạnh đi qua đại dịch.

Năm 2008, sự kiện ông Kao Siêu Lực, người Việt duy nhất được mời làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi Coupe du Monde de la Boulangerie của các nhà làm bánh trên thế giới, diễn ra tại Paris (Pháp) làm nức lòng người yêu chiếc bánh mì Việt. Rồi ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội ngành bánh kẹo người Hoa quốc tế năm 2010, Chủ tịch Hiệp hội bánh mì quốc tế - khu vực Đông Nam Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.