Người Việt có thể ngắm mưa sao băng mệnh danh cổ xưa nhất

18/04/2024 18:41 GMT+7

Những ngày này, người Việt có thể quan sát trận mưa sao băng Lyrids rực rỡ nhất tháng 4 và nó cũng được xem là mưa sao băng cổ xưa nhất mà loài người quan sát được. Ngắm thế nào?

Ngày nào cực điểm?

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Lyrids thường tạo ra khoảng 20 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Nó được tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi C/1861 G1 Thatcher để lại, được phát hiện vào năm 1861.

Theo đó, đây là trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 16 - 25.4 và người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát chúng trong khoảng thời gian này. Đáng chú ý, cực điểm năm nay rơi vào đêm 22, rạng sáng 23.4. Những thiên thạch này đôi khi có thể tạo ra những vệt bụi sáng kéo dài trong vài giây.

Thiên thạch lao vào khí quyển trái đất và bốc cháy thành những vệt sáng dài trên bầu trời mà chúng ta gọi là sao băng

Thiên thạch lao vào khí quyển trái đất và bốc cháy thành những vệt sáng dài trên bầu trời mà chúng ta gọi là sao băng

HUY HYUNH

Tuy nhiên vào thời điểm cực điểm mưa sao băng, ánh sáng chói của trăng tròn sẽ ảnh hưởng tới việc quan sát của người yêu thiên văn. Nhiều vệt sao băng sẽ bị che khuất, trừ những sao băng sáng nhất trong đêm.

“Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể quan sát được những vệt sao băng này bằng mắt thường. Thời gian tốt nhất sẽ là sau nửa đêm. Thiên thạch sẽ tỏa ra từ chòm sao Lyra (Thiên Cầm), và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời”, HAS hướng dẫn.

Thông tin từ Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), nguồn gốc của mưa sao băng Lyrids là từ các mảnh vụn của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, một sao chổi có chu kỳ khoảng 415 năm trên quỹ đạo quanh mặt trời.

Tháng 4 hằng năm, khi trái đất đi qua vùng quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch lao vào khí quyển trái đất và bốc cháy thành những vệt sáng dài trên bầu trời mà chúng ta gọi là sao băng.

Lịch sử 2.500 năm

Theo các nhà nghiên cứu, Lyrids là một trong những trận mưa sao băng cổ xưa nhất mà loài người đã quan sát được. Những tài liệu xa xưa nhất ghi nhận về hiện tượng này cho biết nó đã được quan sát từ cách đây 2.500 năm.

Một bầu trời không mây, ít ô nhiễm, một vị trí quan sát thoải mái và an toàn cũng như cần có sự kiên nhẫn là những điều kiện để quan sát một trận mưa sao băng lý tưởng, không chỉ riêng Lyrids.

Người Việt có thể ngắm mưa sao băng mệnh danh cổ xưa nhất- Ảnh 2.

Sao băng luôn là hiện tượng kỳ thú đối với người yêu thiên văn

HUY HYUNH

Chuyên gia cho biết mặt trăng ít nhiều sẽ cản trở việc quan sát. Thêm vào đó, với các vùng có mức độ ô nhiễm cao (các thành phố lớn, khu dân cư, khu công nghiệp, công trường xây dựng...) cũng không thuận lợi để quan sát.

Anh Vũ Văn Hải (20 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết vì nhà ở vùng ngoại ô nên ít ô nhiễm ánh sáng hơn, anh cũng dự định nhân ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương hôm nay (18.4) sẽ dành thời gian để quan sát mưa sao băng.

“Trước thời gian cực điểm, mình nghĩ cũng sẽ không quan sát được nhiều vệt, nhưng nếu may mắn, mình có thể nhìn thấy. Ngày cực điểm, ánh trăng đã ảnh hưởng tới việc quan sát nên không biết hôm đó thế nào. Mỗi tháng, mình đều dành thời gian để ngắm bầu trời, cũng là một cách để mình chữa lành", anh bày tỏ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.