Ngày mới với tin tức sức khỏe: Bệnh gì cần lưu ý khi ăn tỏi?

25/03/2024 00:10 GMT+7

'Tỏi không chỉ là loại gia vị phổ biến mà còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe sẽ khiến người mắc cần hạn chế ăn tỏi'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Vì sao ngộ độc thuốc tê nhổ răng có thể dẫn đến tử vong?; Một muỗng giấm táo mỗi ngày cải thiện đường huyết, cholesterol và cân nặng; Phát hiện tác hại của nắng nóng đối với người 50 tuổi...

Những vấn đề sức khỏe nào cần tránh ăn tỏi?

Tỏi không chỉ là loại gia vị phổ biến mà còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe sẽ khiến người mắc cần hạn chế ăn tỏi.

Tỏi có chứa sulfur, glycosides, vitamin B, phốt pho, magiê, canxi, kali và nhiều khoáng chất khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỏi có thể giúp góp phần kiểm soát huyết áp, cải thiện cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện sức khỏe xương và nhiều lợi ích khác.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Bệnh gì cần lưu ý khi ăn tỏi?- Ảnh 1.

Những người bị bệnh lupus cần tránh ăn tỏi

PEXELS

Tuy nhiên, những người mắc bệnh lupus cần tránh ăn tỏi. Lupus là loại bệnh tự miễn dịch, khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức và tấn công các mô, cơ quan khỏe mạnh trong cơ thể. Khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi đều có thể bị ảnh hưởng do bệnh lupus.

Lợi ích giúp tăng cường miễn dịch của tỏi cũng chính là nguyên nhân khiến người bị lupus nên tránh ăn tỏi. Trong tỏi có chứa allicin, ajoene và thiosulfinates. Đây đều là những chất giúp cải thiện số lượng bạch cầu, từ đó cải thiện chức năng miễn dịch, giúp người bị cảm lạnh mau khỏi. Tuy nhiên, với bệnh tự miễn lupus, các dưỡng chất này của tỏi sẽ kích thích hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Hệ quả là có thể khiến các triệu chứng của lupus thêm nghiêm trọng.

Người bệnh lupus có thể cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đau cơ và khớp sau khi ăn tỏi. Dù ăn một ít tỏi có thể không kích hoạt các triệu chứng này nhưng các chuyên gia khuyến cáo để an toàn thì cần tránh dùng tỏi khi nấu ăn cho người mắc lupus. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 25.3.

Nắng nóng gay gắt: Phát hiện tác hại bất ngờ đối với người 50 tuổi

Nghiên cứu được trình bày tại phiên họp của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2024, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21.3, đã phát hiện tiếp xúc với thời tiết nắng nóng có thể làm tăng tình trạng viêm và làm suy giảm hệ thống miễn dịch, từ đó đẩy nhanh sự tiến triển của bệnh tim mạch.

Viêm là một phần bình thường của cơ thể khi bị chấn thương hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, viêm kéo dài hàng tuần đến hàng tháng hoặc xảy ra ở các mô khỏe mạnh sẽ gây tổn hại và dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch. Điều này có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Bệnh gì cần lưu ý khi ăn tỏi?- Ảnh 2.

Tiếp xúc với thời tiết nắng nóng có thể làm tăng tình trạng viêm và làm suy giảm hệ thống miễn dịch

Pexels

Nghiên cứu, do tiến sĩ Daniel W. Riggs, Phó giáo sư y khoa tại Viện Môi trường Christina Lee Brown thuộc Đại học Louisville ở Louisville (Mỹ) dẫn đầu, bao gồm 624 người tham gia, ở độ tuổi trung bình khoảng 50.

Các tác giả đã xem xét mối liên quan giữa nhiệt độ cao đối với các dấu hiệu viêm và phản ứng miễn dịch trong cơ thể để nghiên cứu các tác động ngắn hạn của việc tiếp xúc với nhiệt.

Kết quả họ đã phát hiện ra rằng tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể làm suy yếu khả năng ghi nhớ các loại virus và vi trùng của các tế bào miễn dịch, đồng thời cơ thể sẽ sản xuất quá mức các phân tử có thể dẫn đến viêm nhiễm. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 25.3.

Một muỗng giấm táo mỗi ngày cải thiện đường huyết, cholesterol và cân nặng

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học BMJ Nutrition đã phát hiện giấm táo có tác dụng cải thiện mức đường huyết, cholesterol, chất béo trung tính và giảm cân.

Nghiên cứu bao gồm 120 thanh thiếu niên và thanh niên bị béo phì hoặc thừa cân. Hầu hết không có thói quen tập thể dục.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Bệnh gì cần lưu ý khi ăn tỏi?- Ảnh 3.

Giấm táo có tác dụng cải thiện mức đường huyết

Pexels

Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên uống giấm táo theo các liều lượng 5, 10, 15 ml hoặc axit lactic làm đối chứng - bằng cách pha trong 1 ly nước (240 ml) uống mỗi ngày trong 12 tuần, vào buổi sáng lúc bụng đói.

Những người tham gia được yêu cầu ghi lại những gì họ ăn và hoạt động thể chất của mình. Họ được đo chiều cao, cân nặng, vòng eo và lượng mỡ trong cơ thể vào lúc bắt đầu nghiên cứu và sau 4, 8, 12 tuần.

Họ cũng được thu thập mẫu máu để đo mức đường huyết, cholesterol và chất béo trung tính.

Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người uống 1 muỗng canh giấm táo pha với nước mỗi ngày đã cải thiện mức đường huyết, chất béo trung tính và cholesterol trong máu.

Mức đường huyết của họ đã giảm ở tuần 4, 8 và 12 sau khi uống, còn cholesterol và chất béo trung tính đã giảm ở tuần 8 và 12. Đặc biệt, liều 15 ml giấm táo (1 muỗng canh) trong 12 tuần là hiệu quả nhất để giảm các chỉ số trên. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.